Người mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Gặp chị lần đầu tiên, trong lần cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tới thăm Trung Trung tâm 02, Ba Vì, Hà Nội cách đây 2 năm tôi cứ ngỡ đó là một người mẹ thực thụ, bởi sự xăng xái, quan tâm và những tình cảm trìu mến mà chị dành cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại đây.

Gặp chị lần đầu tiên, trong lần cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tới thăm Trung Trung tâm 02, Ba Vì, Hà Nội cách đây 2 năm tôi cứ ngỡ đó là một người mẹ thực thụ, bởi sự xăng xái, quan tâm và những tình cảm trìu mến mà chị dành cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được nuôi dưỡng tại đây.

Chị là Nguyễn Thị Lập, sinh năm 1959, ngụ tại ngõ Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một trong những người đã gắn bó với hoạt động này của Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập.

Con tim nồng ấm…

Với tâm trạng đầy xúc động, chị lần giở lại hồi ức của hơn chục năm trước – ngày chị mới bắt tay vào công việc không chút nhẹ nhàng này.

Chị Lập và đứa con nhỏ trong nhà
Chị Lập và đứa con nhỏ trong nhà

Hồi ấy, chị đã chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng để hồi gia sau gần 2 năm học nghề và giáo dục tại Trung tâm vì những lầm lỗi trong quá khứ. Nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ, lạ lẫm và những đôi chân thơ dại đang chập chững bước trong khuôn viên rộng lớn của Trung tâm, đặc biệt là những tiếng khóc xé lòng của con trẻ, bước chân chị như bị ngăn cản.

Và rồi, cùng với một số học viên khác, chị đã tình nguyện ở lại Trung tâm để chăm sóc các bé mồ côi, bị bỏ rơi và coi chúng như con em ruột thịt của mình, bỏ qua mọi lời chỉ trích, khuyên can của những người thân trong gia đình “gần gũi, chăm sóc trẻ em bị bệnh nan y như thế, nhỡ lây bệnh thì khổ…”.

Chị nhận công việc này với một lý do rất giản đơn: “Bị bỏ rơi như thế, lại không có người yêu thương, chăm sóc, chúng sẽ sống ra sao?”.

Cả Trung tâm đang nuôi dưỡng và  chăm sóc cho 80 bé, trong đó phần lớn đều đã nhiễm HIV nên các mẹ ở đây đều phải chăm sóc rất cẩn thận, tránh lây truyền sang các bé khác và cho chính bản thân mình. Nhà Bí Ngô của mẹ Lập có 19 con (từ sơ sinh đến 18 tuổi), mà chỉ có 2 bảo mẫu coi sóc nên công việc lúc nào cũng ngập đầu.

Nhiều bé bị nhiễm trùng cơ hội lở loét khắp người, chảy dịch không ngừng nên hai bảo mẫu phải thay phiên nhau lau chùi, bôi thuốc… Có bé bị biến chứng lên não, cả ngày lẫn đêm sốt cao, lên cơn co giật, la hét, đi ngoài liên tục…, khiến các mẹ phải chạy long sòng sọc lo thay tã lót, quần áo, cho uống thuốc, dỗ dành và chườm cho các bé.

Bận rộn là thế và cũng bởi sợ không ai chăm sóc các con, chị Lập lại gắng động viên mình ở lại. Và có đến 4 cái Tết rồi chị không về nhà…

Yêu thương các con đến trọn đời

Mỗi bé ở đây đều có những cảnh ngộ khác nhau và đều đáng thương như nhau. Tất cả những phận đời đó được chị lưu lại trong hồi ức và giữ mãi cho riêng mình. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị Lập có lẽ là trường hợp của bé Đ.A.

Mẹ Lập và các con nhà Bí  Ngô
Mẹ Lập và các con nhà Bí Ngô.

Cậu bé được chuyển đến Trung tâm khi mới  2,5 tháng tuổi và nặng chưa đầy 2 kg. Nhìn đứa bé chỉ còn da bọc xương, lại lở loét khắp người, các cán bộ Trung tâm ái ngại nhìn nhau lắc đầu. Lúc ấy không hiểu sao chị lại gật đầu nhận chăm Đ.A. Có lẽ tình yêu thương lớn lao đối với đứa trẻ đã chiến thắng nỗi sợ hãi trong chị.

Đón đứa trẻ từ tay lãnh đạo Trung tâm, chị vội vã đưa bé vào tắm rửa, lau chùi, sát trùng các vết thương rồi bôi thuốc cho bé. Vì sức đề kháng quá yếu, Đ.A không thể mút nổi bình sữa, chị lại cần mẫn ngày đêm đổ từng thìa sữa cho bé.

Ông trời đã cảm thương hai mẹ con. Ba tuần sau các vết thương của Đ.A đã liền sẹo, bé cũng dần biết tự bú sữa bình, rồi ăn dặm… Sức khỏe của bé cũng tiến triển khá tốt, cân nặng tăng lên trông thấy.

Được 7 tháng, đang hồng hào, khỏe mạnh, Đ.A bỗng nhiên bỏ ăn, Ban lãnh đạo Trung tâm thay đổi các kiểu khẩu phần ăn bé cũng lắc đầu quầy quậy. Không chỉ có vậy, bé lăn ra sốt cao, tím tái, khó thở và khóc suốt ngày. Thương con, hai mẹ lại thi nhau dỗ con ăn rồi thay phiên nhau bế con chạy quanh các khu nhà để con khỏi quấy.

Cứ thế, hơn một năm trời, hai mẹ vật vã với Đ.A, cho đến ngày bé từ giã cuộc đời. “Thà không chăm, không cứu bé từ lúc còn đỏ hỏn thì còn đỡ xót, chứ chăm sóc nó đến ngần ấy tháng trời mà nó bỏ mình ra đi, xót xa lắm em ạ. Mấy tháng trời tôi cứ như người mất hồn, chả thiết ăn uống gì cả…” – mẹ Lập bộc bạch, đôi mắt ngấn nước nhìn về cõi xa xăm…

Mẹ Lập cũng không khỏi rầu lòng khi nhớ về cảnh ngộ của bé Yên. Yên không bị lây truyền từ mẹ sang con, mà bị  nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc cho bố ốm.

 Vào Trung tâm từ lúc 7 tuổi, giờ đã 17 tuổi rồi nhưng 10 năm qua chưa  lần nào Yên được đón về đón Tết cùng gia đình vì bố đã về nơi chín suối còn mẹ thì đã lên xe hoa cùng người khác.

Và năm nào cũng vậy, nước mắt thi nhau rớt trên bờ mi của bé. Những lúc ấy, cô bé chỉ còn biết rúc đầu vào ngực mẹ Lập và nức nở khóc: “Mẹ ơi, con không cần tiền, con chỉ cần tình cảm thôi!”. Không biết nói thế nào trong hoàn cảnh này, chị Lập chỉ còn biết động viên con: “Con phải thương mẹ, thương các em. Con ở đây mẹ cũng không để con phải khổ đâu!”.

Dần dà, tình thương của chị đã vỗ về được Yên và cô bé đã không còn rớt nước mắt mỗi khi những nụ hoa đào chớm nở phía cuối vườn Trung tâm.

Có những đứa trẻ đã mất đi, nhưng cũng có những đứa đã dần khôn lớn lên người, nỗi đau cũng nguôi ngoai dần trong chúng cũng là khi tuổi già ập đến với các mẹ. Ngày càng già đi, sức khỏe thì suy yếu nhưng chị Lập vẫn gắn bó với Trung tâm và tình nguyện ở đây chăm sóc các con đến khi nào “không còn sức nữa”. Nỗi nhớ, niềm thương cứ ùa về từng ngày và đong đầy theo năm tháng.

Hồng Trà

Đọc thêm