Người thân rơi nước mắt khi cầm chiếc bút khắc tên của liệt sĩ

Sau nhiều năm tìm kiếm vô vọng, ông Thuận rơi nước mắt khi nhận tin đã quy tập được hài cốt anh trai cùng chiếc bút máy di vật.
Người thân rơi nước mắt khi cầm chiếc bút khắc tên của liệt sĩ

Chiều 26/9, ông Nguyễn Văn Thuận (63 tuổi, trú xã Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh), có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh (Quảng Trị) để thắp nén nhang cho anh trai đầu, liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng.

Đi cùng ông Thuận là sáu thành viên trong gia đình. "Nhiều thân nhân khác, do lớn tuổi hoặc sức khoẻ không đảm bảo nên phải ở nhà dù rất nóng lòng", ông Thuận nói và cho hay cả đêm hôm qua thao thức không ngủ, mong trời sáng để vào Quảng Trị.

Chuẩn bị hành trang vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, ông không quên mang theo chút quà quê gồm rượu trắng, chai nước giếng quê cha đất tổ. Vào đến nơi, ông phân công các cháu đi chợ, mua thêm ít đồ cúng anh trai.

Ông Nguyễn Văn Thuận, em trai liệt sĩ Hưng rơi nước mắt khi tìm thấy liệt sĩ anh trai. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Nguyễn Văn Thuậnrơi nước mắt khi tìm thấy hài cốt anh trai. Ảnh: Hoàng Táo

Vào đến khuôn viên nghĩa trang, đôi mắt ông Thuận đỏ hoe vì xúc động, bàn tay run run khi thành kính dâng hương lên anh trai cùng 37 đồng đội khác vừa được quy tập về đây.

Trước đó ngày 24/9, gia đình ông Thuận nhận tin, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, vừa tìm thấy một hài cốt liệt sĩ có di vật kèm theo là chiếc bút máy hiệu Hồng Hà, khắc tên “Nguyễn Văn Hưng”, “Lê Thị Thể”, và “Mỹ Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh”.

Qua xác minh, đối chiếu hồ sơ lưu, nhà chức trách xác định đây chính là hài cốt của anh trai ông Thuận, liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng. 

Khu vực phát hiện hài cốt là xã Gio Bình, huyện Gio Linh, trước đây thuộc khu vực Hàng rào điện tử MacNamara.

Chiếc bút có khắc tên hai vợ chồng giúp xác định thân nhân cho liệt sĩ.Ảnh:Hoàng Táo

Chiếc bút có khắc tên hai vợ chồng giúp xác định thân nhân cho liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Thuận kể, liệt sĩ Hưng là anh trai đầu trong gia đình bốn anh chị em. Năm 1965, anh Hưng lên đường nhập ngũ. Lúc này, người con gái anh yêu là Lê Thị Thể đã tặng chiếc bút Hồng Hà làm kỷ vật. Ông Thuận nói có thể khi ra chiến trường, liệt sĩ Hưng đã khắc hai dòng tên này, kèm quê nhà.

Ba năm sau ngày nhập ngũ, gia đình làm lễ cưới cho cặp đôi Hưng – Thể, nhưng vắng mặt chú rể. Trước ngày tổ chức lễ cưới, chị Thể đã chuyển đến ở tại nhà chồng. Một năm sau, người vợ trẻ nhận tin chồng mất tại chiến trường Quảng Trị. Sau này, gia đình nhận giấy báo tử, ghi ngày hy sinh là 13/9/1968, tại xã Gio An (cũ), Gio Linh.

Bốn năm sau ngày mất của liệt sĩ Hưng, được sự động viên của gia đình chồng, chị Lê Thị Thể mới tái giá. Bà Thể nay đã 70 tuổi, hiện vẫn ở xã Mỹ Lộc (Hà Tĩnh).

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Thuận góp nhặt thông tin từ các đồng đội để tìm anh trai. Ông nói 10 năm qua, cứ dịp 30/4 lại vào đất Quảng Trị, tìm đến xã Gio An, Gio Bình và khu vực Dốc Miếu nhưng vô vọng. “Cả nhà chỉ biết thắp hương bái vọng rồi về”, ông Thuận nói. 

Gia đình ông Thuận có nguyện vọng đón liệt sĩ Hưng về quê an táng. Ảnh:Hoàng Táo

Gia đình ông Thuận có nguyện vọng đón liệt sĩ Hưng về quê an táng. Ảnh: Hoàng Táo

Sau đúng 50 năm, cầm trên tay chiếc bút khắc tên, kỷ vật của anh trai, ông Thuận tay run run, nước mắt trào ra. 

Nửa thế kỷ nằm dưới lòng đất, nét chữ khắc trên bút vẫn còn rất rõ, cạnh đó là một số di vật khác như ví da, tờ tiền giấy “Một đồng” đã rách làm hai, kim chỉ, huy hiệu sao vàng...

Gia đình ông Thuận đã làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, cung cấp giấy tờ và bày tỏ nguyện vọng đón liệt sĩ Hưng về quê an táng. Nhà chức trách Quảng Trị đồng ý với nguyện vọng này. Tuy nhiên, liệt sĩ Hưng vẫn đang quàn tại nhà chờ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, chờ làm lễ truy điệu trọng thể rồi mới đưa về quê.

Ngày 11/9, Đội 584 bắt đầu tìm kiếm tại khu vực đất đỏ trồng cao su ở thôn Xuân Mai, xã Gio Bình. Đến nay, Đội tìm được 38 hài cốt liệt sĩ. Trong đó, một hài cốt có tên tuổi kèm quê quán, một hài cốt khác có tên nhưng không quê quán.

Các hài cốt liệt sĩ được chôn cất thẳng hàng, cách nhau một mét, nằm ở độ sâu so với mặt đất hơn 1,5 mét, bọc trong tăng võng cùng nhiều di vật kèm theo như cúc áo, giày, dép, thắt lưng, ví...

Đọc thêm