Người lưu giữ "linh hồn" người Thái

(PLO) - Nghệ nhân Cà Văn Pánh (trú tại bản Hua Nà, xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) là một trong số ít người dân địa phương biết làm đàn, biết chơi đàn nhị và tâm huyết lưu giữ các làn điệu nhị cho đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Đối với người dân tộc Thái, đàn nhị là một trong những loại nhạc cụ độc đáo, mang đậm bản sắc, được coi là linh hồn người Thái.

Khi phóng viên hỏi đường đến nhà ông Cà Văn Pánh, dường như người dân nào trong bản cũng biết và chỉ dẫn tận tình. Gặp ông Pánh trong một buổi chiều khi ông vừa cùng bà con trong xóm đi đánh cá suối trở về. Chân tay lấm lem bùn đất nhưng khuôn mặt ông tỏ rõ niềm vui khi có khách ở xa đến thăm. Pha tách trà lá xi - một loại lá làm đồ uống đặc trưng của người Thái, ông trò chuyện rất chân thành, cởi mở.

Ông Pánh cho biết, cây đàn nhị của người Thái có từ thời xa xưa và ông là người kế tục từ bố ông. Tuy không phổ biến như đàn tính tẩu nhưng trong mỗi dịp lễ hội, đàn nhị vẫn được dùng để đệm cho những làn điệu dân ca Thái hay những điệu múa xòe. Còn nhớ trước kia, những chàng trai, cô gái Thái muốn tìm hiểu nhau, họ thường nhóm lửa kéo sợi, kéo đàn rồi kết nên đôi lứa.

Mỗi khi xuân về hay bản làng được mùa thì tiếng đàn nhị lại vang lên và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân. Tiếng đàn giúp cộng đồng gắn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng.

Vai trò của cây đàn nhị trong đời sống người Thái quan trọng là vậy nhưng những năm gần đây đang dần bị mai một, số người kéo được đàn nhị và hát được dân ca Thái cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Năm 14 tuổi, ông Pánh đã biết kéo đàn, hát, làm đàn nhị. Nhiều năm nay, ông vẫn luôn trăn trở với việc duy trì, phát triển văn hóa Thái cũng như lưu giữ tiếng đàn nhị.

Theo ông, để kéo được đàn nhị đòi hỏi người học phải có năng khiếu và tính kiên trì. Nếu sinh ra trên chính mảnh đất và uống dòng nước từ khe suối Pa Khóa có thể sẽ học được nhanh hơn, âm điệu của tiếng nhị cũng có hồn hơn. Điều thú vị hơn nữa là cây đàn nhị của người Thái ở Pa Khóa được làm hoàn toàn bằng các vật liệu tự nhiên. Ông Pánh là người duy nhất làm được đàn nhị.

Tiếng đàn của ông cất lên nghe thanh nhẹ, trầm ấm mang âm hưởng của núi rừng và cả tiếng của những dòng sông, con suối nơi đây. Một người làm đàn giỏi ngoài đôi bàn tay khéo léo còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc và kinh nghiệm chơi đàn. Nếu không, làm được đàn nhưng khi đánh lên tiếng đàn không có hồn.

Ông Pánh tỉ mỉ hướng dẫn tôi từng công đoạn để làm một cây đàn nhị Thái và gọi tên từng bộ phận trên cây đàn. Phần thân nhị được làm bằng một ống nứa (càng già càng phát ra âm thanh to hơn, trong hơn). Đoạn ống nứa dài khoảng 20cm; cần đàn (can) được làm bằng những cây gỗ non lấy từ trên rừng về; cần kéo (cồng xa lo) là những cây trúc ở ngay trong bản; dây kéo đàn làm bằng lông đuôi ngựa…

Tuy nhiên hiện nay, số thanh niên đồng bào dân tộc Thái trong bản Hua Nà cũng như trong xã Pa Khóa học kéo đàn rất ít. Nguy cơ mai một loại nhạc cụ này đang hiện hữu, đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc bảo tồn. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, điều khiến ông Pánh trăn trở là chưa ai có thể làm được cây đàn nhị với tiếng đàn mang âm hưởng dân tộc Thái như ông đang làm.

Còn với các hoạt động mang tính cộng đồng, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa do xã, huyện tổ chức để giới thiệu cho mọi người biết nhiều hơn về cây đàn nhị. Ngoài tên gọi là “nghệ nhân” theo cách gọi của người dân nơi đây, ông Pánh còn là một cựu chiến binh gương mẫu làm kinh tế giỏi ở bản; luôn sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Với sự tâm huyết trong bảo tồn văn hóa và những đóng góp cho cộng đồng, ông Cà Văn Pánh được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng Giấy khen vì đạt thành tích trong phong trào cựu chiến binh gương mẫu; Chủ tịch UBND xã Pa Khóa tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế và nhiều giấy khen của huyện, xã vì những đóng góp tích cực trong bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa của ông cho địa phương.

Đọc thêm