Người Nhật “phải lòng” Lâm Đồng

(PLO) - Nhiều chỉ dấu cho thấy các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã chọn tỉnh Lâm Đồng làm nơi để cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, với tham vọng xây dựng vùng đất này thành nơi có thương hiệu nông nghiệp số 1 tại thị trường Việt Nam và cũng là điểm du lịch canh nông hàng đầu Đông Nam Á.
Người Nhật muốn Lâm Đồng thành điểm du lịch canh nông hàng đầu tại Đông Nam Á
Vùng sản xuất rau, hoa số 1 cho Nhật Bản
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2015 đã có 11 dự án do các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đầu tư vào địa phương, với tổng vốn đăng ký là 32,48 triệu USD, với lũy kế vốn đầu tư thực hiện là gần 20 triệu USD, bằng 61,49% tổng vốn đầu tư đăng ký.  
Trong năm 2015, UBND tỉnh này cũng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 3 cho DN gồm: Công ty TNHH An Phú Lacue (liên doanh) với tổng vốn đầu tư là 4,8 triệu USD, Công ty TNHH Agriteck Japan với tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, Công ty TNHH Trang trại Kiraku với 330 nghìn USD. 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, từ những lợi thế của địa phương, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Lâm Đồng là địa phương có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, trong thời gian qua JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) đã hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Theo đó, mục tiêu tương đối “tham vọng” được cả 2 bên xác lập là sẽ hướng tới việc xây dựng Lâm Đồng thành nơi có thương hiệu nông nghiệp số 1 tại thị trường Việt Nam; thành cụm sản xuất rau, hoa số 1 cho Nhật Bản; thành điểm du lịch canh nông hàng đầu tại Đông Nam Á và thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp. Thông qua việc triển khai xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp, thành lập trung tâm sau thu hoạch và thành lập chợ hoa đầu mối.
“Đây là những nội dung mới, không chỉ trong điều kiện Lâm Đồng mà còn ở Việt Nam, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, đổi mới quan hệ sản xuất, giúp cho ngành nông nghiệp chủ động hội nhập quốc tế tiếp cận trình độ thương mai thế giới và khu vực, là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng ”, ông Phạm S nhấn mạnh. 
Bắt tay khai phá tiềm năng    
Từ thực tế hỗ trợ chương trình liên quan đến nông nghiệp tại Lâm Đồng,  trong Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên 2015, ông Kakioka Naoki - Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam nhận định thẳng thắn rằng, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam gặp nhiều rào cản để có thể cạnh tranh với nhiều quốc gia trong bối cảnh hội nhập.
Theo đại diện JICA, Lâm Đồng dù là tỉnh có lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu lẫn thị trường với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu, song nếu so sánh với khu vực tương đồng là cao nguyên Cameron (Malaysia) thì giá trị thu được trên diện tích vẫn còn khá khiêm tốn.  Bởi, Lâm Đồng có hơn 340 ngàn hécta các sản phẩm nông nghiệp, sản lượng trung bình đạt 100 triệu mỗi hécta, trong khi cao nguyên Cameron chỉ có 13 ngàn hécta nhưng giá trị thu được cao gấp 9 lần, tương đương 941 triệu đồng mỗi hécta. 
Ông Kakioka Naoki cho rằng, điều đó cho thấy nông nghiệp Việt Nam có giá trị sản xuất thấp hơn so với nhiều nước. Đây chính là nguyên nhân hạn chế khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, việc tham gia hỗ trợ của các ngân hàng thương mại vào nền nông nghiệp ở mức thấp, rất khó để Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao. 
Để biến Lâm Đồng thành nơi làm thương hiệu nông nghiệp số 1 Việt Nam, trong tháng 9/2015, JICA đã “hành động” với cuộc khảo sát phân tích tiềm năng và các nhân tố cản trở sự phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng, từ đó đã đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược với mục đích phát triển ngành và thúc đẩy sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh khảo sát trên, JICA và Ngân hàng Mishuibishi Tokyo cũng tiến hành tổ chức một hội thảo để kết nối các DN Việt Nam và Nhật Bản với sự tham gia của hơn 300 đại diện từ 45 DN Nhật và 70 DN Việt Nam. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng cho hay, một trong 3 nội dung quan trọng để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản là quy hoạch khu công nghiệp nông nghiệp. Hiện nay nhiều DN Nhật Bản đang mong muốn được thuê đất để mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đang quy hoạch tạo quỹ đất tập trung chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản với quy mô 324ha. 
“Tỉnh đang thực hiện quyết liệt về cải cách hành chính để thu hút đầu tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức theo hướng phục vụ, giải quyết công việc nhà đầu tư kịp thời, khoa học và chia sẻ, các cơ quan hành chính phải luôn đồng hành cùng nhà đầu tư từ lúc họ tìm hiểu cho đến khi họ làm ăn có hiệu quả”- ông S cam kết.
Xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa dưới chân đèo Mimosa
“Ngày 20/1, Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho hay, để phát triển nghề trồng hoa và tránh tình trạng nông dân trồng hoa tại địa phương bị ép giá, Dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải tạo môi trường đầu tư trong nông nghiệp”, trong đó có hạng mục xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản thực hiện vừa quyết định chọn địa điểm tại chân đèo Mimosa thuộc phường 3, TP Đà Lạt.
Trung tâm Giao dịch hoa nằm ở khu vực đầu đường cao tốc Đà Lạt - Liên Khương, nên khá thuận lợi trong vận chuyển các sản phẩm hoa tươi từ các vùng sản xuất của Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương... đến giao dịch. Dự kiến, giai đoạn đầu tiên Trung tâm Giao dịch hoa được xây dựng trên diện tích 10ha, giai đoạn tiếp theo có thể mở rộng lên khoảng 20ha... Kinh phí đầu tư theo hình thức “công - tư”. 

Đọc thêm