Người phụ nữ đi tìm ánh sáng

(PLO) - Người phụ nữ ấy không may mắn như những người khác có đôi mắt để nhìn nhưng với nghị lực phi thường chị đã tìm cho mình một thứ “ánh sáng” khác, không chịu đầu hàng số phận, chị là một gương mặt tiêu biểu mang lại nguồn sáng cho những người cùng cảnh ngộ.
Chị Đỗ Thúy Hà.
Chị Đỗ Thúy Hà.

Chị  là Đỗ Thúy Hà, sinh năm 1981, hiện là Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, Hà Nội sinh trong một gia đình có hai chị em, bố mẹ làm công nhân. 

Ánh sáng từ sự hiếu học

Tôi đến thăm chị vào một ngày đầu tháng 10. Tại văn phòng làm việc của chị, nơi cũng giống các văn phòng công sở khác, có máy tính và những vật dụng cần thiết, chị đang làm việc rất chăm chỉ, nhìn 10 ngón tay của chị nhoay nhoáy trên bàn phím máy vi tính, sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ Anh và Nhật, không ai nghĩ chị bị khiếm thị. Nghe có người đến nói chuyện chị dừng tay. Tôi cùng chị trở về câu chuyện của nhiều năm về trước.

Ngày còn bé, căn bệnh quái ác cướp đi ánh sáng của người con gái dịu hiền, xinh xắn đó. Mặc dù được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng mắt của chị vẫn không tiến triển vì thoái hóa võng mạc, một trường hợp rất hiếm gặp và khó chữa trị. Đi học muộn 3 năm, tận năm lên 9 tuổi chị theo học tại Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, ở đây chị gặp các bạn cùng cảnh ngộ, nên nỗi mặc cảm được vơi đi phần nào, được các bạn và thầy cô giúp đỡ rất nhiều trong học tập và cũng trong thời gian ở đây chị tiếp xúc với ngoại ngữ  nhiều hơn, dần dần đó là niềm đam mê.

Những năm tháng theo học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, điểm tổng kết các môn học của chị đều đạt 9, đặc biệt môn Tiếng Anh là 10. Chuẩn bị bước vào trung học phổ thông thì một lần nữa khó khăn lại đến thời gian đó nhiều trường không nhận học sinh khiếm thị.

Nhưng may mắn thay, cùng thời điểm đó, thầy giáo Nguyễn Như Thạch, nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu khi nghỉ hưu đã thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu và chị được nhận vào học. Lên lớp càng cao thành tích học tập của chị càng khiến nhiều người ngưỡng mộ. 12 năm đi học năm nào chị cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt môn tiếng Anh. Chính vì thế mà năm 2000, Thúy Hà đã tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức. 500 thí sinh dự thi chỉ có mình Thúy Hà bị khiếm thị nên Ban tổ chức chưa thiết kế được đề riêng cho thí sinh đặc biệt này. Kỳ thi kết thúc Thúy Hà đoạt giải Ba cuộc thi và trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam” năm 2001.

Ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên để giảng dạy cho những người cùng cảnh ngộ, năm 2004, Đỗ Thúy Hà đỗ vào Khoa Tiếng Anh của Đại học Mở Hà Nội. Đang theo học thì năm 2005, qua tìm hiểu trên mạng, chị được biết hiện có một lớp du học miễn phí của Nhật Bản về kỹ năng lãnh đạo dành cho những người khuyết tật của châu Á – Thái Bình Dương, Thúy Hà nảy sinh quyết định táo bạo nộp hồ sơ dự thi. Vượt qua đợt tuyển chọn với 350 thí sinh, Thúy Hà vinh dự nằm trong danh sách 30 thí sinh cuối cùng lọt vào vòng phỏng vấn để chọn ra 7 đại diện tại 7 nước khác nhau tham gia khoá học. Đơn vị tổ chức học bổng này đã thực hiện chuyến sang Việt Nam để phỏng vấn, với thành tích và nỗ lực của Đỗ Thúy Hà đã được nhận học bổng…

Hạnh phúc mỉm cười

Năm 2012, chị Đỗ Thúy Hà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Là người đứng đầu của tập thể những người mất đi nguồn sáng, với gần 200 hội viên thuộc nhiều thế hệ khác nhau đó là việc không hề dễ dàng, trên cương vị này, chị luôn cố gắng đảm nhiệm vị trí quản lý đồng thời mở lớp dạy chữ nổi, dạy nghề, vi tính, phục hồi chức năng, bấm huyệt… và tổ chức các chương trình  giao lưu văn nghệ thường xuyên. Chị luôn trăn trở mong muốn Hội có sự ổn định có nguồn thu nhập từ chính tay những người khuyết tật, được làm công tác tuyên truyền đưa những buổi học ngoại khóa về người khuyết tật đến môi trường giáo dục, để các em có cái nhìn thân thiện hơn và nhận được sự giúp đỡ từ tất cả các thế hệ trong xã hội.

 Với những nỗ lực của mình vì sự phát triển của Hội Người mù quận Đống Đa, tháng 3/2013 , chị Đỗ Thúy Hà được mời đến tham dự cuộc giao lưu tại lễ tôn vinh “Tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đỗ Thúy Hà một lần nữa được gặp lại nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi mà cách đây 12 năm chị từng được gặp bà khi đến nhận giải “Nữ sinh Việt Nam” năm 2001.

Nói về chuyện riêng tư, chị Đỗ Thúy Hà tâm sự, mải mê công việc chị đâu biết rằng có một chàng trai luôn thầm lặng quan tâm đặc biệt đến chị. Đó là anh Đỗ Ngọc Anh, hiện công tác trong ngành bưu điện. Một ngày nọ, một chàng trai sáng mắt đã đến bên chị ngỏ lời muốn được cùng chị đi hết quãng đời còn lại. Cuối năm 2010 anh chị quyết định tổ chức đám cưới sau gần hai năm tìm hiểu. Từ đó, hàng ngày anh đều đặn đưa đón chị đi làm, cùng chia sẻ việc nhà với vợ. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ấm áp và vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi anh chị có một cậu con trai khoẻ mạnh đã 5 tuổi.

Thấy vợ vất vả vừa đi làm vừa lo việc gia đình, chồng chị muốn muốn thuê người giúp việc để đỡ việc nhà nhưng chị không đồng ý. Chị muốn được tự tay làm việc nhà, hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, được tự tay chăm sóc chồng con, để khi hai bố con về là mọi thứ đã sẵn sàng cơm ngon, canh ngọt. 

Chia tay với chị nụ cười hiền hậu và gương mặt rạng rỡ của chị khiến tôi mãi nhớ trong tâm trạng biết bao trân quý, nể phục.

Đọc thêm