Còn nhớ, An Thành hầu Nguyễn Kim là người có công lớn phò giúp Lê Ninh lên ngôi, tức vua Lê Trang Tông, nhờ đó mà mệnh đế nhà Lê mới trung hưng trở lại. Vị quan khôi phục vương triều này lại có người con rể cũng giỏi giang, xuất chúng là Thái vương Trịnh Kiểm. Vì trọng tài Kiểm, An Thành hầu se duyên cho con gái lớn của mình là Nguyễn Thị Ngọc Bảo.
Một nhà công to
Thái phi Ngọc Bảo, chính là chị gái ruột Nguyễn Hoàng. Xét về ngôi thứ, nên xem trong “Hoàng tộc lược biên”, được biết, đức Nguyễn Kim “sanh hạ được hai vị Hoàng Tử: Tả Tướng Lãng Quận Công Nguyễn Uông, Đức Thái Tổ Gia Dủ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng và Công Chúa Ngọc Bửu (Bảo)”. Trong ba người, Nguyễn Uông là con trưởng.
Nguyễn Thị Ngọc Bảo làm vợ của Trịnh Kiểm năm nào chưa rõ, tiểu sử lại ít được nói tới. Trong “Trịnh gia chính phả”, khi viết về bà, có cho hay đôi dòng: “Thái phi: Nguyễn Thị Ngọc Bảo. Bà họ Nguyễn, tên thụy là Từ Nghi, tên huý là Ngọc Bảo và là con gái của quan Phụ Triết Tĩnh công Nguyễn Kim”.
Về phần An Thành hầu Nguyễn Kim, trong khi công cuộc phò vua Trang Tông đối địch với nhà Mạc vẫn chưa đến phần ngã ngũ, thì tiếc thay, theo “Đại Nam thực lục” cho biết: “Ngày Tân Tỵ, tháng 5, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông (Nguyễn Kim - Người dẫn chú) bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi”.
Quyền hành từ ấy về tay con rể là Trịnh Kiểm. Còn hai người con của An Thành hầu, cũng đều là bậc anh tuấn cả. Xem “Việt sử xứ Đàng Trong”, thì sau khi Nguyễn Kim mất, vua Lê phong Nguyễn Uông làm Lãng Xuyên hầu, Nguyễn Hoàng làm Hạ Khê hầu, sai cầm quân đi đánh giặc. Còn Trịnh Kiểm, được phong làm Lượng quốc công.
Dần dà, vì có công lao đánh giặc, Nguyễn Uông được phong Tả tướng, Lãng quận công, Nguyễn Hoàng được phong Đoan quận công, Trịnh Kiểm thì giữ binh quyền, ở chức Hữu tướng. Lo sợ sức mạnh, ảnh hưởng của hai người em vợ sẽ lại lung lay cơ đồ của mình, Trịnh Kiểm tìm cách làm hại.
Xem “Đại Nam liệt truyện”, phần “Truyện các hoàng tử” ta được biết: “Hoàng trưởng tử Uông, sinh mẫu là ai không rõ (Năm Ất Tỵ 1545, Lê Nguyên Hòa năm 13) tập ấm, phong làm: Lãng Xuyên hầu, sau tiến phong Tả tướng quân, rồi bị Trịnh Kiểm làm hại, chết (không nhớ năm)”.
|
Nguyễn Hoàng xin chị vào Thuận Hóa |
Vẽ đường cho cuộc Nam tiến
Lúc này, Nguyễn Hoàng được vua Lê trọng dụng, lại đi đánh nhà Mạc lập được nhiều công lao, đi đến đâu quân địch tháo chạy, còn dân chúng thì ngưỡng mộ, yêu mến, nên cũng nằm trong tầm ngắm của người anh rể họ Trịnh, bởi thế lấy làm lo sợ cho sự an nguy của mình. Nhưng làm thế nào để thoát được?
Theo “Nam triều công nghiệp diễn chí”. Trước mối nguy hại nhãn tiền từ Trịnh Kiểm, “Bấy giờ Thích quận công (tức Nguyễn Ư Dĩ – Người dẫn chú) là cậu ruột Đoan quận công bí mật bàn với Đoan quận công sai người lén vào cung cầu cứu chị ruột là Nguyễn Thị”. Sau khi nghe tỏ tường sự thể, không đành lòng cho em sa vào tay chồng mình, Ngọc Bảo suy nghĩ phương kế để cứu. Thế rồi, kế sách được vạch ra và thực hiện.
Vẫn sách trên ghi: “Bà Chính phi của Trịnh Kiểm nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu bảo Nguyễn Hoàng giả điên, rồi vào thưa với Khang vương (Trịnh Kiểm) rằng: Đứa em của tiện thiếp là quận Đoan bỗng dưng phát chứng điên đến nỗi ngu mê, như thế thì không thể giúp việc chính sự trong triều. Thiếp bị người trong triều chê cười phải xấu hổ nhiều phen.
Nay thiếp nghe nói hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa là chỗ núi độc nước xấu, dân man hung dữ, người ta đều chê không muốn đến. Cúi xin tôn ông nghĩ đến công cha tình thiếp, cho quận Đoan em thiếp vào trấn thủ ở xứ ấy, làm bề tôi nơi phên giậu để được hưởng ơn sống suốt đời, tình nghĩa chị em nhờ thế may ra mới được trọn vẹn. Mong tôn ông thương xót ưng thuận cho”.
Minh Khang vương Trịnh Kiểm, bấy giờ đã là Thái sư, ngọt nhạt đáp lời vợ rằng Đoan quận công là một kẻ tuấn kiệt, làm sao nỡ để vào nơi đất “Ô châu ác địa” ấy. Thế nhưng, anh hùng đâu dễ qua ải mỹ nhân khi Chính phi Ngọc Bảo hai ba lần khẩn khoản van nài. Trịnh Kiểm lấy làm xuôi lòng, nghĩ rằng “Xứ ấy có quân đồn trú của nhà Mạc, cứ cho y đến đó, kể như mượn tay họ Mạc, ta khỏi phải mang tiếng không biết dùng người”.
Việc được Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê, vua ưng thuận. Nơi “Nam triều công nghiệp diễn chí” ghi chép là thế, riêng trong “Việt sử yếu”, thì cho rằng: “Gia Dụ đế bèn năn nỉ với chị xin được vào làm chức Trấn thủ Thuận Hóa”. Dầu sao mặc lòng, ta vẫn thấy sự tác động rõ rệt của Chính phi Ngọc Bảo cho cuộc Nam tiến của em trai vậy.
Được chị mở cho “cửa sinh”, năm Mậu Ngọ (1558), như trong “Nguyễn Phúc tộc thế phả” chép, Nguyễn Hoàng “đem những người đồng hương huyện Tống Sơn và nghĩa dũng xứ Thanh Hoa vào đóng ở xã Ái Tử huyện Vũ Xương. Ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nên nhân dân mến phục, thường xưng tụng là Chúa Tiên”.
|
Nguyễn Uông bị giết |
Họa nạn từ “bà hỏa’
Vậy là, nhờ mưu kế của cậu ruột (Nguyễn Ư Dĩ) và chị gái, Chính phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Đoan quận công Nguyễn Hoàng không những không bị hại, mà còn mở ra nghiệp lớn cho chúa Nguyễn, nhà Nguyễn về sau; còn cõi bờ nước Nam, cũng theo đó mà rộng thêm.
Dĩ nhiên lâu nay, ta còn được biết đến giai thoại việc Nam tiến qua dãy Hoành Sơn của Đoan quận công Nguyễn Hoàng, có ảnh hưởng từ câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ (hoặc “vạn đại”) dung thân” mà bạn đọc có thể tham khảo thêm qua “Nam Hà tiệp lục”, nhưng dầu sao mặc lòng, không thể phủ nhận sự can dự, đóng góp của bà Ngọc Bảo vào sự tạo lập nghiệp lớn cho em trai. Mưu Trịnh Kiểm thất bại, còn Nguyễn Hoàng như hùm thoát cũi, nên đời sau mới có thơ rằng:
“Thành bại hưng vong lẽ lớn lao,
Kinh kỳ im nhịn tự năm nào.
Phượng vin cành lẻ đàn vẹt rỡn,
Cọp rống rừng bằng đảng ác trào.
Chớ bảo giếng làng nhền chăng lưới,
Hãy xem ngựa chiến vượt khe rào.
Rồng thần há phải loài ao cạn,
Nằm đợi trời cao gió thét gào?”.
Riêng về phần Thái phi Ngọc Bảo, trong khoảng thời gian từ năm Mậu Ngọc (1558) cho đến khi mất năm Bính Tuất (1586), hầu như không thấy sử sách ghi chép gì thêm về bà. Hẳn, với phận vợ chúa, lại là Chính phi, việc của bà Ngọc Bảo là chăm nom, cai quản chốn hậu cung, cũng như nâng khăn sửa gối cho đức lang quân như bao người khuê các khác.
Lại xem “Kim tỏa thực lục”, ghi chép ngày bà mất, có đoạn: “Bà họ Nguyễn, tên thụy là Từ Nghi, tên huý là Ngọc Bảo và là con gái của quan Phụ Triết Tĩnh công Nguyễn Kim. Ngày 17 tháng 8 năm Bính Tuất (1586) Thái phi qua đời”.
|
Trịnh Kiểm xin vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa |
Cái chết của Thái phi Ngọc Bảo như sử cũ ghi lại, không theo lẽ thường sinh, lão, bệnh, tử, mà trớ trêu thay, lại gặp nạn “bà hỏa” mà đi, việc ấy quả đúng xảy ra ngày 17 tháng 8 năm Bính Tuất (1586), đời vua Lê Thế Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” còn lưu chứng cứ:
“Ngày 17, dinh Yên Trường cháy lớn. Khi ấy, gió to, lửa mạnh, cháy lan cả phủ dinh, trại quân, giải vũ, phố xá đến vài nghìn nhà. Mây sắc đỏ che kín mặt trời, khói đen đầy trời, từ giờ Ngọ đến giờ Thân lửa mới tắt. Bà phi của Thái vương là Nguyễn Thị Ngọc Bảo bị chết cháy, Tiết chế Trịnh Tùng ở lánh chỗ khác để tang. Truy tôn là Minh Khang Thái vương Thái phi”.
Vậy là, hẳn vì không kịp chạy loạn hỏa tai bất ngờ, mà Thái phi Ngọc Bảo, lúc bấy giờ chắc cũng tuổi cao sức yếu, bị chết cháy. Quả là việc đau buồn của chúa Trịnh Tùng bấy giờ, mất dinh thự còn dựng lại được, nhưng mất mẹ thì muôn năm chỉ có thể tưởng nhớ mà thôi...