Nhiều tháng qua, gia đình ông Hoàng sống trong lo sợ vì không biết căn nhà sẽ sụp đổ lúc nào. Ông Hoàng cho rằng căn nhà mình bị nứt, có nguy cơ sụp là do đơn vị thi công tắc trách trong lúc xây dựng cầu Ghềnh mới. Chính quyền địa phương làm việc, yêu cầu phải xử lý nhưng đến nay, đơn vị thi công, nhà thầu vẫn im hơi lặng tiếng.
Thi công cầu làm hỏng nhà dân?
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng (SN 1970, khu phố 4, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho rằng việc thi công bờ kè đường sắt (đoạn nối từ chân cầu Ghềnh mới đến trạm gác chắn Bửu Hòa) đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ căn nhà của mình.
Nhà thầu công trình trên là Công ty cổ phần công trình Thành Phát (Viết tắt là Thành Phát, có trụ sở tại quận Thủ Đức, TP HCM) hứa sẽ giải quyết trong 2 tuần nhưng đến nay gần 2 tháng vẫn không thấy lên tiếng.
Căn nhà cấp 4, nằm sát đường ray xe lửa của ông Hoàng được xây dựng và sửa chữa từ năm 2011. “Trước đây, căn nhà rất kiên cố không hề có dấu hiệu nứt tường, hỏng. Mặc dù hằng ngày, tàu lửa chạy ngang qua ngang lại tạo độ rung lớn nhưng không sao.
Sau khi cầu Ghềnh sập và bắt đầu xây mới, gia đình tôi có việc nên phải về quê ngoài Bắc 1 tuần. Đến khi vào lại, mở cửa thì bị kẹt cứng. Phải cật lực mới mở được thì tôi thấy vách tường sát với công trình thi công đường dẫn vào cầu Ghềnh có dấu hiệu nứt”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng nghi ngờ, khi đơn vị thi công cho xe cuốc (máy xúc) đào xới, nén đất sát vào chân tường nhà dẫn đến tường nhà bị nứt nhiều chỗ. Ông Hoàng nói: “Công trình thi công ầm ầm 24/24, nào xe cuốc, nào xe lu, máy nén bê tông, không lúc nào ngơi. Từ lúc phát hiện dấu vết nứt tường, tôi đã phản ánh ngay với nhân viên thi công, yêu cầu dừng lại hoặc có biện pháp xử lý.
Tuy nhiên họ cho rằng nếu ngừng thì công trình sẽ bị trì hoãn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cầu Ghềnh. Người ta nói tôi yên tâm, sẽ báo cáo với cấp trên giải quyết thỏa đáng cho tôi. Nghĩ rằng, cầu Ghềnh là công trình trọng điểm, cần thiết hơn, tôi cứ để họ thi công, không ngăn cản”.
Không chỉ phản ánh với nhân viên thi công, ông Hoàng có đơn trình báo với UBND phường về sự việc. Ngay sau khi nhận được phản ánh của ông Hoàng, phường đã cho cán bộ trực tiếp xuống nhà ông Hoàng ghi nhận hiện trường, mời các bên đến làm việc, lập biên bản.
Theo biên bản được lập vào ngày 6/6/2016, Đại diện giám sát thi công là nhân viên của công ty Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (quận 1, TP HCM) chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế thi công, thừa nhận việc thi công có làm ảnh hưởng đến nhà ông Hoàng. Nhân viên công ty này cam kết với ông Hoàng và UBND phường sẽ báo cáo lại với cấp trên để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, vẫn không thấy có sự phản hồi từ phía công ty giám sát công trình. Vì thế UBND phường tiếp tục có văn bản đến nhà thầu công trình, yêu cầu có hướng giải quyết cho ông Hoàng.
Đến ngày 13/7/2016, đại diện Thành Phát và các đơn vị liên quan như giám sát, bảo hiểm, ban quản lý đường sắt, công ty giám định, UBND phường có buổi làm việc với ông Hoàng. Kiểm tra căn nhà, lập biên bản, giám định sơ bộ, Công ty cổ phần giám định năng lượng Việt Nam ghi nhận căn nhà có nhiều đoạn tường bị nứt dọc, ngang, xiên chân tường nhà... vết nứt có chiều dài nhất là 1,5m.
Ông Hoàng nói: “Trên thực tế, họ nói sẽ hỗ trợ cho gia đình tôi 100 triệu để sửa chữa lại căn nhà vì những vết nứt do công trình gây ra. Tuy nhiên, khi lập biên bản, họ bảo không cần ghi số tiền này vào và hứa 2 tuần sau sẽ mang tiền đến. Do buổi làm việc có các bên chứng kiến, tôi đồng ý. Nhưng ngờ đâu, họ tiếp tục im lặng cho đến nay đã 2 tháng”.
Những vết nứt trên tường mà ông Hoàng cho là do thi công cầu Ghềnh gây ra |
Thất vọng
Gần 2 tháng qua, lúc nào, ông Hoàng cũng trông ngóng sự trả lời của cơ quan chức năng về việc bồi thường thiệt hại vì làm hỏng căn nhà của ông. Bản thân không biết chữ, lại có quá nhiều công ty từ thầu, thiết kế, giám sát, bảo hiểm... khiến ông Hoàng không biết đâu mà kêu.
“Trước đây, tôi xin được số của một vài người. Gọi điện hỏi thì người này đổ cho người kia. Họ cứ bảo đã hết trách nhiệm, không biết chuyện gì cả. Yêu cầu tôi hỏi người khác. Nhưng tôi hỏi ai thì họ cũng nói, không có trách nhiệm, không biết. Tôi gọi nhiều lần, cứ nghe tiếng tôi, họ vội cúp máy, không nói gì cả”, ông Hoàng nói.
Ông Hoàng lên UBND phường cầu cứu thì phường nói “bó tay” vì đã cố gắng hết sức. Ông Hoàng chia sẻ: “Tôi rất buồn và thất vọng với cách làm ăn của họ. Đạt được mục đích chính rồi họ bỏ phế, mặc ai ra sao thì ra”.
Chỉ vào những vết nứt xung quanh nhà, nhất là bức tường phía sát với đường sắt, ông Hoàng cho biết mấy tháng qua, nhà không thể nào đóng cửa được vì tường nứt, móng hỏng, xô lệch đi, cửa chỉ khép hờ lại.
“Mấy tháng qua, gia đình tôi nơm nớp lo sợ, vết nứt thì ngày càng nghiêm trọng hơn, giờ sắp nứt xung quanh 4 tường rồi. Đôi lúc nằm ngủ, không rõ sẽ sập lúc nào. Tôi đưa đơn nhiều mà không có hi vọng gì cả. Giờ thì mặc kệ, đến lúc sập nhà, vợ chồng tôi chết thì họ gánh hậu quả. Tôi chán lắm, buồn lắm, không biết kêu ai đây”, ông Hoàng nói.
Gia đình ông Hoàng rất khó khăn, bản thân ông và vợ đều không biết chữ, không nghề nghiệp ổn định. Ông Hoàng nói: “Nếu có tiền, trong lúc chờ người ta bồi thường vì làm hỏng nhà, tôi sẽ sửa chữa trước để an toàn. Nhưng không có tiền nên đành chịu đựng, mặc cho số phận vậy. Bây giờ nhà bị hỏng, mỗi lần tàu chạy ngang qua làm rung lại hỏng nặng thêm”.
XLPL liên lạc qua số điện thoại với Thành Phát, một giọng nữ cho biết “sếp” đi vắng, sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để trả lời sau. Được biết, UBND TP Biên Hòa cũng vừa có văn bản gửi Thành Phát đôn đốc việc xử lý đơn của ông Hoàng, đề nghị đơn vị trên khẩn trương có kết quả giám định tình trạng căn nhà của ông Hoàng và chủ động phối hợp với UBND phường giải quyết dứt điểm vụ việc, không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng đến người dân.