Cuộc gặp gỡ định mệnh
Bà Culp bị mất một phần giữa khuôn mặt do chồng bắn súng vào năm 2004. Vụ tấn công này cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân 25 năm từ thuở thiếu thời giữa bà với người chồng Thomas G. “Tom” Culp. Bà Connie Culp gặp Tom khi cả 2 mới 15 tuổi.
Như trúng phải tiếng sét ái tình, họ ngay lập tức cảm thấy yêu mến nhau. Tom là tình yêu đầu đời và cũng là người chồng mà sau này bà Connie hết mực yêu thương. Sau khi học xong, 2 người kết hôn và lần lượt sinh 2 đứa con.
Thế nhưng, cuộc hôn nhân tưởng chừng như là định mệnh của họ lại không phải mãi màu hồng như vậy. Năm tháng trôi qua, Tom dần trở thành một con người khác. Ông ta bắt đầu ghen tuông nhiều hơn, kiểm soát vợ nhiều hơn, thậm chí biến thành một con người hung bạo mà Connie chưa từng nghĩ chồng mình sẽ như thế.
“Anh ta cảm thấy khó chịu và ghen tị khi tôi được nhiều người xung quanh yêu mến. Không chỉ là những người đàn ông khác mà đối với đồng nghiệp hay khách hàng đều rất quý tôi”, bà Connie kể lại. Thêm vào đó, tình hình tài chính của họ cũng khó khăn khi quán bar mà 2 người dành hết vốn liếng để mở làm ăn thua lỗ. Mâu thuẫn tiền bạc càng khiến rạn nứt trong mối quan hệ của 2 vợ chồng thêm lớn.
|
Bà Connie Culp (trái) trước khi bị chồng bắn vào mặt và gương mặt đã trải qua phẫu thuật tạo hình nhiều lần. |
Từ căng thẳng này chồng chất thêm nhiều mâu thuẫn khác, Tom gần như chẳng thể làm chủ được tâm trạng của mình. Trong cơn cuồng ghen, từ một người chồng hết lòng yêu thương vợ, ông ta bắt đầu động chân động tay, ban đầu là đập phá đồ đạc rồi sau đó là hành hung bà Connie. Dù vậy nhưng bà này vẫn không thể ngờ được người chồng đầu ấp tay gối bấy lâu lại có thể ra tay tàn độc với mình. Ngày 20/9/2004, Tom lớn tiếng tố vợ định tán tỉnh với một người khách quen.
Trong cơn cãi vã, ông ta đã cầm súng bắn thẳng vào mặt vợ rồi chĩa súng vào mình với ý định tự tử. “Tôi nhớ anh ta nâng khẩu súng, nói gì đó và chĩa thẳng súng bắn vào mặt tôi. Đó là một hình ảnh mà tôi không bao giờ muốn lưu lại trong phần còn lại của cuộc đời mình.
Đó cũng là thời điểm mà tất cả mọi thứ quanh tôi thay đổi mãi mãi, bao gồm cả khuôn mặt của tôi”, người phụ nữ bất hạnh kể lại. Vụ tấn công đã khiến cuộc đời của bà Connie chìm sâu trong vũng bùn tuyệt vọng, đau khổ và tăm tối. Ngay sau đó, bà được được đưa tới Bệnh viện Cleveland. Sau một thời gian dài điều trị những vết thương do vụ tấn công, bà giữ được tính mạng nhưng vụ nổ súng đã phá huỷ mũi, má, miệng và mắt của người phụ nữ 2 con sinh sống ở bang Ohio này.
Bà đã phải thực hiện một phẫu thuật mở cổ để thở. Trong suốt 30 cuộc phẫu thuật để chỉnh lại gương mặt sau đó, các bác sĩ đã sử dụng các phần xương sườn để tạo thành xương má và xương chân trái để thành xương hàm. Connie cũng trải qua nhiều cuộc ghép da mặt bằng da đùi. Tuy nhiên, bà vẫn không thể ăn các đồ ăn cứng và không thể tự thở hoặc ngửi.
Nỗi đau thể xác dường như không thấm gì so với những tủi hổ về tâm hồn mà bà phải chịu. Dù cố tỏ ra bình thường nhưng bà vẫn không thể tránh được sự tủi thân và buồn khổ khi phải đối mặt với những cái nhìn chằm chằm và bình luận từ những người lạ, đặc biệt là trẻ em.
“Người phụ nữ tiên phong tuyệt vời”
Cuộc đời bà đã một lần nữa được hồi sinh vào tháng 12/2008, sau khi trải qua ca phẫu thuật suốt 22 tiếng đồng hồ do bác sỹ Maria Siemionow dẫn đầu để ghép gần như toàn bộ khuôn mặt do một người tương thích hiến tặng sau khi qua đời. Các lớp mô, xương, cơ và mạch máu, mảnh ghép thần kinh, động mạch và tĩnh mạch đã được ghép nối, các bác sĩ đã lấp đầy những phần còn thiếu trên khuôn mặt bà. Đây là ca ghép gần như toàn bộ khuôn mặt đầu tiên ở Mỹ.
Đây là cuộc phẫu thuật mặt thứ 4 trên thế giới nhưng các cuộc phẫu thuật trước đó không toàn diện như trường hợp này. Đội bác sĩ trong ca phẫu thuật của bà Connie nhấn mạnh đây không phải là phẫu thuật thẩm mỹ mà mục đích thực sự là khôi phục các chức năng cơ bản cho người bệnh. Dù ca cấy ghép không bao giờ có thể trả lại vẻ ngoài ban đầu của Connie, nhưng nó đã giúp bà lấy lại cảm giác đã mất sau vụ nổ súng làm vỡ mũi, má, vòm miệng và mắt.
Lần đầu tiên trong 5 năm, bà đã có thể ăn pizza, thịt gà, hamburgers. Bà cũng có thể ăn bánh cùng một cốc café – sở thích mà bà đã phải từ bỏ bao lâu. Bà Connie vào thời điểm đó nói rằng bà rất hạnh phúc. “Giờ đây tôi có thể ngửi được. Tôi có thể ăn steak, tôi có thể ăn hầu hết đồ ăn cứng, vậy nên mọi thứ đang tốt lên nhiều”, bà vui vẻ nói. Sau khi cấy ghép, Connie dành nhiều năm cuộc đời để chia sẻ câu chuyện của mình và lên tiếng về bạo lực gia đình, cũng như giáo dục và khuyến khích những người khác trải qua ca phẫu thuật cấy ghép.
|
Y học khẳng định việc bà Connie Culp qua đời do các biến chứng nhiễm trùng không liên quan đến ca cấy ghép mặt. |
Chính sự vui tươi và lạc quan của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Người phụ nữ giàu nghị lực này cũng đăng ký hiến tạng sau khi mất. Hôm tuần trước, trong thông báo về sự ra đi của bà Connie, người phát ngôn của Bệnh viện Cleveland – nơi từng tiến hành ca phẫu thuật ghép mặt cho bà – thông báo bà này qua đời do các biến chứng nhiễm trùng không liên quan đến ca cấy ghép mặt. Một số nguồn tin cho biết, bà Connie đã nhập viện điều trị trong nhiều ngày trước khi qua đời.
“Connie là một người phụ nữ cực kỳ dũng cảm, sôi nổi và là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Sức mạnh của bà ấy thể hiện rõ ở chỗ bà ấy là bệnh nhân ghép mặt có thời gian sống lâu nhất tính cho đến nay”, Tiến sĩ Frank Papay - Chủ tịch Viện Phẫu thuật Da liễu và Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Cleveland, người thuộc nhóm phẫu thuật cho bà Connie trước đây – nhận định.
Theo vị bác sỹ, sức mạnh của bà Connie thể hiện rõ ở thực tế bà là bệnh nhân ghép mặt có thời gian sống lâu nhất cho đến nay. “Bà ấy là người tiên phong tuyệt vời, quyết định thực hiện ca phẫu thuật ghép mặt của bà Connie đã mang lại món quà quý giá đối với nền y học của toàn nhân loại”, ông Papay nói thêm. Theo bác sĩ Maria Siemionow, hành trình giúp bà Connie hồi phục đã truyền cảm hứng cho giới y học trong nghiên cứu về việc giảm khả năng đào thải sau cấy ghép.
“Nghĩ về bà Connie là nghĩ về một người đã không bỏ cuộc và tôi cũng sẽ không từ bỏ. Chúng tôi đang nối kết các tế bào tủy xương của người hiến và người nhận để hỗ trợ việc ghép mặt và các nội tạng khác để tạo ra sự dung nạp và giảm nhu cầu ức chế miễn dịch suốt đời”, vị bác sỹ cho hay. Ghép mặt là một trong những thủ thuật y học khó khăn nhất. Theo một thống kê, đến nay, toàn thế giới cũng mới chỉ có 40 trường hợp như vậy nhưng mức độ của các ca phẫu thuật này là khác nhau.