Người phụ nữ 30 năm miệt mài giúp trẻ khiếm thị

Cảm thương cho những đứa trẻ khiếm thị thông minh, ham học nhưng không có cơ hội được đến trường…, suốt ba mươi năm qua bà Lê Thu Hương luôn ấp ủ tìm ra một phương pháp giúp các em học sinh khiếm thị tiếp cận các môn học một cách dễ hiểu nhất… 

[links()]Cảm thương cho những đứa trẻ khiếm thị thông minh, ham học nhưng không có cơ hội được đến trường…, suốt ba mươi năm qua bà Lê Thu Hương luôn ấp ủ tìm ra một phương pháp giúp các em học sinh khiếm thị tiếp cận các môn học một cách dễ hiểu nhất… 
Trái tim bao la…
Người mà tôi muốn nhắc đến là bà Lê Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Nguyễn Văn Tố, Hà Nội. Bà Hương đã 30 năm gắn bó với ngôi trường và là người đã dành nhiều năm tâm huyết nghiên cứu tìm ra phương pháp dạy và học Toán, lý rất hiệu quả cho học sinh khiếm thị. 
Cô Hương
Lê Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Nguyễn Văn Tố, Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1982), bà Hương đã quyết định chọn ngôi trường còn rất nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất và chất lượng của học sinh. Vì là trường bổ túc văn hoá, nên học sinh ở đây đủ các lứa tuổi, thành phần, hoàn cảnh khác nhau. Đa phần là học sinh cá biệt, học sinh yếu kém không thi đỗ vào các trường THCS, THPT, nên đành “dạt” về đây.
Càng ngạc nhiên hơn khi đầu năm 1997 bà lại chọn gắn bó với mảng học sinh khiếm thị. Mặc dù có nhiều đóng góp với nhà trường, đặc biệt là mảng học sinh khiếm thị và được rất nhiều người biết tới, nhưng khi đề cập đến những thành tích của mình, bà vẫn khiêm tốn cho rằng, đó là thành tích chung của cả tập thể… Thậm chí bà còn nói: “Giúp người há để trả công, mình chỉ mong các “con” có được chút kiến thức để sau này lập nghiệp. Đã giúp đỡ người khác thì không nên kể lể”.
Với bà Hương, các em học sinh chính là động lực để bà làm việc và có được thành công như hôm nay. Bà vốn bị bệnh thần kinh tim, bị thiếu máu lên não nên hay bị ngất, hoa mắt và đến nay mắt của bà rất kém, tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhiều là nước mắt ứa ra, đầu đau buốt, các ngón tay thì tê dại…
Tuy vậy, sau mỗi lần hồi phục sức khỏe bà lại lên lớp vì không thể xa nổi đàn “con” của mình. “Chính các em đã tiếp thêm cho tôi nghị lực! Có nhiều em mù cả hai mắt, lại sinh ra trong hoàn cảnh “thiếu cha, vắng mẹ”… nhưng các em đã vượt qua tất cả để trở thành một học sinh giỏi và trở thành thầy giáo. Nhiều cái tôi đã học được từ nghị lực vươn lên của các em!”, bà Hương tâm sự.
Ánh sáng cho học sinh khiếm thị

Kể về đàn con thân yêu của mình, bà Hương bồi hồi cho biết, năm 1994, có một vài học sinh khiếm thị đến xin học, vì học trường Nguyễn Đình Chiểu các em phải học cả ngày, nhưng cái khó là đa số em đều đã lớn tuổi, các em vừa đi học, vừa đi làm để kiếm sống. Cảm động trước tinh thần hiếu học của các em, Ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn và quyết định nhận các em vào học.

Nhưng phải đến năm 1997, được sự giúp đỡ của Bộ giáo dục, nhà trường mới thành lập được Hội đồng thi tốt nghiệp THPT cho các em. Lúc đầy chỉ có 6 học sinh: “Tiếng lành đồn xa”, dần dần tăng lên 10, rồi 20 học sinh và nay đã có tới 65 học khiếm thị đang theo học tại trường.

Cô Hương đang giới thiệu về
Bà Hương đang giới thiệu về giáo trình đặc biệt của mình
Nói về những ngày đầu “học làm giáo viên khiếm thị” của mình, bà Hương cười hiền: “Khi bắt đầu nhận dạy môn Toán cho các học sinh khiếm thị, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Với các môn xã hội các em không nhìn thấy, nhưng còn nghe được và dễ tưởng tượng hơn. Khổ nhất là môn Hình học và các môn tự nhiên, dù cố giải thích, rồi nhập vai “người mù” để giảng cho các em, nhưng cũng không ăn thua gì. Hết buổi giảng, “Chữ thầy lại trả cho thầy!”...
Để giúp các em, sau nhiều đêm suy nghĩ, mày mò nghiên cứu, bà Hương đã “phát minh” ra một bộ Giáo trình Toán học các lớp 10, 11 và 12. Đó là những hình vẽ, Sin, Cos, Parapol, các hình lượng giác, hình học không gian… cơ bản về Toán học có trong chương trình THPT.
Lúc đầu, bà Hương dùng sợi dây đàn, sợi dây đay uốn theo các hình rồi dùng hồ dính vào các tấm bìa cứng. Nhưng cách làm này vừa mất thời gian, lại không bền, vì chỉ một thời gian các em “sờ” lại bung ra. Một hôm, bà vô tình nhìn thấy đứa cháu học mỹ thuật ngồi vê sợi băng dính hai mặt lại như một sợi mì nên cô chợt nảy ra sáng kiến dùng băng dính hai mặt để tết thành sợi mì, rồi uốn theo các hình, đồ thị mà mình cần dán lên bìa cứng và ép Plastic lại. “Cách làm này vừa đơn giản, lại có độ bền cao”, cô Hương cho biết.
Với những học sinh có độ nhạy bàn tay cao hơn, bà Hương vẽ hình lên máy tính, in âm bản, rồi châm kim theo hình vẽ và dùng bằng các kí hiệu, ngôn ngữ của chữ Braille. Với cách này, học sinh có thể vừa “sờ” được hình nổi và hình chìm, vừa học được môn Toán, vừa luyện được khả năng cảm giác, nhờ đó mà các giờ học Toán vốn khô khan đã trở thành một giờ học hứng thú của các em học sinh.
Sau những thành công về những dụng cụ dạy học môn Toán, bà Hương tiếp tục cùng các đồng nghiệp làm các dụng cụ cho môn Lý, Hoá học. Năm 2008, với “phát minh” đặc biệt của mình, bà đã đoạt giải nhất Quốc gia trong cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học” do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.
… 30 năm gắn bó với ngôi trường và những đứa con khiếm thị của mình là bấy nhiêu năm bà Hương dày công vun đắp cho các em. Niềm vui, nỗi buồn của bà cũng gắn liền với kỷ niệm với lũ học trò nghịch ngợm nhưng thông minh và đầy ý chí tiến thủ.
Với một niềm hạnh phúc vô bờ bến, bà tự hào kể cho chúng tôi nghe về  nghị lực của hai chàng “Hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hà và Khúc Hải Vân, sau khi tốt nghiệp đại học hai em đã thành lập ra Trung tâm “Tia Sáng”, chuyên đào tạo công nghệ thông tin cho các học sinh khiếm thị và cũng chính hai em đã sáng lập ra phần mềm, giáo trình học vi tính cho những người khiếm thị… Rồi nghị lực phi thường và sự cố gắng không biết mệt mỏi của cậu trò nhỏ Nguyễn Văn Hiếu, mù cả hai mắt, hiện là Giáo viên dạy Tin học của trường Nguyễn Đình Chiểu… Và còn biết bao nhiêu đứa con của bà Hương đã, đang và sẽ trở thành những công dân có ích của xã hội...
Phạm Lão

Đọc thêm