Sau 30 năm công tác ở thư viện huyện, bà đã nhen nhóm trong lòng một việc làm có ý nghĩa đó là khi về hưu sẽ lập một tủ sách để phục vụ cho nhu cầu đọc của con cháu trong dòng họ và người dân địa phương.
Niềm đam mê sách
Người đàn bà có dáng người nhỏ nhắn, hơi gầy với khuôn mặt rắn rỏi mà chúng tôi muốn nói đến đó là bà Hoàng Thị Mậu Tùng (SN 1950) ở làng Hà Đông xã Diễn Cát huyện Diễn Châu (Nghệ An).
|
Tủ sách dòng học của bà Tùng |
Trong câu chuyện về cuộc đời mình, xen lẫn với nỗi buồn và niềm vui trong cuộc sống, bà kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê sách của mình. Năm 1970 bà về làm ở thư viện huyện Yên Thành, lúc đó thư viện còn nghèo nàn lắm, hầu hết sách báo, tạp chí gần như không có. Nhưng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân thì ngày một nhiều. Sau nhiều đếm trăn trở bà quyết định tìm mượn ở bạn bè rồi đi mua thêm những cuốn sách hay, có ích để về góp vào thư viện.
Vì niềm đam mê sách của mình, nên cứ đi đâu hay đến nhà bạn bè, anh em chơi bà đều mua sách mang về, khi thì xin lại từ người quen. Với ý nghĩ là sau khi về nghỉ hưu tại quê nhà bà sẻ xây dựng một tủ sách dòng họ để cho con cháu học tập, tìm kiếm thông tin và để phục vụ người dân địa phương quan tâm đến việc sản xuất, chăn nuôi tìm hiểu.
Nói về tủ sách của dòng họ Hoàng Kiêm, ông Trần Bá Trân, chủ tịch UBND xã Diễn Cát cho biết: “ Việc thành lập tủ sách dòng họ như bà Tùng là một việc làm rất có ý nghĩa, nó không chỉ phục vu cho con cháu của dòng họ mà còn có ích trong việc tiềm kiếm thông tin tài liệu về mọi mặt của đời sống xã hội cho người dân trong xã. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để cho tủ sách của dòng họ Hoàng cũng như các dòng họ khác học tập làm theo”. |
Tháng 10/2005 bà về nghỉ hưu, và tủ sách dòng họ cũng bắt đầu được hình thành từ đó. Ban đầu là những quyển sách truyện, tạp chí, báo được con cháu trong dòng họ chuyển tay nhau đọc, sau đó là đến làng xóm. Thấy các cháu say sưa tìm đọc, có hôm qua bà mượn sách đọc cả buổi trưa khiến cho bà có thêm động lực để thành lập một tủ sách miễn phí với nhiều đầu sách báo hơn.
Và mong muốn thành lập một tủ sách lại được người mẹ đã già của bà là cụ Phạm Thị Loan (80 tuổi) nhiệt tình ủng hộ. Cứ vậy hai mẹ con bà hết đi sưu tầm sách từ anh em bạn bè, đến hàng xóm láng giềng về thành lập tử sách. Mới đây, trong khi đi đám cưới của người cháu mãi tận trong Tây Nguyên trở về, bà cũng không quên mang theo 5 quyển sách mà người thân mang tặng.
Theo di nguyện của cụ tổ cho con cháu sau này
Nhớ lại những ngày đầu thành lập tủ sách, bà cho biết: “May mắn là có sư động viên ủng hộ rất nhiều từ người mẹ khiến tôi có thêm động lực mà làm việc này. Vì gần như công việc này không có ai giúp đỡ gì về vật chất cả, mọi thứ như làm giá sách, mua bàn ghế cho mọi người ngồi đọc, rồi bút sách tất cả đều do tôi lo cả…
Cho tới bây giờ tủ sách cũng đi vào hoạt động được gần 2 năm rồi, với khoảng 4.000 cuốn sách ,báo, tạp chí các loại. trong đó có nhiều thể loại khác nhau như văn học, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa vùng miền, sách thiếu nhi…’’.
Còn bà cụ Loan thì cười móm mém cho hay: “ Từ đời cụ nội tôi là Tiến sỹ Hoàng Kiêm đã ham học và nghiên cứu sách rồi, nên tôi cũng rất ham đọc sách, thấy con gái có ý đình làm một việc có ý nghĩa như vậy vì con cháu dòng họ và người dân xóm làng nên tôi mừng lắm. Đó cũng là di nguyện mà cụ nội đã để lại đó là ở Nhà thờ Tổ phải có tủ sách, phải là nơi đọc sách cho con cháu trước tiên, sau đó là cho mọi người”.
Biết được việc làm có ý nghĩa của bà nên bạn bè, đồng nghiệp cũ cũng thương xuyên ủng hộ sách. Cùng với đó mỗi thành viên trong dòng họ đều tự nguyện đóng góp hoặc sách hoặc kinh phí để xây dựng tủ sách. Thấy mô hình hay và có ý nghĩa thiết thực nên nhiều cơ quan, đoàn thể và nhiều dòng họ đã tìm đến học tập để mong bà chia sẻ những kinh nghiệm của mình.
Nhân dịp tủ sách dòng họ Hoàng Kiêm ra mắt, Thư viện Tỉnh Nghệ An đã tặng tủ sách hơn 500 cuốn, thư viện huyện Diễn Châu tặng hơn 200 cuốn. Đó là niềm vui lớn đối với bà cũng như dòng họ Hoàng vì đã có tủ sách để phục vụ cho việc đọc là trước tiên của con cháu dòng họ.
Đức Chung