Người mang thai hộ được nghỉ thai sản bao lâu?

(PLO) - Thực hiện quy định pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đã có những ca mang thai hộ thành công. Tuy nhiên nhiều khía cạnh pháp lý liên quan như chế độ nghỉ thai sản áp dụng cả với người mang thai hộ và người nhờ mang thai vẫn chưa được nhiều người biết.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Căn cứ theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực từ 1/1/2016 thì lao động nữ MTH được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ nhờ mang thai hộ.
Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ nhưng không được vượt quá 6 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội (theo mục B khoản 3 Điều 3 Nghị định 115). 
Đồng thời, Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng quy định người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Cũng theo Nghị định 115, nếu trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 6 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định.

Đọc thêm