Người lớn bất cẩn, trẻ em "lĩnh" tai nạn thương tâm

Mỗi năm, nước ta có khoảng 35.000 người tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 8.000 từ sơ sinh đến 18 tuổi.
Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã cứu sống bé trai V.T.C (8 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Lúc trèo hái mận trong vườn nhà, bé C. bị rắn cắn  vào gót chân trái gây choáng váng, may có người nhà phát hiện sơ cứu bó thuốc nam nhưng sau đó phải chuyển đến BV vì hoại tử lan dần vào cơ thể.
Phỏng lửa, rắn cắn…
Bé C. được các bác sĩ cứu sống sau 2 lần truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Em còn phải được điều trị ôxy cao áp để giảm thiểu tổn thương sưng bầm hoại tử. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Nhi Đồng 1, tại đây tiếp nhận nhiều ca bị rắn độc, côn trùng cắn, ong độc chích…, nếu không sơ cứu ngay và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế kịp thời thì rất nguy hiểm.
Trường hợp bé C. vẫn còn may mắn. Chứng kiến cảnh bé gái Rahlan Méo (6 tuổi, ở thôn Piơr, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đang từng ngày chống chọi những cơn đau tại Khoa Phỏng BV Nhi Đồng 1 càng thấy thương tâm hơn. Bé Rahlan Méo nhập viện ngày 10-3 trong tình trạng vùng bụng, 2 đùi và vùng kín bị hoại tử, nhiễm trùng chỉ còn trơ ra lớp thịt đỏ hỏn do bị phỏng lửa khá nặng khiến ai nhìn thấy cũng xót xa. 
Từ khi nhập viện, bé được truyền máu, tiếp đạm liên tục và dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bé vẫn rất đau đớn. Theo bác sĩ Trần Bích Thủy, Khoa Phỏng BV Nhi Đồng 1, bệnh nhi vừa được cắt lọc các lớp da bị hoại tử do phỏng và ghép da mới.
Bé Rahlan Méo đang chống chọi với vết thương lớn do phỏng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Bé Rahlan Méo đang chống chọi với vết thương lớn do phỏng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1  
Gia đình bé Rahlan Méo làm nghề trồng bắp, lúa; gia cảnh rất khó khăn. Trước đó, trong lúc thu hoạch bắp, bé Rahlan Méo nướng bắp ăn rồi bất ngờ bị ngọn lửa to bùng lên làm cháy hết quần áo. Vì tai nạn ở tận rừng sâu, không có ai phát hiện để cứu nên bé gắng gượng bò về đến nơi có nước để tự làm mát thân thể. Khi bé được tìm thấy thì cơ thể đã bị phỏng quá nặng, đặc biệt là ở vùng kín và ổ bụng. Bé được chuyển cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương trước khi chuyển xuống BV Nhi Đồng 1. 
Trong giấy chuyển viện từ BV Đa khoa tỉnh Gia Lai đến TP HCM ghi rõ bệnh nhân bị phỏng độ II, độ III vùng ngực, bụng, bẹn, 2 đùi… và vượt quá khả năng điều trị của BV này. Theo một bác sĩ BV Nhi Đồng 1, nếu bệnh nhi chuyển viện chậm vài ngày thì không thể cứu được.
Lỗi ở người lớn
Theo kết quả khảo sát về tai nạn thương tích tại Việt Nam vừa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố, mỗi năm nước ta có khoảng 35.000 người tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 8.000 từ sơ sinh đến 18 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất là chết đuối với trung bình khoảng 10 em mỗi ngày.
Theo Sở Y tế TP HCM, mỗi năm tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng khoảng 250-300 trẻ em trong độ tuổi từ 1-14. Chỉ riêng BV Nhi Đồng 1 mỗi năm tiếp nhận cấp cứu cho khoảng 1.200 trường hợp trẻ bị tai nạn. Các loại tai nạn dễ gặp nhất là chết đuối, côn trùng đốt, rắn cắn, chấn thương do té ngã, tai nạn, ngộ độc, phỏng lửa, nước sôi, điện giật, sét đánh...
Điều đáng nói là tai nạn xảy ra ở trẻ lại do lỗi bất cẩn ở người lớn. Chỉ vì một phút lơ là của người nhà đã kéo theo nhiều tai nạn đau lòng. Còn nhớ cách đây chưa lâu, BV Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật cấp cứu một bé trai 9 tuổi bị thủng ruột vì đạn hoa cải.
Nguyên nhân do cha bé thường dùng loại súng này để đi săn nhưng khi về nhà lại không cất súng cẩn thận. Ngay sau đó, 2 con ông lấy ra nghịch chơi, người anh để nòng súng sát bụng người em rồi siết cò.
Các bác sĩ khuyến cáo những tai nạn đau lòng thường xảy ra ở trẻ nhỏ là do ở tuổi này trẻ có nhận thức hạn chế, lại hiếu động, tò mò, thích hành động một mình. Vì vậy, người lớn cần quan tâm, giám sát, tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ./.

Đọc thêm