Người ngoại tỉnh "lê lết", "bấm bụng" trả tiền xe về Hà Nội

"Suốt cả chặng đường hơn trăm cây số, tôi phải đứng tới mấy chục cây vì ghế nhựa cũng không còn. Đã thế giá vé còn đắt gấp rưỡi, những 150.000 đồng, ngày thường vé chỉ 100.000 đồng là cùng”, chị Nguyễn Thị Dung (huyện Nông Cống, Thanh Hoá), than thở.

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, các bến xe “gồng mình” trước lưu lượng người quá lớn đổ xô về Hà Nội. Xe khách, taxi, xe ôm lại "tranh thủ" để "chặt chém" khách.

Trả giá vé gấp đôi, lê lết ra Thủ đô

Từ sáng sớm 1/5, các phương tiện vận tải hành khách đã chật cứng người. Lê từng bước chân cùng với đống hành lý ra đến cửa bến Mỹ Đình, chị Nguyễn Thị Thuỳ (Nghĩa Lộ, Yên Bái) than thở: “Năm nào cũng như năm nào. Ra đến Thủ đô là kiệt quệ, mệt lử vì nắng nóng và cảnh chen lấn suốt quãng đường gần hai trăm cây số. Nhưng cực chẳng đã…”.

Dòng người nườm nượp đổ về Thủ đôDòng người nườm nượp đổ về Thủ đô

Giải thích cho sự “cực chẳng đã” của mình, chị Thùy cho biết, nhà chị ở tuyến huyện, xe khách chạy thẳng về Hà Nội không nhiều. Nên dù xe đông đúc nhưng chị Thuỳ vẫn cố chen lẫn trên xe để có mặt tại Hà Nội.

Xe đi lòng vòng cả tiếng đồng hồ để lèn khách rồi mới chịu khởi hành. Dọc đường, khách xuống, khách lên nhiều, chật chội, chị Thuỳ phải co rúm người sát cửa sổ.

Nhiều xa khách tận dụng đông khách, tăng giá (Ảnh minh họa)Nhiều xa khách tận dụng đông khách, tăng giá (Ảnh minh họa)

Đồng cảnh ngộ với chị Thùy là rất nhiều người khách ở các bến xe khác của Hà Nội.

Tại khu vực cổng vào của các bến, trung bình cứ 3 phút lại có một chuyến xe Thái Bình - Hà Nội, Ninh Bình - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội, Yên Bái- Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội... dồn dập về bến.

15h cùng ngày, lượng xe đổ về ngày một đông. Một hàng dài ô tô đợi tới lượt trả khách khiến con đường trước cửa bến Mỹ Đình chật cứng.

Tại khu vực đỗ trả khách của bến Giáp Bát, hàng trăm người chen chúc, cố thoát khỏi cái nóng như lửa đốt. Khu vực nhà chờ kín người.

Khách đi như "lết" đến Hà NộiKhách đi như "lết" đến Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Dung (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết: “Nông Cống ít xe khách và chỉ có loại xe 29 chỗ, suốt cả chặng đường hơn trăm cây số, tôi phải đứng tới mấy chục cây vì ghế nhựa cũng không còn. Đã thế giá vé còn đắt gấp rưỡi, những 150.000 đồng, ngày thường vé chỉ 100.000 đồng là cùng”

Không chỉ tuyến Nông Cống – Hà Nội, theo các hành khách ngoại tỉnh lên Hà Nội, giá vé các tuyến cũng đều vọt lên rất cao so với ngày thường. Đơn cử: giá vé tuyến Hà Nội - Thái Bình: 100.000 đồng/vé (ngày thường là 65.000 đồng/vé), tuyến Hà Nội – Nam Định: 100.000 đồng/vé (ngày thường là 60.000 đồng/vé), tuyến Hà Nội – Thanh Hóa là 150.000 đồng/vé (ngày thường là 80.000 đồng/vé), tuyến Hà Nội – Vinh (Nghệ An) là 250.000 đồng/vé (ngày thường là 130.000 đồng/vé)…

Xe buýt quá tải, taxi, xe ôm "chặt chém"

Nhiều người đổ xô về Hà Nội vô hình chung đã dẫn đến tình trạng quá tải cả trên các tuyến xe buýt. Những tuyến xe chạy qua nhiều trường Đại học luôn phải “gồng” mình “cõng” khách.

Mỗi khi xe cập bến mở cửa, hàng trăm người vội vã chen nhau lên với mong muốn kiếm được một chỗ đứng để về nhà. Chỉ vài phút sau, xe đã nêm chặt người.

Xe taxi và xe ôm đều "cao giá"Xe taxi và xe ôm đều "cao giá"

Các điểm dừng đỗ xe buýt trên đường Phạm Hùng (khu vực bến xe Mỹ Đình), hàng ngàn người đứng đợi xe. Khi chiếc xe buýt lao tới, dòng người đứng từ trên vỉa hè ùa xuống lòng đường, chen lấn ập vào cửa lên xe.

Nhiều tuyến xe buýt dù đã tăng cường với 5 phút một chuyến, nhưng do khách quá đông nên tại các điểm dừng đón, xe buýt chỉ mở cửa cho khách xuống rồi lại vọt đi luôn.

Không bắt được xe buýt, nhiều người đành “cắn răng" chọn cách đi xe ôm, taxi. Mặc cho lực lượng công an vã mồ hôi, nhiều taxi, xe ôm chỉ trực có kẽ hở là tranh thủ chèo kéo khách bằng được. Nhiều lái xe thậm chí còn bỏ xe ở lề đường, chạy đuổi theo khách. Giá taxi và xe ôm “đắt hơn ngày thường rất nhiều.

"Với lý do giá xăng liên tục tăng, cái gì cũng đắt đỏ nên đội ngũ xe ôm cứ việc hét giá thoải mái. Dù rằng bị hét giá nhưng nhiều người không thể đợi xe buýt, lại đứng dưới thời tiết nóng hầm hập  nên đành chấp nhận đi xe ôm", anh Nguyễn Anh Tuấn (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Bình thường tôi đi Taxi từ bến Mỹ Đình về đến đường Lê Đức Thọ với giá khoảng 50 nghìn đồng. Vậy mà hôm nay vừa mới lên xe, lái xe (taxi Mai Linh – PV) đã nói luôn 100.000 nghìn đồng thì đi không đi thì thôi. Mặc cả mãi cuối cùng lái xe mới đồng ý chạy với giá 80.000 đồng. Trong khi đó về đến nơi đồng hồ tính chỉ giá 45.000 đồng”.

Chị Lan không phải là trường hợp duy nhất bị lái xe taxi "chặt chém", tính tiền không theo đồng hồ tính cước mà theo… cảm hứng.

Văn Trịnh

Đọc thêm