Bà Sáu Thia là một trong 73 cá nhân được tôn vinh tại cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” vừa khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
15 năm và hơn 2000 đứa trẻ được dạy bơi miễn phí
Lý do để khiến bà Sáu Thia trở thành “huấn luyện viên” dạy bơi cho tụi nhỏ rất đơn giản nhưng cũng rất đỗi tình người. “Miền Tây sông nước mênh mông, chằng chịt, nhưng tôi coi ti vi thấy chỉ có 35% trẻ em ở khu vực này biết bơi đúng cách và thấy nhiều trường hợp trẻ em chết đuối mà thương lắm. Nên tôi muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để chúng tự bảo vệ mình được chứ đâu vì chuyện tiền bạc” - bà Sáu Thia cho biết.
Nghĩ là làm, bà Sáu Thia quyết định mở lớp dạy bơi với hồ dã chiến dựng từ tre, sào trên các khúc sông cạn trên địa bàn xã. Hồ bơi của bà là những chiếc cọc tre đóng chặt xuống đáy sông, được bao lưới cẩn thận xung quanh, chiều ngang độ 4m, dài 8m và cao 2m. Lớp học bơi của bà Sáu diễn ra đều đặn hàng ngày trong 3 tháng hè, mỗi buổi học diễn ra 1,5 giờ và khóa học kéo dài trong khoảng 10-15 ngày.
Bà tận tình chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, quạt tay cho từng em. Bà Sáu khẳng định em nào học nhanh thì chỉ cần 5 ngày là biết bơi, chậm thì 10 ngày. Sau khi “tốt nghiệp” lớp học bơi của bà Sáu, các em đều vượt qua kỳ sát hạch của Trung tâm văn hóa thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận. 15 năm qua, bà Sáu Thia đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em vùng này. Trung bình mỗi năm bà dạy khoảng 8 lớp với khoảng 240 trẻ từ 7-15 tuổi.
Cao tuổi nên việc ngâm nước lâu mỗi ngày với bà Sáu Thia cũng không hề dễ dàng gì. “Ngâm mình dưới nước lâu, tối về xương khớp đau nhức lắm nhưng rồi nghĩ đến tụi nhỏ thì mọi cơn đau đều tan biến, chỉ mong trời mau sáng để được ra sông dạy tụi nó biết bơi”, bà cho biết.
Tài sản lớn nhất của người phụ nữ nghèo
Bà Sáu Thia quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Anh chị của bà đã hy sinh vì cách mạng, bản thân bà Sáu Thia từng làm giao liên trong những năm kháng chiến. Năm 1986, bà Sáu Thia đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười sinh sống với nghề đốn tràm thuê, cấy lúa, nhổ cỏ...
Thấy người phụ nữ nghèo nhưng siêng năng, nhiệt tình, năm 1992, bà Sáu Thia được xã vận động tham gia công tác Hội Phụ nữ ở ấp. Vì phụ cấp ít ỏi chỉ vài trăm ngàn mỗi tháng, nên bà Thia bắt đầu làm thêm việc lấy vé số về bán hàng ngày để có thêm thu nhập.
Bà Sáu Thia nghèo nhưng trẻ em tham gia khóa học được bà Sáu Thia dạy miễn phí. Ngoài khoản trợ cấp tiền xăng của xã, bà Sáu Thia không nhận học phí từ bất kỳ phụ huynh nào. Cùng với việc dạy bơi cho trẻ và công tác Hội Phụ nữ, bà Sáu Thia còn tham gia làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên dân số suốt nhiều năm qua. Với nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành xuất sắc và được người dân quý mến.
Kết thúc các khóa dạy bơi, bà Sáu Thia lại trở lại cuộc sống thường ngày, mưu sinh bằng nghề bán vé số thuê, làm thuê kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Bà Sáu Thia nghèo nhưng với bà tài sản lớn nhất là việc lũ trẻ biết bơi đàng hoàng, biết cách chống chọi với những con nước xiết mỗi khi lũ về và tương lai sẽ không còn những con số về những đứa trẻ thiệt mạng vì đuối nước xuất hiện trên ti vi nữa.