Kỳ vọng quay lại “một thuở vàng son”
Tại cuộc họp ngày 21/4/2020, ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2020) khẳng định, đề án “Ngày hội Áo dài Huế” là nội dung quan trọng của Festival lần này và là cơ sở xây dựng đề án Huế Kinh đô áo dài.
Bàn về các nội dung hình thức tổ chức “Ngày hội Áo dài Huế” trong Festival Huế 2020, ông Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở VH&TT) cho biết, mục tiêu đề án nhằm đổi mới hoạt động Festival Huế theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, trình diễn mang tính cộng đồng,... Đặc biệt là đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường niên, tạo điểm nhấn tại các kỳ Festival.
Ông Hải nói: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công lớn trong việc khai sáng áo dài Huế, vì vậy Huế có thể xem như là quê hương của áo dài. Trước năm 1945 thì gần như mọi người Huế đều mặc áo dài. Phụ nữ Huế còn mặc áo dài đi chợ, đàn ông mặc áo dài tại các nghi lễ. Do đó, áo dài là một trong những di sản quý của Huế”.
Mới đây LĐLĐ tỉnh đã tổ chức cuộc thi ảnh “Nữ CNVC-LĐ với áo dài truyền thống” trên mạng xã hội Facebook. Đối tượng dự thi là cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Người dự thi phải có tài khoản Facebook và gửi ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp của nữ CNVC-LĐ mặc trang phục áo dài truyền thống trong khi làm việc và trong cuộc sống hằng ngày.
Còn ông Hồ Đăng Thanh Ngọc (Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT) khẳng định, áo dài là chuẩn mực về ăn mặc của xứ Đàng Trong; áo dài ra đời là chủ trương cải tổ triều phục, là trang phục chính thức. Vì vậy, các chương trình hưởng ứng “Ngày hội Áo dài Huế” cần làm sống lại các chuẩn mực văn hóa áo dài, các giá trị về sự kín đáo, tinh tế.
Hàng năm, tỉnh cần phải tổ chức các chương trình giới thiệu được lịch sử áo dài, có những cuộc thi hoa khôi áo dài, thi về thiết kế áo dài và cũng đến lúc đàn ông Huế cũng phải mặc áo dài vào những dịp lễ hội.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế) đánh giá Huế là một trong những nơi các nhà thiết kế, người may áo dài truyền thống rất nhiều. Thế nên, cần thành lập một hiệp hội những người may, sưu tầm, lưu giữ áo dài, quy tụ những thợ may giỏi. Tỉnh cũng cần kết nối những người có công trong phục dựng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa áo dài Huế. Đồng thời đề xuất cần xây dựng Trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế.
Áo dài đã xuất hiện nhiều lần tại các kỳ Festival Huế nhưng lần thứ 11 này sẽ có nhiều khác lạ, lần đầu có “Ngày hội Áo dài”. |
Với quan điểm đóng góp cho chương trình áo dài cộng đồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cũng bày tỏ, ngoài việc cho học sinh mặc áo dài vào những ngày ấn định, tổ chức các cuộc thi dành cho nữ sinh với áo dài truyền thống, Sở sẽ tổ chức khen thưởng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc tại Di Luân Đường (Nằm trong Quốc Tử Giám Huế - PV) trong đó nữ sinh sẽ mặc áo dài.
Tại cuộc họp, ông Thọ nhấn mạnh, qua nhiều lần góp ý của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa, nhà thiết kế và các chuyên gia, Sở VH&TT đã hoàn thành đề án rất cơ bản. “Ngày hội Áo dài Huế” cần có nét đặc trưng riêng, với mục tiêu đạt được phải khác biệt. Phải tôn vinh được ông tổ áo dài là Chúa Nguyễn Phúc Khoát; đồng thời phải tôn vinh và đa dạng hóa áo dài để xây dựng hình ảnh Huế là kinh đô của áo dài Việt Nam.
Hiện trường phái áo dài nhiều chủng loại, đa dạng, làm sao để khi diễn ra ngày hội, sẽ hội tụ được những người thiết kế, nhà tạo mẫu, may mặc áo dài về Huế? Phải tôn vinh và nâng cao thương hiệu áo dài nghệ thuật, áo dài Việt Nam với không gian tự nhiên của Huế. Phải làm sao cho mọi người mặc áo dài vào những ngày nhất định, hướng đến “Ngày hội toàn dân mặc Áo dài”?.
Ông Thọ nhấn mạnh: “Làm sao khi nói đến may đo áo dài người ta phải nghĩ ngay đến Huế và đến Huế để may sắm áo dài. Tôi mong muốn, áo dài Huế sẽ có cơ hội quay lại “Một thuở vàng son””.
Miễn phí ngồi xích lô, phí tham quan
Để từng bước hiện thực hóa những kỳ vọng trên, bà Trần Thị Hoài Trâm (Chánh Văn phòng UBND tỉnh) cho biết, nội dung của đề án có 5 phần:
Phần 1 “Tri ân tiền nhân khai sáng áo dài Việt Nam” là hoạt động lễ dâng hương, tôn vinh ghi nhớ công ơn Chúa Nguyễn Phúc Khoát và Vua Minh Mạng có công khai sáng trang phục áo dài Việt Na, sẽ diễn ra vào ngày giỗ tổ nghề may (12 tháng chạp âm lịch) hoặc ngày mất của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (mùng 7 tháng 7).
Phần 2 “Chương trình biểu diễn thực cảnh Áo dài xưa và nay” giới thiệu vẻ đẹp áo dài xưa cùng với nhiều kiểu trang phục ngày nay, kết hợp giới thiệu ẩm thực và cung cách, đời sống sinh hoạt, dự kiến diễn ra trong dịp Festival Huế.
Phần 3 “Chương trình phát động người dân tham gia mặc áo dài” trong thời gian diễn ra Festival Huế. Dự kiến sẽ được tổ chức tại phố cổ Bao Vinh (TX Hương Trà); các bà cùng các cô sẽ mặc áo dài đi bán hàng rong ở đây. Ngoài ra, dịp Festival Huế phụ nữ khi ra đường mặc áo dài sẽ được miễn phí đi du lịch bằng xe xích lô và miễn phí vào tham quan các điểm di tích.
Huế được cho là “cái nôi” của áo dài. |
UBND tỉnh cũng sẽ yêu cầu Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, các cơ quan, ban ngành liên quan kêu gọi toàn bộ nữ cán bộ, công nhân viên, giáo viên, HSSV tham gia hưởng ứng mặc áo dài trong những ngày diễn ra Festival Huế.
Phần 4 “Chương trình Áo dài trong lễ hội truyền thống” kết hợp giới thiệu văn hóa làng nghề ẩm thực được diễn ra ở cầu ngói Thanh Toàn trong dịp Festival. Và cuối cùng là phần 5 “Áo dài trong nghi lễ gia tộc”, tái hiện hoạt động áo dài tại một số dịp lễ quan trọng, kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống gia đình xứ Huế.
Festival Huế lần thứ 11 năm 2020 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới” dự kiến tổ chức từ 1-6/4, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định lùi thời điểm tổ chức; dự kiến khai mạc lúc 20h ngày 28/8, bế mạc ngày 2/9/2020.
Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng đang triển khai đợt khảo sát, thu thập thông tin từ các DN du lịch để đánh giá và nắm bắt thực trạng tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
Sở đã khảo sát, điều tra 850 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như lữ hành, vận chuyển, lưu trú, các cơ sở dịch vụ. Kết quả cho thấy phần lớn các đơn vị chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh.
KS Hương Giang cho biết, từ ngày 11/4, KS chỉ giữ các cán bộ cốt cán ở lại với 50% lương, nhân viên thai sản vẫn giữ lại. Chính sách của công ty đang giữ lại 15% lao động; về hỗ trợ, 1 triệu đồng/người/tháng.
Lãnh đạo Cty CP DMZ cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, doanh thu của DN giảm trên 80%; tạm cho nghỉ việc theo nguyện vọng 79% lực lượng nhân sự.
Bước đầu kết quả khảo sát cho thấy, các DN du lịch đều mong muốn nới lỏng dần việc đóng cửa hay hạn chế hoạt động tùy vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của địa phương để các DN có cơ hội duy trì hoạt động, giữ chân những nhân sự có chuyên môn cao.
Ngoài ra, các DN mong muốn Tổng cục Du lịch và chính quyền sớm có kế hoạch phục hồi phát triển du lịch hậu dịch bệnh; quan tâm hỗ trợ DN thông qua các gói kích cầu, hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến du lịch tại những hội chợ, sự kiện du lịch ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước...
Theo ông Lê Hữu Minh, quyền GĐ Sở Du lịch, trong đợt điều tra này, Sở đã xây dựng bảng hỏi với 30 chỉ tiêu (mỗi loại hình cơ sở dịch vụ là mỗi loại phiếu điều tra). Nội dung điều tra chủ yếu tập trung vào tình hình thiệt hại của đơn vị (lượng khách, doanh thu...), đề xuất những chính sách hỗ trợ và các giải pháp khắc phục, phục hồi của DN sau dịch bệnh.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu điều tra, Sở sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh sớm có những định hướng, chính sách hỗ trợ phù hợp; đề xuất giải pháp phục hồi, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với các DN du lịch. T.Nhung.