Thương xót một kiếp người
Câu chuyện của bà Bình đến nay cả xã Bình Triều ai cũng biết. Người dân xứ biển kể về người phụ nữ này với lòng yêu thương vô bờ bến. Bởi cuộc đời bà gắn liền với khổ đau, bất hạnh. Nhưng cả những lúc đau đớn nhất, bà vẫn không mất đi tình người và sự hy sinh mà không phải ai cũng có thể làm được.
Theo lời bà Bình, năm 1977, bà lập gia đình. Thời gian đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng hạnh phúc, êm ấm như bao gia đình khác. Nhưng rồi, giấc mơ những đứa trẻ, những đứa con trai nối nghiệp cha ra biển dần dần làm hạnh phúc của họ rạn nứt.
Sống với nhau mãi 2 năm mà bà Bình vẫn không thể nào sinh cho chồng một mụn con. Nhận phần đau khổ về mình, bà Bình gạt nước mắt bảo chồng: “Tôi không thể sinh con được, ông đi lấy người khác làm vợ đi, để sau này còn có con cái lúc xế chiều”.
Nhưng người chồng vẫn còn nặng tình với bà Bình nên không ra đi. Đúng lúc ấy, một ngày giữa năm 1979, trước Trạm Y tế xã Bình Triều có một đứa trẻ 2 ngày tuổi bị bỏ rơi. Trong lòng đang khao khát con, nghe tin, bà Bình liền chạy đến xem.
Nhìn đứa bé còn đỏ hỏn khóc nấc trong chiếc khăn được gói sơ sài, lòng bà Bình như có muối xát. Không một chút đắn đo, bà liền xin đứa bé về nuôi. “Dù chưa một lần sinh con, nhưng khi nhìn thấy con bé, bản năng người mẹ trỗi dậy trong tôi. Tôi cảm thấy đó như là một định mệnh”, bà Bình nhớ lại.
Bà Đoàn Thị Thanh Bình |
Việc bà Bình nhận con nuôi được người chồng ủng hộ. Đôi vợ chồng bảo nhau, trời sắp đặt đứa con này cho họ. Căn nhà của vợ chồng bà Bình từ đó rộn rã tiếng cười. Đứa trẻ được cha mẹ nuôi tranh nhau bồng bế, nựng nịu và đặt một cái tên rất đẹp: Thủy Thị Thanh Thúy. Xóm làng ai nấy cũng mừng vui cho hạnh phúc của đôi vợ chồng vô sinh.
Thế nhưng, trớ trêu thay, chưa được 2 năm sau đó, mọi người phát hiện đứa trẻ này có biểu hiện khác thường. Vợ chồng bà Bình tất tả đưa con đến bệnh viện thăm khám thì được các bác sĩ chẩn đoán, Thúy bị bại liệt và tâm thần. Khi nghe tin, bà Bình chết lặng, bà đang khao khát tiếng con trẻ gọi “Mẹ ơi”. Trời đã mang đứa trẻ đến cho bà, nhưng vẫn không cho bà thỏa nỗi khát khao.
Còn người chồng, khi đã qua cú sốc, ông bảo bà bỏ đứa con nuôi đi. Bà Bình nhìn đứa trẻ mà nước mắt chảy dài. Bà nghĩ, nó đã một lần bị cha mẹ ruột vứt bỏ, bà không thể vứt bỏ nó lần nữa. Cuối cùng, bà quyết định giữ đứa trẻ cũng như can tâm gắn cuộc đời mình với nhọc nhằn...
Trong lúc bà Bình lo lắng và đang chịu nhiều khó khăn nhất thì người chồng bỏ đi. Bà Bình rơi vào đau khổ tột cùng, bởi bà rất yêu chồng. Nhưng tình yêu của người đàn bà bất hạnh không thể níu giữ niềm ước ao có một đứa con lành lặn của người đàn ông. Bà chỉ biết nhìn chồng ra đi trong nước mắt, khổ đau chứ không dám ngăn chồng ở lại.
Từ ngày người chồng ra đi, gánh mưu sinh trên đôi vai bà Bình càng nặng thêm. Không thể gửi con cho ai, khi đi làm công nhân cho một xí nghiệp gốm ở Duy Xuyên (Quảng Nam), bà Bình mang theo cô con gái tật nguyền. Giờ giải lao, mọi người nghỉ ngơi, còn bà lại đến chăm bẵm đứa con nuôi ngờ nghệch.
Công việc công nhân vất vả là vậy nhưng hơn 15 năm công tác tại đây, khi bà nghỉ việc, mọi chế độ ưu đãi hầu như không có. Thứ bà nhận được là vài nghìn viên gạch, ngói đủ để cất một ngôi nhà nhỏ làm nơi tá túc. “Dù sao, nhờ đó mà căn nhà tôi đã tươm tất hơn”, bà Bình nói.
Được sự chăm sóc chu đáo của bà Bình, cô con gái nuôi cũng lớn lên, nhưng vẫn lúc tỉnh, lúc mê, lúc co giật la hét. Để có tiền thuốc men cho con lúc ốm đau, bà Bình lại xin vào làm công nhân Xí nghiệp Gốm Quảng Thanh ở gần nhà. Cũng như trước, mỗi lần đi làm bà lại mang theo cô con gái nuôi. Vì quá bất tiện nên đến năm 2005, bà Bình nghỉ việc và mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Dù thu nhập thấp nhưng nghề này đã giúp bà thuận lợi trong việc chăm sóc Thúy.
37 năm qua, cô con gái nuôi của bà Bình chỉ có lớn chứ không thể… trưởng thành. Mọi ăn uống, sinh hoạt của Thúy đều do bàn tay gầy gò của bà Bình chăm bẵm. Hằng ngày, bà phải mang từng chậu nước vào đặt trên giường và tắm cho Thúy như những ngày mới nhận đứa trẻ 2 ngày tuổi về nuôi.
37 năm làm “góa phụ”
Nhiều lần, mọi người khuyên bà Bình gửi Thúy vào các trung tâm xã hội để lo cho hạnh phúc riêng của mình. Mỗi lần như thế, bà Bình nói: “Để khi nào Thúy gọi tôi là “mẹ” thì đưa đi”. Một năm, hai năm rồi 37 năm, Thúy vẫn không gọi bà được tiếng “mẹ” như những đứa trẻ khác.
Dù biết việc Thúy gọi “mẹ” sẽ chẳng bao giờ xảy ra nhưng bà Bình vẫn đau đáu hy vọng một ngày Thúy hết bệnh. Bà hy vọng bởi tình yêu trong bà luôn đầy ắp. Và nếu không hy vọng, bà cũng chẳng bao giờ muốn bỏ rơi Thúy. Bà bảo, Thúy là duyên nợ của đời bà. Duyên nợ đó đã đeo đẳng khiến bà trở thành “góa phụ”. Bà đã vì cô bé bệnh tật mà không nghĩ đến việc lập gia đình, cũng không toan tính sướng khổ khi lao tâm khổ tứ vì đứa con nuôi.
Mỗi lần bị bệnh, bà Bình đều nhờ chị gái chăm sóc Thúy. Năm 2014, bà bị một khối u ở phổi phải vào bệnh viện để mổ. Nằm viện được vài ngày, bà lại tất tả chạy về bên Thúy.
Hình ảnh bà Bình suốt 37 năm chăm sóc con nuôi với nỗi niềm mong ước được gọi mẹ |
“Nuôi con Thúy quen rồi, giờ xa nó vài ngày tôi thấy nhớ muốn về. Đã nhiều lần tôi tự nghĩ, mình già rồi không biết còn sống được bao lâu nữa. Chỉ sợ không đủ sức khỏe để nuôi nó đến cuối đời. Chứ ba mẹ bỏ nó một lần rồi sao mình lại bỏ nó lần nữa”. Bà Bình nói về việc mỗi khi xa Thúy.
Không phải chỉ bản thân bà Bình, người em của bà cũng rơi vào số phận không may mắn. Cha mẹ bà có 6 người con, mẹ của bà là Mẹ Việt Nam anh hùng, bà mất từ hồi chiến tranh. Mấy anh chị em cũng mất hết, chỉ có cô em út là lấy chồng.
Tuy nhiên, khi lập gia đình chưa được bao lâu thì cô em bị bệnh phải nằm một chỗ. Vì khó khăn nên không giúp gì được cho em gái, bà rất đau lòng. Nhiều lúc bà nghĩ, tại sao những ai thân yêu nhất của bà đều phải chịu bất hạnh. Và bà ước gì bà gánh được những bất hạnh cho mọi người...
Cô Võ Thị Liễu (52 tuổi, hàng xóm) cho biết: “Có lẽ chị Bình và Thúy sinh ra để yêu thương nhau. Ngày chồng chị Bình bỏ đi, có nhiều người đàn ông đến ngỏ lời xin cưới chị ấy về làm vợ. Nhưng chị không nhận lời, chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình mà ở vậy để chăm đứa con nuôi tâm thần đang nằm liệt giường. Từ sáng tới tối chị ấy quanh quẩn với con, cơm nước, áo quần… đến nay cũng ngót 37 năm rồi”.
Ông Nguyễn Công, Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, mặc dù Thúy là con nuôi nhưng suốt 37 năm qua, chị Bình vẫn coi Thúy như ruột thịt. Đây là điều đáng trân trọng. Địa phương cũng đã quyên góp ủng hộ cho gia đình chị Bình. “Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ của địa phương thì chỉ mang tính động viên tinh thần. Chúng tôi đang vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tích cực cho gia đình chị”- ông Công nói.