Người lớn biết ngượng

(PLVN) - Một cậu học sinh nhỏ tuổi ở Đồng Nai trên đường đi học về đã dừng xe bới rác từng cái cống để nước mưa thoát đi. 
Cậu học trò dừng xe bới rác để cống thoát nước.
Cậu học trò dừng xe bới rác để cống thoát nước.

Việc làm nhỏ bé được dư luận ngợi khen bởi chẳng có người lớn nào làm được việc đó cả và bởi cậu làm chuyện đó một cách hồn nhiên, chẳng quan tâm đến việc đó có ai để ý và khen mình không. Tâm thế đó rất khác với những đợt ra quân vì môi trường với hình ảnh các cán bộ quét rác, khơi thông cống rãnh chỉ để làm mẫu mà thôi.

Một cô gái trẻ ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nhặt được 22 triệu đồng cùng 1 chỉ vàng đã tìm người đánh rơi để trả lại. Đó là một cặp vợ chồng người dân tộc rất nghèo, vay tiền để đưa con đi chữa bệnh. Khi nhận ra mình đánh rơi mất tiền thất thần giữa chợ, tiền đổ xăng để về nhà cũng không có, bà con tiểu thương ở chợ đã quyên góp nhau một ít tiền giúp đỡ họ.

Cái tâm, cái thảo, lòng thương người của chị em buôn bán nơi chợ búa đáng quý làm sao. Họ có cần đâu chuyện xếp hàng ngang chụp ảnh rồi đưa lên báo, cả cô gái kia cũng vậy, nhặt được thì đem trả, đạo lý thường tình thôi! Hẳn là họ sẽ rất ngượng ngùng khi có ai đó “tôn vinh” hành động của họ.

Mới đây, trong cuộc họp HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã 4 lần nhắc tới từ “xấu hổ” khi đề cập chuyện để dân còn trong tình trạng nghèo, không những thế còn tìm mọi cách xà xẻo gói cứu trợ của Chính phủ. Cái khái niệm “hộ cận nghèo là hộ ở gần nhà nghèo” cũng từ Thanh Hóa mà ra.

Nếu những “người lớn” ngồi tại cuộc họp này biết ngượng hẳn tình trạng “dê đi lạc vào nhà quan” không bao giờ tái diễn nữa! Qua rất nhiều chuyện như vậy, có thể nói, nếu người lớn biết ngượng thì quan hệ ứng xử trong xã hội sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt lên rất nhiều.  

Đọc thêm