Tòa cấp phúc thẩm sẽ làm rõ về bữa thịt nhím?

(PLO) - Như PLVN từng thông tin, tại phiên sơ thẩm vụ án “vu khống” (ngày 30/09/2014 - bị hại là bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn Bộ Công thương), các bị cáo đều “phản cung” và cho rằng trong giai đoạn điều tra đã bị ép cung, mớm cung.
Phiên tòa sơ thẩm
Phiên tòa sơ thẩm
Bên cạnh đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo đều cho rằng có nhiều chứng cứ cho thấy bữa thịt nhím do bà Hoa đặt ăn tại nhà một quan chức là có thật chứ không phải các bị cáo “bịa đặt”. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm vẫn không làm rõ về bữa thịt nhím này mà vẫn kết tội các bị cáo về tội vu khống.
Bữa thịt nhím ở nhà một quan chức là có thật?
Ngoài lời khai của các bị cáo Hàn Thị Phước, Đào Anh Tuấn, Bùi Quốc Phòng; các nhân chứng Nguyễn Tiến Trình, Nguyễn Bá Mạnh… thì việc tồn tại “bữa thịt nhím” do bà Hoa đặt của nhà hàng Trang Lùn còn thể hiện qua nội dung hai đĩa DVD mà luật sư (LS) Vũ Văn Lợi cung cấp cho HĐXX tại phiên toà ngày 31/03/2014.
Theo LS Lợi, nội dung đĩa ghi hình này thể hiện việc nhân viên nhà hàng Trang Lùn đến nhà của một quan chức tên P. để lấy đồ đạc nấu thịt nhím mà trước đó họ đã mang đến để phục vụ món ăn tại đây mà chưa đem về. Nhưng bất ngờ, kết quả điều tra bổ sung (có sự tham gia của LS Lợi và kiểm sát viên VKSND TP. Hà Nội) lại chỉ là: “Nội dung đĩa DVD chỉ thể hiện việc có hai nam thanh niên đến nhà riêng ông P., gặp một người phụ nữ để tìm các dụng cụ nhà bếp như xoong, chảo, khay nhưng không tìm được …”.
Trả lời trước Tòa về lý do có mặt tại nhà ông P. như thể hiện trong đĩa DVD, các bị cáo đều cho biết, do bà Hoa đã đặt bữa thịt nhím tại đây. Chính bà Hoa là người hướng dẫn địa chỉ nhà ông P. để các bị cáo mang thịt nhím đến chế biến và còn dặn “phải làm cho ngon vào”.
Tại phiên sơ thẩm, các LS bào chữa cho bị cáo cho rằng: “Bữa thịt nhím xảy ra có thời gian, không gian, địa điểm hẳn hoi chứ không phải … tưởng tượng” và “Nếu kết tội các bị cáo “vu khống” mà sau này lại xác định có bữa thịt nhím tại nhà ông P. thì sao đây?”.
Vi phạm tố tụng… chồng chất !
Ngoài việc đưa ra chứng cứ chứng tỏ bữa thịt nhím là có thật thì các LS còn chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng ảnh hưởng đến việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Đơn cử như việc ông Vũ Huy Dũng — Điều tra viên (ĐTV) thuộc Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội đã một “mình hai vai” khi vừa điều tra vụ “vu khống” theo đơn tố cáo của bà Hoa đối với bà Phước, lại vừa giải quyết đơn tố cáo của bà Phước đối với bà Hoa về hành vi cho vay lãi nặng, siết nợ nhà có sự trợ giúp tích cực của chính … ông Vũ Huy Dũng. 
Giải quyết đơn tố cáo liên quan đến chính mình, ĐTV Dũng đã bị bà Phước gửi đơn tố cáo là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với bà Nguyễn Thị Hoa để đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Dũng đã “tích cực” tham gia ngay từ khi vụ án chưa bị khởi tố qua việc “bút phê” vào các đơn tố cáo của bà Hoa. 
Rõ ràng, khi là ĐTV của vụ án, ông Dũng sẽ không đảm bảo tính vô tư, khách quan. Việc ông Dũng không từ chối tiến hành tố tụng trong vụ án đã vi phạm Khoản 3 Điều 42; Điểm a Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Về thẩm quyền điều tra cũng có sự tréo ngoe. Vụ việc xảy ra ở quận Hoàn Kiếm, vụ án cũng không phải đặc biệt nghiêm trọng nên thẩm quyền điều tra phải là Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (VKSND và TAND quận Hoàn Kiếm là cơ quan truy tố, xét xử). Nhưng không hiểu sao Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội lại vào thụ lý, điều tra? Phải chăng, đây chính là nơi ĐTV Dũng làm việc nên ông này đã “đón tay” giúp sức mà không chuyển vụ việc về đúng nơi có thẩm quyền là quận Hoàn Kiếm?  
Cần một phiên phúc thẩm công tâm
Tại phiên sơ thẩm, bà Hoa đều có văn bản xin xử vắng mặt và ủy quyền cho LS Hà Đăng (người bảo vệ và quyền lợi cho bị hại) tham gia tố tụng. Tuy nhiên, văn bản này của bà Hoa chỉ có xác nhận của Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý con người chứ không xác nhận quan hệ ủy quyền giữa bà Hoa và LS Đăng (ủy quyền hợp lệ phải thông qua văn phòng công chứng). 
Sau này, nếu bà Hoa cho rằng ý kiến của LS Hà Đăng không phải là ý kiến chính thức của bị hại vì ủy quyền không hợp lệ thì sao? Hơn nữa, từ sự ủy quyền không đúng thủ tục này thì LS Đăng đã được tham gia tố tụng ở phiên tòa với hai vai trò (vừa là bảo vệ quyền lợi, vừa đại diện theo ủy quyền của bị hại) là không đúng với quy định của pháp luật.
Không chỉ ở phiên tòa ngày 30/9, mà cả 5 lần mở phiên tòa trước đó thì bà Hoa đều vắng mặt và ủy quyền cho LS Hà Đăng như đã nói. Đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên bà Hoa cần phải có mặt để làm rõ những nội dung tố cáo hoặc đối chất những vấn đề còn mâu thuẫn, nhưng từ khởi tố, điều tra đến xét xử, các bị cáo và bị hại không hề được cơ quan tiến hành tố tụng cho đối chất. 
Án sơ thẩm hầu như chỉ căn cứ vào hồ sơ mà “bỏ ngoài tai” quan điểm trình bày của các LS bào chữa, các chứng cứ cũng như lời chối tội của các bị cáo? Chính điều này nên tất cả các bị cáo đều đồng loạt kháng cáo.
Trong phiên xử sơ thẩm, LS bào chữa cho bị cáo còn chỉ ra hàng loạt các vi phạm tố tụng khác như: vi phạm về khám chỗ ở, chỗ làm việc; vi phạm quy định về tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét… 
Và đặc biệt là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng khi tiết lộ bí mật điều tra: vụ án còn trong giai đoạn điều tra (chưa có kết luận về hành vi của các bị cáo) nhưng lại xuất hiện Công văn ngày 23/09/2013 của Công an TP.Hà Nội gửi lãnh đạo Bộ Công Thương “kết tội” các bị cáo là “đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đồng bọn”. 
Thiết nghĩ, tại phiên xử phúc thẩm tới đây, Tòa Phúc thẩm TANDTC cần làm rõ tính xác thực của bữa thịt nhím và lúc đó mới có thể xác định ai “vu khống” ai?

Đọc thêm