Thế nào là người phụ nữ thời đại mới?
Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định theo các tiêu chí của con người Việt Nam trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII là có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Mới đây, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, đại diện Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) cho rằng, tiêu chí đối với “người phụ nữ thời đại mới” sẽ không chỉ là học thức, kinh nghiệm mà còn là sự chủ động, khả năng nắm giữ - điều khiển - sử dụng công nghệ trong cuộc sống.
Theo bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light thì bối cảnh toàn cầu nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến toàn cảnh xã hội cũng như tác động đến từng quốc gia, từng gia đình và từng cá thể trong xã hội, trong đó có người phụ nữ. Công nghệ 4.0 đã đi vào từng ngõ ngách đời sống con người, từ việc cung cấp thông tin, ứng dụng vào vận hành – điều khiển các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho cuộc sống hàng ngày trong công việc, trong gia đình và kể cả giao tiếp giữa các cá nhân với nhau. Theo đánh giá, Việt Nam là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025. Theo Statista, tỷ lệ sở hữu smartphone có thể xem như một chỉ số để đo lường mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia; Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới với tỷ lệ là 63,1% người dùng.
Do vậy, theo bà Nguyễn Thu Giang, nội hàm “người phụ nữ thời đại mới” trong thời đại CN4.0 sẽ cần phải linh hoạt hơn, năng động hơn để có thể nắm giữ được công nghệ, lấy công nghệ là phương tiện phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình trong giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như gắn kết gia đình, giao tiếp – giao lưu – kết nối trong gia đình, trong cộng đồng và trong môi trường quốc tế.
“Chúng tôi nhận thấy khát khao được tiếp cận, làm chủ công nghệ của họ, những phụ nữ yếu thế chưa bao giờ giảm sút, tuy nhiên để có thể tiếp cận được công nghệ 4.0 thì phụ nữ yếu thế gặp rất nhiều rào cản mà trong đó vấn đề bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới cũng như vấn đề nghèo đã làm phụ nữ Việt Nam thời đại công nghệ 4.0 bị hạn chế rất nhiều”, bà Nguyễn Thu Giang nói.
Do đó, việc “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cần được coi như là đầu tư cho nhóm đối tượng đặc biệt, đảm bảo tính bền vững của một quốc gia, nhất là đối với các nhóm nữ yếu thế. Do vậy khi thiết kế, xây dựng chương trình, tiêu chí cần có các mục đích, mục tiêu, các chỉ số cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng cũng như bố trí ngân sách phù hợp đầu tư cho nhóm này để đảm bảo các bước vững chắc cho nữ yếu thế tiếp cận, nắm giữ và làm chủ công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, từ đó góp phần thoát nghèo, tham gia sâu rộng hơn các vấn đề xã hội cũng như góp phần gia đình hạnh phúc và sự phát triển của con cái, thế hệ tương lai của một quốc gia.
Khi phụ nữ phát huy khả năng nắm giữ công nghệ
Là một trong những công trình chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, sản phẩm “Tour tham quan ảo 360 độ trên nền tảng công nghệ số” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã cho thấy khả năng vô tận của phụ nữ trong việc nắm giữ và làm chủ công nghệ trong thời đại công nghệ 4.0.
Nhiệm kỳ 2022 - 2027 Hội LHPN Việt Nam thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. |
Còn nhớ, cuối năm 2021, khi bà Cristina Romila mới nhậm chức Đại sứ Rumani tại Việt Nam đến thăm Bảo tàng Phụ nữ, bà đã nhấn mạnh: “Hãy tự hào về những di sản văn hóa và lịch sử về phụ nữ Việt Nam mà Bảo tàng đang nắm giữ”. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, bà cùng phu quân đã lựa chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên với mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Hai vợ chồng Đại sứ cũng rất ấn tượng với lịch sử đấu tranh Cách mạng của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua phong trào Ba đảm đang. Không chỉ dừng lại với ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam can trường, bà Đại sứ còn tỏ ra thích thú với bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ thông qua những kĩ thuật tạo hoa văn trên vải và những món đồ trang sức cầu kì của phụ nữ các dân tộc trên phần trưng bày Thời trang nữ.
Ý thức được mình đang có trong tay một “tài nguyên” vô giá cũng như nhằm tháo gỡ những khó khăn khi du lịch bị “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, sau hơn một năm nghiên cứu và đầu tư xây dựng, ngày 1/10/2021, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã chính thức cho ra đời sản phẩm “Tour tham quan ảo 360 độ trên nền tảng công nghệ số”. Đây là nỗ lực nhằm đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng khi không thể tham quan trực tiếp tại Bảo tàng do diễn biến phức tạp của đại dịch. Sản phẩm được tích hợp nhiều phần công nghệ khác nhau tạo thành một chuỗi tương tác, trải nghiệm đa giác quan để tìm hiểu nhiều cấp độ thông tin cho các đối tượng khách tham quan khác nhau bao gồm các nội dung: Tour ảo 360 độ dựng lại toàn bộ ba chủ đề trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Phụ nữ trong Gia đình, Phụ nữ trong Lịch sử, Thời trang nữ với những thông tin đa dạng đến các bộ ảnh hiện vật chuyên sâu...
Không gian 3D các tầng trưng bày giúp cho khách tham quan hình dung được tổng thể hệ thống trưng bày của Bảo tàng; Thuyết minh tự động 57 cụm hiện vật được thể hiện trên nền âm nhạc truyền thống; Bộ câu hỏi tương tác trực tuyến dành cho hội viên phụ nữ và dành học sinh với các độ tuổi khác nhau. Khách tham quan sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ipad có kết nối internet để truy cập và tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Chỉ bằng các thao tác như click chuột hoặc di chuyển ngón tay trên màn hình điện thoại, mọi điểm tham quan sẽ hiện ra trước mắt. Tour tham quan ảo 360 độ hoàn thiện 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp để có thể quảng bá giới thiệu bảo tàng cũng như về văn hóa, lịch sử của phụ nữ Việt Nam đến với công chúng quốc tế.
Được biết, từ tháng 10/2021 đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu Tour tham quan 360 độ đến các đối tượng là hội viên phụ nữ, nữ công, học sinh. Sản phẩm nhận được sự tương tác và phản hồi tích cực từ công chúng với 46.586 lượt trải nghiệm.
“Chúng tôi thật sự cần những sản phẩm chất lượng và ý nghĩa như thế này để đổi mới nội dung, hình thức và đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền trong các hoạt động của công đoàn Điện lực Việt Nam, giúp cán bộ, công nhân viên nữ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cao kiến thức, hiểu biết lịch sử, di sản văn hóa phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại” - chị Nguyễn Kim Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ.
“Lần đầu tiên con được trải nghiệm Tour tham quan bảo tàng, con thấy rất hứng thú. Ban đầu con nghĩ là khó vì con chưa quen sử dụng công nghệ nhưng hóa ra thao tác rất đơn giản. Con có thêm được nhiều thông tin về văn hóa của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện về chiếc mũ rơm ở tầng 3 là ấn tượng nhất đối với con” - em Bùi Khánh Duy, học sinh lớp 7K2 Trường THCS Trưng Vương cho biết.
Hội LHPN Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII vào tháng 3/2022, đây sẽ là động lực để phụ nữ Việt Nam, bao gồm phụ nữ yếu thế vượt lên khó khăn, rào cản để tiếp cận, làm chủ công nghệ 4.0 để trở thành “người phụ nữ thời đại mới” với sự đồng lòng, trợ giúp của các cơ quan ban, ngành và đặc biệt là hệ thống Hội phụ nữ trải từ Trung ương đến cơ sở thôn xóm.