Mùa thi đại học năm 2012, câu chuyện về cậu học trò nghèo xứ Nghệ đạp xe hơn 300 km với 30 ngàn đồng mua bánh mì "cầm hơi "đi thi đã khiến nhiều người rơi nước mắt thán phục. Tiếc rằng khi đã được đặc cách vào thẳng trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, cậu sinh viên lại phát bệnh tâm thần phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân hoang tưởng bị nhốt trong phòng kín
Lau vội giọt nước mắt, chị Ngô Thị Tuệ (SN 1969, mẹ của học trò Ngô Văn Thuận, SN 1994, ở xóm 8, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) tâm sự: “Sau khi nhập học được hơn một tuần, Thuận bỗng nhiên phát bệnh. Mọi người đã đưa vào khoa thần kinh của Bệnh viện 103 để chữa trị. Từ nhỏ đến lớn con trai tôi rất khỏe mạnh, không có tiền sử về bệnh thần kinh, không hiểu tại sao giờ nó lại ra nông nỗi như vậy”?
|
Ngô Văn Thuận đang được điều trị tâm thần tại Bệnh viện 103 Hà Nội |
Người mẹ kể: “Bác sĩ nói thằng bé thường tìm cách bỏ trốn nên họ mới phải nhốt lại. Cứ mở cửa phòng là nó bỏ chạy, có lần còn định leo ra khỏi cổng bệnh viện trốn. Các bác sĩ và y tá đã phải rất vất vả để bắt lại.
Tôi hỏi con vì sao lại bỏ trốn, nó chỉ bảo: “Con thấy cửa phòng mở nên đột nhiên muốn về nhà”, vì vậy nó cứ thản nhiên lấy quần áo mặc vào rồi đi, chứ nó không biết làm thế là không đúng với quy định của bệnh viện”.
Chị Tuệ thở dài: “Thấy con bị nhốt trong căn phòng nhỏ hẹp mà lòng tôi đau như cắt, khi nào đi vệ sinh người ta mới mở cửa cho ra, đến giờ ăn cơm lại có người đưa cơm đến mang tận vào phòng. Thằng bé cứ ngồi lặng lẽ trong phòng kín, chẳng có ai chuyện trò, rất tội nghiệp”.
Người mẹ vừa khóc vừa kể tiếp, khi bị bắt lại, Thuận đã bị trói nằm cố định trên giường. Ở bệnh viện cậu rất hiền lành, chẳng bao giờ la hét hay đập phá như nhiều bệnh nhân khác, khi bị bắt trói cũng chỉ ngoan ngoãn nằm im không hề chống cự.
Sau khi vào viện, Thuận bị thu điện thoại nên hiện nay mỗi lần muốn liên lạc về nhà lại phải mượn điện thoại của những người xung quanh gọi nhờ. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bố mẹ Thuận bắt xe ra Hà Nội xin bệnh viện cho con trai về quê ăn tết nhưng không được vì bệnh chưa khỏi.
Nhìn khuôn mặt rầu rĩ của con, vợ chồng vừa thương vừa buồn nhưng đành nuốt nước mắt để con ở lại. “Nó muốn về nhà lắm nhưng không được. Thấy bố mẹ vất vả ngược xuôi xin đón nó về không được, nó thương bố mẹ quá lại bảo “không cần xin nữa, con sẽ ở lại cố gắng uống thuốc nhanh khỏi bệnh để sớm được ra viện”.
Lâu lắm rồi gia đình vẫn chưa ra thăm được con lần nữa vì không có tiền. Cách đây nửa tháng, hai vợ chồng định bán con bê lấy tiền ra Hà Nội xin bệnh viện đưa Thuận về chăm sóc, nhưng không may con bê lại nhiễm bệnh chết, thành ra vừa mất của lại vừa chưa thực hiện được ý định thăm con.
Thà mò cua bắt ốc, quyết không xin tiền ai
Mẹ Thuận kể nhà nghèo có hai con trai, Thuận rất có hiếu, lúc nào cũng nuôi ước mơ sau này đỗ đạt thành tài giúp đỡ gia đình để bố mẹ bớt khổ. Tuy thiếu thốn sách vở và các phương tiện học tập nhưng từ nhỏ Thuận học rất giỏi, năm nào cũng đạt học lực khá giỏi, được bạn bè và thầy cô quý mến.
Theo lời người mẹ, từ nhỏ Thuận sống rất tự lập và giàu lòng tự trọng, không bao giờ muốn dựa dẫm vào ai hay nhận sự thương hại từ mọi người. Năm Thuận học lớp 10, thấy trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhưng cậu học sinh không có áo ấm mặc, cô giáo chủ nhiệm đã mua cho Thuận một chiếc áo ấm nhưng cậu nhất định từ chối vì không muốn mọi người nhìn em với ánh mắt thương hại.
Người mẹ nghèo cho biết thêm, mỗi khi cần mua sách vở hay dụng cụ học tập Thuận tự mình kiếm tiền bằng cách đi mò của bắt ốc bán, không bao giờ xin tiền mẹ.
Nhớ lại việc con trai một mình đạp xe ra Hà Nội đi thi, mẹ Thuận cho biết: Hoàn cảnh gia đình vốn rất khó khăn nhưng thấy con hiếu học nên vợ chồng chị đều vui mừng động viên con cố gắng.
Đúng thời điểm sắp đến ngày thi, tiền bạc trong nhà đều cạn kiệt, vợ chồng quyết định đi vay mượn anh em láng giềng để đưa Thuận đi thi đại học, nhưng cậu con trai lại áy náy. Trưa 26/6/2012, Thuận giấu bố mẹ xếp quần áo cùng với sách vở ôn thi, sang nhà bạn mượn xe đạp và tự ý đạp xe ra Hà Nội, trong túi có vẻn vẹn 30 ngàn đồng.
Không biết đường. Ra đến quốc lộ, Thuận cứ nhìn theo cột mốc để xác định phương hướng. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lí là sẽ rất vất vả nhưng cậu học trò nghèo vẫn không ngờ quãng đường hơn 300km từ Nghệ An ra Hà Nội lại xa đến thế.
Dưới cái nắng gay gắt giữa hè, Thuận gần như kiệt sức, vừa đạp xe vừa khóc, có những lúc nản chí định bỏ cuộc quay về nhưng khao khát được học đại học lại tiếp thêm sức mạnh. Cậu vẫn miệt mài guồng chân đạp xe, lúc nào đói lắm chỉ dám mua một ổ bánh mì lót dạ, lúc khát thì ghé nhà một người dân nào đó xin nước uống.
Mẹ Thuận cho biết: “Vợ chồng tôi khi đó không biết con đi đâu, đợi mãi cũng không thấy nó về, điện thoại không liên lạc được, tìm khắp nơi không thấy, hỏi bạn bè nó cũng không biết. Đến tận trưa hôm sau mới thấy nó gọi về thông báo: “Con đã ra đến Hà Nội, bố mẹ đừng lo lắng”.
|
Mẹ của Thuận bùi ngùi tâm sự về bệnh tình của con trai |
Chúng tôi đều nghĩ nó mượn được tiền của bạn rồi bắt ô tô ra, cho đến khi một người làng đưa bài báo viết về thí sinh đạp xe hơn 300 km đi thi mới biết nó đi xe đạp. Mọi người đều khóc quá, càng nghĩ càng thương thằng bé”.
Từ ngày Thuận nhập viện hai vợ chồng chị Tuệ phải thay nhau ra Hà Nội chăm sóc con. Tâm sự với gia đình, cậu học trò nói bản thân cũng không hiểu nổi lý do mình bỏ trốn khỏi trường, chỉ thấy muốn được về nhà. Trước đó ngoại trừ việc thường bị mệt mỏi về đêm, toàn thân run lẩy bẩy không rõ lý do, mọi sinh hoạt khác của Thuận đều bình thường.
Gia đình cho biết năm học lớp 12 thỉnh thoảng cậu cũng bị run rẩy như vậy, tình trạng này một phần rất có thể do căng thẳng từ áp lực thi cử gây ra. Giấc mơ đại học cháy bỏng của cậu học trò nổi tiếng xứ Nghệ đã bị gián đoạn. Chưa biết lúc nào Thuận mới có thể xuất viện để trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục đến trường.
Theo Xa lộ pháp luật