“Người rừng” ven phố

(PLO) - Cách TP.Vinh chưa đầy 10km nhưng vợ chồng ông Lê Viết Đức (80 tuổi, ngụ xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An) sống như... trong rừng, ở biệt lập giữa một cánh đồng, không điện, không nước. Bi hài ở chỗ là nhà “người rừng” nghèo xơ xác nhưng kẻ trộm dăm bữa nửa tháng lại ghé thăm, tưởng ông lão vốn con nhà địa chủ, có lẽ chôn giấu nhiều vàng nên mới sống tách biệt.
Vợ chồng ông Đức
Vợ chồng ông Đức
“Ốc đảo” giữa cánh đồng
Ai đi ngang cánh đồng xóm 8 (xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng tò mò vì giữa đồng lại có một lùm cây um tùm. Nhưng ít người biết đó là nơi trú ngụ của gia đình ông Lê Viết Đức (80 tuổi) trong hơn 40 năm qua. Lùm cây nằm chơ vơ giữa cánh đồng trũng, cách đường tránh TP.Vinh khoảng 100m.
Cách duy nhất để vào “ốc đảo” là đi men theo bờ ruộng bé xíu. Chỉ khi chui hẳn vào rặng tre mới thấy một ngôi nhà xiêu vẹo, ẩm thấp, nền đất, bốn phía che chắn bằng phên tre cũ nát. Mỗi khi gió lùa, những chiếc lá khô xung quanh lại bay lả tả vào nhà.
Thấy có khách, bà Trần Thị Quy (57 tuổi, vợ ông Đức) ngạc nhiên chạy ra. Trong nhà tối om vì không có điện. Ông Đức già yếu nằm bẹp trên chiếc giường cũ kĩ, thỉnh thoảng lại rên vì lạnh. Hàng trăm vật dụng lỉnh kỉnh nằm ngổn ngang, không có thứ gì đáng giá. Đồ dùng gia đình đều thô sơ. Bà Quy tâm sự, nhà dột nên trời mưa là đồ đạc trong nhà ướt hết. Cánh đồng lại trũng, mưa liên tục vài ngày lại ngập lụt, nhà bà bị tách biệt hoàn toàn, có lần bị cô lập cả một tuần lễ.
Bà Quy là con đầu trong gia đình 5 chị em ở xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên). Chậm lập gia đình, đến năm 37 tuổi (cách đây 20 năm), bà mới về làm vợ ông Đức qua mai mối.
“Ngày đó có mấy người cùng làng tôi đi bắn chim ở khu vườn của ông Đức. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của ông ấy nên họ làm mối với tôi để có người bầu bạn. Lúc đầu gia đình tôi phản đối quyết liệt, sợ tôi khổ khi phải sống giữa cánh đồng hoang vắng. Tuy nhiên khi nhìn hoàn cảnh ông ấy, tôi thấy thương cảm nên bất chấp sự phản đối của mọi người, quyết định kết hôn.
Trước đó tôi cũng có nhiều người điều kiện tốt hơn đến hỏi cưới nhưng tôi không đồng ý, định ở vậy vì đã nhiều tuổi. Không hiểu sao khi gặp ông Đức tôi lại thay đổi. Lúc đó ông ấy đã 60 tuổi, hoàn cảnh lại nghèo khó. Ai cũng bảo tôi bị điên. Nhiều người còn đồn đoán ông Đức có vàng bạc, châu báu chôn cất nên tôi mới lấy ông ấy. Thực ra ông ấy đâu có gì”, bà Quy bộc bạch.
Ngày cưới vợ chồng bà chỉ làm vài mâm cơm mời họ hàng. Từ nhà bà đến nhà chồng cách khoảng 3km, phải rước dâu bằng thuyền. Hai người cũng không có giấy đăng kí kết hôn, giấy chứng nhận sử dụng đất hay sổ hộ khẩu.
“Người rừng” thạo tiếng Pháp
Bà Quy tâm sự, mới đầu về đây sống cùng ông Đức cũng sợ lắm. Xung quanh tối tăm không một bóng người. Tối đến bà không dám ra khỏi nhà vì sợ. Vợ chồng bà Quy sống không có điện, không có nước... Mỗi ngày, ít nhất một lần, người đàn bà khắc khổ tìm đến ngôi đền gần nhà để xin nước và nến về thắp. Có hôm còn được những người đi lễ cho chút “lộc” như bánh kẹo, hoa quả hay vài ba ngàn đồng.
 Do sống biệt lập nên gia đình bà không có hàng xóm láng giềng. Thường ngày cũng không có ai qua lại. Họ hàng bà Quy thỉnh thoảng mới đến thăm.
Ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cây um tùm.
Ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cây um tùm.
Người dân xung quanh cho biết, họ ngại đến nhà ông Đức “người rừng”, một phần vì nhìn khu vườn âm u “thấy sợ”, một phần do vợ chồng ông không thích giao lưu với mọi người, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong khu vườn.
Vợ chồng bà có một người con gái sinh năm 1997. Cô gái học đến lớp 10 phải nghỉ học đi làm thuê ở TP.Vinh, mỗi tuần về thăm bố mẹ một lần. “Con bé chẳng bao giờ dám mời bạn bè về nhà chơi vì xấu hổ. Nó nhiều lần bàn với bố mẹ chuyển lên làng sống. Thương con tôi cũng muốn chuyển nhưng chồng tôi không chịu, hơn nữa hoàn cảnh kinh tế cũng không có phép”, bà Quy buồn rầu tâm sự.
Trước đây, gia đình bà toàn lấy nước sông gần nhà về ăn uống, sinh hoạt. Khi con gái đi làm thuê trên thành phố về khuyên bố mẹ đừng ăn nước sông mất vệ sinh, từ đó bà mới đến đền xin nước về dùng.
Bà không biết vì sao chồng mình lại chọn cuộc sống biệt lập như vậy, không biết quê chồng ở đâu, chỉ nghe ông kể ngày xưa gia đình ông là địa chủ giàu có. Ông Đức là con út trong số tám anh em nên được bố mẹ cưng chiều, cho đi học đàng hoàng. Ông học giỏi và nói thạo tiếng Pháp.
Khoảng 40 năm trước, bố mẹ ông qua đời, ông và chị gái dắt nhau ra cánh đồng này sinh sống. Một thời gian sau, người chị qua đời, từ đó ông sống cô đơn cho đến khi lấy bà Quy. Hiện ông Đức chỉ còn một người anh trai và chị gái ở tận Hà Nội, nhưng hoàn cảnh cũng nghèo khó.
Lần sửa nhà cách đây hai năm, ông Đức ngã từ mái nhà xuống gãy tay. Không có tiền chữa trị, bàn tay ông từ đó mang tật với các ngón tay quắp lại bất động. Hiện ông đã giàu yếu, kém minh mẫn, suốt ngày nằm trên giường. Tất cả sinh hoạt cá nhân đều nhờ người vợ giúp đỡ. Cũng từ khi chồng ốm yếu, một mình bà Quy phải cáng đáng việc gieo cấy 3 sào ruộng và những công việc khác.
Nghèo xơ xác còn bị trộm “ghé” thường xuyên
Hầu như bà Quy không đi chợ do chợ cách xa khoảng 7km, và cũng do không có tiền. Người con gái hàng tuần lại mua thức ăn về cho bố mẹ. Hết thức ăn, ông bà lại ăn cơm với muối hay nước mắm. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của vợ chồng “người rừng” là thường bị trộm “viếng thăm”. Bà Quy kể: “Kẻ trộm bảo chồng tôi trước đây là con cháu địa chủ, chắc có nhiều vàng bạc cất giấu, ngang nhiên vào nhà lục lọi đồ đạc. Có lần vợ chồng tôi chắt chiu mãi được hơn 200 ngàn đồng cũng bị lấy mất. Tôi nuôi được mấy con gà bọn trộm cũng bắt luôn. Vợ chồng tôi già cả, xung quanh lại chẳng có ai nên họ chẳng sợ, lâu lâu lại kéo đến. Hầu hết là người nghiện. Gia đình tôi nghèo khổ lấy đâu ra vàng bạc mà cất giấu?”.
Gia cảnh nghèo xác xơ nhưng vẫn bị trộm thường xuyên “thăm viếng”
 Gia cảnh nghèo xác xơ nhưng vẫn bị trộm thường xuyên “thăm viếng” 
Hỏi ông Đức tại sao lại ra sống giữa đồng hoang, không về làng cho vui, ông cười: “Làng xa lắm, không đi được đâu”. Bà Quy thì nói: Thương chồng nên mới sống ở đây. Khi nào ông nhắm mắt xuôi tay, hai mẹ con sẽ chuyển lên làng sống với họ hàng.
Ông Trịnh Quốc Khế, Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi cho biết, ông Đức từng định cư ở TP.Vinh trước khi chuyển đến sinh sống tại đây. Xã nhiều lần mời ông Đức đến làm thủ tục nhập hộ tịch, hộ khẩu nhưng ông không đến nên cũng đành “bó tay”. Gia đình ông hoàn cảnh khó khăn, chính quyền xã thường xuyên đến thăm hỏi giúp đỡ./.

Đọc thêm