Người nghèo Đồng Tháp làm giàu từ đồng vốn nhỏ

Từ nguốn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều năm qua hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Từ nguốn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều năm qua hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gia đình bà Trần Kim Yên ở ấp Bình Châu (xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh) mấy năm qua đã thoát nghèo nhờ vay vốn. Trước đây gia đình bà không đất sản xuất, sống trong nhà lá tạm bợ, quanh năm đầu tắt mặt tối vất vả mưu sinh. Năm 2007, gia đình bà được NHCSXH xét duyệt cho vay 3 triệu đồng.

Nhờ đồng vốn hỗ trợ kịp thời cùng tính chuyên cần, chịu khó nên chỉ trong vài năm sau, gia đình bà tích lũy được một số vốn, trả hết nợ ngân hàng và cất được một căn nhà tươm tất. Bà Yên chia sẻ: “Gia đình tôi không có đất sản xuất, cuộc sống vất vả, nhà ở chẳng lành, mưu sinh từng bữa. Nếu không có đồng vốn hỗ trợ kịp thời của NHCSXH thì không biết đến bao giờ mới thoát nghèo”.

Bà Nguyễn Thị Cúc ở xã Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh) cũng cho biết, gia đình bà trước đây thuộc diện khó khăn. Năm 2008 được NHCSXH cho vay 5 triệu đồng, gia đình bà dùng số vốn nhỏ để nuôi heo và sắm máy đi cào hến. Chính nhờ tiền vốn này mà sau 2 năm gia đình bà đã trả hết nợ ngân hàng và tích lũy vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2010, gia đình đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố. Bà Cúc bộc bạch: “Trước đây không có vốn nên không nghĩ được nghề gì khác ngoài chuyện đi làm mướn. Bây giờ, chồng tôi đi cào hến, tôi ở nhà bán hến luộc mỗi  ngày kiếm vài trăm ngàn đồng nên cuộc sống khá ổn định và ngày càng khấm khá”.

Đồng cảnh ngộ với bà Yên và bà Cúc, trước đây gia đình bà Nguyễn Thị Bộ ở ấp Tịnh Mỹ (xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh) cũng luôn sống trong cảnh phập phồng vì nghèo lại không đất sản xuất. Cả gia đình 6 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào việc đi làm thuê, làm mướn và vớt lục bình trên sông kiếm sống qua ngày, cái nghèo đeo bám từ năm này sang năm khác.

Năm 2010, bà Bộ vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để về mua nguyên liệu đan gia công lục bình, cối cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ. Chỉ sau 2 năm vay vốn, gia đình bà không chỉ thoát nghèo mà đã tích lũy vốn để dự kiến mở rộng thành cơ sở đan gia công giúp nhiều người dân địa phương có việc làm ổn định. Bà Bộ cho biết: “Nông dân ở địa phương đa phần làm vườn và trồng lúa nên thời gian nông nhàn rất lớn. Vì vậy, tôi đã đứng ra dạy nghề và đồng thời lãnh khung, mẫu từ các cơ sở để đem về cho bà con đan gia công.

Đến nay đã có khoảng 100 hộ trong ấp lãnh nguyên liệu về nhà đan. Trung bình 1 người thu nhập từ 40.000 đến 70.000 đồng/ngày, đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ nghèo ở nông thôn”. Từ những đồng vốn ban đầu đã giúp gia đình bà Bộ tính toán được cách thức làm ăn và giúp những hộ nghèo xung quanh mình có việc làm, có thêm thu nhập để thoát nghèo.

Nhờ đồng vốn kịp thời của NHCSXH và sự chịu khó, cần cù dám nghĩ, dám làm của người dân, một phần bộ mặt của nông thôn ở Đồng Tháp ngày thêm đổi mới. Hiện Đồng Tháp đã có rất nhiều hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Ông Lại Văn Bé Chín, phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp, cho biết:

“Ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay, phát triển kinh tế gia đình. Hiện toàn tỉnh đã có 11 phòng giao dịch cấp huyện, mở 100% điểm giao dịch tại các xã với 144 điểm giao dịch, có 4.030 tổ TK&VV đang hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận kịp thời vốn vay.

Tỷ lệ giao dịch tại xã hiện đạt cao và tăng dần qua các năm, riêng năm 2011 tăng 12,26% so với năm 2010”. Cũng theo ông Chín, hộ nghèo vay vốn với số tiền tương đối nhỏ. Tuy nhiên, nhờ đồng vốn ban đầu đã giúp hộ nghèo giảm bớt khó khăn để lo làm ăn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hà Vy – Phù Sa

Đọc thêm