Xuất thân quý hiển
Phụ Thiên Đại Vương là hậu duệ của Ngự Man Vương Lê Long Đinh nhà Tiền Lê. Sau khi lên thay nhà Tiền Lê, Lý Thái Tổ đã để dòng dõi Ngự Man Vương trấn trị châu Chân Đăng và được thế tập chức vị. Đến đời Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông là con và cháu Lý Thái Tổ, hai người này đã lần lượt gả công chúa cho thủ lĩnh châu Chân Đăng, tạo thành sự liên kết chặt chẽ giữa hai dòng tộc đã và đang nắm quyền trị nước.
Trưởng nữ của Phụ Thiên Đại Vương ngay từ khi mới sinh ra đã là con nhà đại gia cự tộc, phong thái và dung mạo cũng có những nét vượt hơn con nhà thường dân. Người này sau được tuyển vào cung và từ thân phận phu nhân đã tìm cách leo lên địa vị cao nhất – Hoàng Thái Hậu nhà Lý.
Trong lần tuyển chọn phi tần năm 1134, trưởng nữ của Châu Mục Chân Đăng đã lọt vào mắt xanh Hoàng đế Lý Thần Tông, được đưa vào hậu cung và phong là Cảm Thánh Phu Nhân. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, Cảm Thánh dần quen với cuộc sống nơi hậu cung, từng bước tiến lên trên con đường trở thành người phụ nữ cơ mưu và đầy quyền lực của triều Lý.
Quan sát thời thế và những tính toán đầu tiên
Là người thông minh sắc sảo, Cảm Thánh không chỉ tận tâm phục vụ Hoàng đế mà còn tích cực tìm hiểu, theo dõi những sự việc đã và đang diễn ra giữa chốn hậu cung. Qua tìm hiểu, Cảm Thánh đã biết được hai chuyện lớn trước khi vào cung.
Thứ nhất, Lý Thần Tông tuy có nhiều hậu phi nhưng chưa người nào sinh hoàng tửcho ông. Trong khi đó, một người cung nữ đã mang thai rồng và sinh hạ Hoàng tử Lý Thiên Lộc vào năm 1132. Từ ngày có Thiên Lộc, Thần Tông vô cùng mừng rỡ, đã lập Thiên Lộc làm thái tử nhưng người mẹ của Thiên Lộc chưa được thăng cấp, vẫn ở địa vị thấp hơn phu nhân.
Quyết định khó hiểu của Lý Thần Tông (phong con quên vợ) khiến các phi tần vừa mừng vừa lo. Mừng vì người phụ nữ kia vẫn chưa thể có ngôi vị vượt hơn họ, nghĩa là Thiên Lộc thực tế vẫn chỉ là con thứ, nếu có hậu phi nào sinh con trai thì địa vị của Thiên Lộc sẽ bị lung lay. Còn lo sợ bởi Thần Tông sức khỏe không tốt, chẳng may chưa ai kịp sinh hoàng tử mà Thần Tông băng hà thì Thiên Lộc sẽ kế thừa hoàng vị. Đó là điều không hậu phi nào muốn.
Thứ hai, sóng gió đã nổi sau khi Thiên Lộc sinh ra. Cuối năm 1132, Lý Thần Tông không vừa lòng với Thứ Phi Chương Anh, đã phế truất người này và tống giam Thượng Thư Lý Nguyên là thân sinh của Chương Anh vào ngục, khiến Lý Nguyên chết oan ức trong tù. Sự việc của Chương Anh luôn ám ảnh những người trong hậu cung, nhất là nó lại xảy ra sau khi Thiên Lộc chào đời, không thể không khiến người ta rùng mình sợ hãi và phải suy nghĩ về tương lai.
Hai chuyện trên đã tác động mạnh đến Cảm Thánh. Cảm Thánh còn tinh ý nhận thấy rằng tuy đang sủng ái mình nhưng thói hiếu sắc của Hoàng đế vẫn mỗi ngày một lớn. Bởi vậy, Cảm Thánh cần phải hành động để không phải chịu số phận hẩm hiu như Thứ Phi Chương Anh. Con người cơ mưu này đã suy tính và quyết định phải tạo dựng cơ sở vững chắc trong hậu cung. Trong vòng hai năm (1134-1136), Cảm Thánh đã tiến hành hai biện pháp để thiết lập thế lực.
Đầu tiên, Cảm Thánh đã kết thân với Phu Nhân Nhật Phong là người đang được Thần Tông rất thương yêu, thiết lập mối quan hệ thân thiết với Nhật Phong. Sau đó, Cảm Thánh đã không ngớt khen ngợi nhan sắc, phẩm hạnh của em gái út là Lê Lan Xuân trước mặt Lý Thần Tông. Lý Thần Tông càng nghe càng tò mò và đến đợt tuyển phi năm 1136 thì xuống chiếu đón Lê Lan Xuân vào cung, phong làm Phụng Thánh Phu Nhân. Phụng Thánh liền được rất mực sủng ái. Đó là điều nằm trong dự tính của Cảm Thánh.
Lý Thần Tông và Cảm Thánh Phu Nhân (Tranh minh họa) |
Với việc Lê Lan Xuân nhập cung, Cảm Thánh từ đây đã có hai mối quan hệ gắn bó, là hậu thuẫn quan trọng để Cảm Thánh tính toán đường đi nước bước tiếp theo, bởi trước khi Lê Lan Xuân vào cung, Cảm Thánh phát hiện mình đã mang thai.
Liên kết phi tần, thay ngôi thái tử
Tháng 4 năm 1136, Cảm Thánh hạ sinh Hoàng tử Lý Thiên Tộ. Cảm Thánh rất sung sướng nhưng cũng không khỏi lo lắng, vì con Cảm Thánh tuy là hoàng trưởng tử nhưng giờ đây kẻ kế thừa ngai vàng đã được xác định. Thế có nghĩa mẹ con Cảm Thánh đành phải xót xa nhìn ngôi vua tuột khỏi tay mình? Cảm Thánh không cam chịu như vậy và đã quyết tâm giành lại ngai vị cho con trai.
Việc Thiên Lộc được phong Thái tử là điều bất lợi đối với mẹ con Cảm Thánh. Nhưng thân phận của mẹ Thiên Lộc lại thấp hơn Cảm Thánh và Thiên Tộ dẫu sinh sau vẫn được công nhận là con trưởng. Đây là điều thuận lợi cơ bản của mẹ con Cảm Thánh.Cảm Thánh thuyết phục em gái Phụng Thánh và Phu Nhân Nhật Phong đứng về phía mình.
Hai vị Phu Nhân phần vì chưa có con, lại rất thân thiết với Cảm Thánh, phần vì lúc nào cũng canh cánh nỗi lo Lý Thần Tông qua đời đột ngột, e rằng nếu sau này Thần Tông không còn thì cuộc sống nhung lụa và thậm chí tính mạng của họ cũng khó được bảo toàn. Bởi vậy, Nhật Phong và Phụng Thánh đã vui vẻ đồng ý. Cả ba thống nhất sẽ lợi dụng sự sủng yêu của Lý Thần Tông để tác động dần dần, hòng khiến Thần Tông đổi ý mà lập Thiên Tộ.
Giữa lúc ba phu nhân đang ra sức tác động thì cuối thu năm 1137, Lý Thần Tông mắc trọng bệnh. Điều đáng nói là Lý Thần Tông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn chưa hề nghe lời ba phu nhân. Như thế, mưu kế từ từ tác động của ba phu nhân không thể thi hành nữa, mà bệnh tình của Thần Tông ngày thêm nguy kịch. Trước tình hình gấp gáp như vậy, Cảm Thánh sẽ làm gì?
Cảm Thánh cùng hai phu nhân tiếp tục bàn mưu tính kế. Họ biết rằng bên giường bệnh của Lý Thần Tông có một vị đại thần đang giữ chức Tham Tri Chính Sự là Từ Văn Thông luôn túc trực để sẵn sàng khởi thảo di chiếu. Họ đã hẹn gặp rồi dùng vàng bạc lung lạc Từ Văn Thông. Từ Văn Thông chấp nhận nghe theo lời dặn của ba phu nhân. Lời dặn ấy được chép lại trong sách “Đại Việt sử kí toàn thư” như sau: “Nếu có vâng mệnh vua thảo di chiếu thì chớ nên bỏ lời của ba Phu Nhân”, nghĩa là bảo Từ Văn Thông phải thay đổi di chiếu.
Được Từ Văn Thông nhận lời, Cảm Thánh kiên nhẫn chờ đợi. Sau một tháng mang bệnh, biết không qua khỏi, Lý Thần Tông hạ lệnh cho Từ Văn Thông viết di chiếu truyền ngôi cho Thái Tử Thiên Lộc. Nhớ lời ba phu nhân nhưng chưa đủ dũng khí làm chuyện cải đổi chiếu chỉ, Từ Văn Thông cứ dùng dằng không chịu viết. Từ Văn Thông sai người gấp thông báo cho ba phu nhân về sự khó xử của mình. Thế là kế hoạch mượn tay Từ Văn Thông làm chuyện phế lập sắp sửa thất bại. Cảm Thánh cùng hai phu nhân tức tốc hội ý và nhất trí rằng sẽ trực tiếp tác động vào ý chí Lý Thần Tông lần cuối cùng.
Cả ba đến bên Lý Thần Tông, sụt sùi khóc lóc kêu than: “Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con người nàng hầu yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con chúng tôi khỏi bị tai nạn thế nào được”.
Lý Thần Tông thấy ba người vợ yêu khóc lóc thương cảm thì cầm lòng không nổi, bao nhiêu sự sáng suốt tan biến hết, chỉ biết làm thỏa lòng họ nên đã u mê lệnh cho Từ Văn Thông viết di chiếu truyền ngôi cho Lý Thiên Tộ, giáng phong Lý Thiên Lộc làm Minh Đạo Vương.
Cảm Thánh, Phụng Thánh và Nhật Phong (Tranh minh họa) |
Di chiếu của Lý Thần Tông khiến nhóm người Cảm Thánh rất hả hê. Kế lớn liên kết phi tần, thay ngôi Thái Tử đã đạt thành. Cảm Thánh chỉ chờ ngày Lý Thần Tông tạ thế là có thể đội chiếc mũ Hoàng Thái Hậu. Nhưng con người nhiều thủ đoạn này vẫn tỉnh táo nhận ra rằng, sự tồn tại của mẹ con Thiên Lộc sẽ uy hiếp rất lớn đối với ngai vàng của Thiên Tộ. Vì thế, Cảm Thánh lại phải suy nghĩ tìm biện pháp đối phó với mẹ con Thiên Lộc, dứt khoát không để mối họa về sau…
(Mời xem tiếp số sau)