Mang “án tử” còn bị đồn tiếng xấu
Người phụ nữ đầy nghị lực ấy là chị Trần Thị Thu Mai (ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Gặp chị vào một buổi sáng khi chị đang tuyên truyền phòng, chống HIV/ADIS cho các bạn trẻ.
Nghe chúng tôi hỏi về mình, chị dừng công việc rồi nở một nụ cười tươi mở đầu câu chuyện: “Đời tôi đã từng nát nhàu vì bệnh tật, vì sự dị nghị của người đời. Nhưng giờ thì tôi hiểu mình còn nhiều thứ để lạc quan, phấn đấu nên mỗi ngày tôi đều cố gắng sống tốt để lo cho con cái”.
Ngồi trò chuyện, chị Mai cho biết, 9 năm trước chị bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chị tâm sự: “Ở vào hoàn cảnh ấy, một số người sẽ quay sang trả thù đời hoặc mặc cảm với những kỳ thị. Người bệnh chưa chết vì bệnh nhưng có thể chết vì bị người đời hắt hủi. Nhưng tôi nghĩ, chẳng lẽ cứ lẩn tránh mãi mà không dám đối mặt với hiện thực như thế. Tôi đã vượt qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời mà vươn lên”.
Quả thực, trò chuyện với chúng tôi, chị Mai không hề sợ hãi hay giấu giếm, cũng chẳng quan tâm người nghe tỏ thái độ như thế nào. Bởi đơn giản, chị đã quá quen với cảm xúc sợ hãi, bi quan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chồng chị Mai đã ra đi vĩnh viễn chỉ sau ngày phát hiện căn bệnh thế kỷ chừng một tháng. Nhớ về cái ngày khủng khiếp hơn 3 năm trước, chị kể:
“Chính tôi là người đã đưa anh ấy đi khám. Khi biết anh ấy bị nhiễm HIV thì tôi hiểu một bản án “tử hình” cũng đang treo lơ lửng trên đầu mình rồi. Dẫu chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng kết quả xét nghiệm dương tính HIV do lấy nhiễm từ anh ấy cũng khiến tôi gục ngã. Hàng xóm dị nghị, người đời kỳ thị, tôi như rơi xuống tận cùng tuyệt vọng”.
Nhớ lại quá khứ đầy buồn đau, chị Mai kể: “Hoàn cảnh vợ chồng tôi vốn không khá giả gì. Vì thương vợ con, anh ấy lặn lội vào tận TP.Hồ Chí Minh làm thợ hồ. Những đồng tiền kiếm được anh ấy đều gửi về hết để tôi lo lắng việc nhà. Không ngờ, chỉ một lần uống rượu say, mất tự chủ bản thân, anh ấy nghe theo lời bạn bè nên quan hệ tình dục với gái làng chơi và nhiễm bệnh. Mãi sau này khi có kết quả xét nghiệm, anh ấy mới quỳ xuống xin tôi tha thứ vì sự phản bội ấy. Tôi đã chết lặng, bởi lần duy nhất anh ấy quan hệ ngoài luồng đã mang về án tử cho cả hai”.
Ngày chồng từ giã cõi trần, mẹ chồng chị đau buồn đến nỗi lâm bệnh nặng. Nhìn cảnh gia đình phút chốc tan nát, chị đã định tự vẫn theo chồng. Nhưng nghĩ đến con thơ không ai chăm sóc, chị lại có động lực để tiếp tục sống.
“Nếu tôi gục ngã, cũng ra đi theo chồng thì con tôi ai nuôi, ai lo cho nó, nó bơ vơ lắm. Nghĩ đến đó nên tôi cố gắng sống để lo cho con cái được ngày nào hay ngày nấy”, chị Mai giãi bày.
Cuộc sống càng trở nên nặng nề, cay đắng, ngột ngạt hơn khi mẹ chồng chị Mai nhất quyết không chịu tin con trai bà lây nhiễm căn bệnh thế kỷ cho vợ. Ngày qua ngày, bà hết lời chửi rủa con dâu, cho rằng chính chị Mai mới đi ngoại tình rồi đổ bệnh cho chồng. Nghẹn lời trước sự thật phũ phàng, chị chỉ biết bám víu vào đứa con trai nhỏ, lấy đó làm động lực vươn lên.
Tự lau khô dòng nước mắt
Hành trình đi đến với niềm tin của chị Mai không hề đơn giản. Với những người dân chân lấm tay bùn nơi đây, một người phụ nữ mang căn bệnh thế kỷ sống giữa cộng đồng là điều không dễ chấp nhận. Không chịu được sự kỳ thị của bà con lối xóm, chị Mai đã tự nhốt mình trong bốn bức tường một thời gian dài, gặm nhấm nỗi đau, tìm mọi cách để quên đi sự thật.
Chị Mai tâm sự: “Mỗi lần tôi đến nhà hàng xóm uống nước, khi tôi đi khỏi thì họ đem đổ cả thùng nước đi. Khi tôi ngồi bên ai đó, họ đều tìm cách tránh xa. Biết tôi bị nhiễm HIV, nhiều người độc mồm độc miệng loan tin bảo tôi còn làm cho khối người đàn ông khác lãnh đạn theo. Nhưng tôi đều bỏ ngoài tai, vì tôi nghĩ một người biết suy nghĩ thì không thể làm cái chuyện thất đức đó được.
Nói rồi, chị bảo: “Nếu mình nhẫn tâm truyền cho họ, họ sẽ lây cho vợ, cho con. Những phụ nữ vô tội trở nên bất hạnh, những đứa trẻ vô tội sẽ không nơi nương tựa. Lúc ấy, mình chết đi cũng còn mang tội. Tôi đã phải chịu quá nhiều đau đớn, tôi sẽ không làm cho người khác phải chịu đau đớn như mình nữa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày gia đình phát hiện mẹ ruột chị Mai bệnh ung thư, chị càng thêm phần vất vả khi mỗi tháng phải đưa bà vào TP.Hồ Chí Minh tái khám. Những lần bà phẫu thuật, chị phải ở tại bệnh viện tới hai tháng để chăm sóc. Chị bảo ở đó chẳng ai biết chị bị nhiễm HIV. Lúc nào trước mặt mẹ, chị cũng phải tươi cười để bà an tâm. Ngoài chăm lo cho mẹ, chị còn giúp những người bệnh khác nằm cùng phòng những công việc nhỏ nhặt hàng ngày.
Rồi trong những ngày chăm sóc mẹ tại bệnh viện, chị Mai đã được tiếp xúc với nhiều người. Chính tại đây, chị thấy được ánh sáng cho cuộc sống của mình, những con người đang đối diện với cái chết bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn đầy niềm tin, hy vọng và sự lạc quan về tương lai.
Chính vì thế khi quay về Phú Yên, chị đã mạnh dạn tìm tới Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên để kể lại câu chuyện về cuộc đời mình tại Hội thảo chuyên đề Đại biểu Hội đồng nhân dân với công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên.
Câu chuyện của chị Mai đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Ở đó, chị đã may mắn và kết bạn với chị Phạm Thị Huệ. Được nghe chị Huệ kể về cuộc đời, về những cống hiến cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, chị Mai cũng ước sao mình có thể làm một việc nhỏ nhoi để giúp người bị nhiễm HIV/AIDS vượt qua những tháng ngày đau khổ và xóa bỏ sự kỳ thị như thế. Và, ngay sau đó, chị xin làm một đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Hằng ngày, chị Mai len lỏi, tiếp cận các nhà nghỉ, khách sạn hay các tụ điểm “nhạy cảm” để làm quen, giao lưu với các chị em bán dâm nhằm tư vấn, hướng dẫn cho họ cách sử dụng bao cao su và các vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ; thực hiện hành vi tình dục an toàn phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Và, bằng chính câu chuyện xúc động của mình, chị Mai đã thành công trong tư vấn nhiều trường hợp.
Chị cho biết: “Tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Mỗi người một thái độ, người xa lánh, người e dè, có người lại bất cần… Nhưng sau một thời gian, người ta hiểu được thì tôi lại thấy vui vì mình đã làm được những điều có ý nghĩa. Tôi còn nhớ rất rõ, có trường hợp từng uống thuốc tự tử vì hoàn cảnh bất hạnh nhưng may mắn thoát chết. Sau đó, nhờ sự động viên, thăm nom của tôi mà người phụ nữ này đã giảm bớt mặc cảm và chọn việc làm phù hợp để sống có ý nghĩa”.
Từ ngày tham gia công việc tuyên truyền này, chị Mai đọc nhiều tài liệu hơn để hiểu biết thêm về HIV/AIDS. Chị cũng luôn có mặt trên các diễn đàn, các cuộc thi phòng, chống HIV/AIDS trong và ngoài tỉnh. Những câu chuyện tâm tình của chị khiến những người trong cuộc hiểu và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Chị Lê Thị Minh Chính - nhân viên tiếp nhận cộng đồng Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chị Mai là người phụ nữ có nghị lực, luôn vì mọi người, vì xã hội. Chị đã giúp những người chưa mắc bệnh biết cách phòng, tránh. Chị đã cống hiến hết mình, đúng trách nhiệm của một đồng đẳng viên nên mọi người trong nhóm hết sức yêu quý và trân trọng chị. Mong mọi người ủng hộ chị Mai trên mọi bước đường phòng, chống căn bệnh thế kỷ này”.
Bây giờ, ngoài công việc tuyên truyền phòng chống HIV, chị Mai vẫn tất bật với vài sào ruộng, vài sào rẫy, khi hết công việc, với chiếc xe đạp cà tàng, chị đi khắp nơi tìm mua phế liệu để dành dụm đồng tiền ít ỏi lo cho bản thân và đứa con nhỏ năm nay đang học lớp 6. Câu chuyện về cuộc đời chị, về những việc chị làm vì cộng đồng khiến nhiều người nể phục.