Người thầy đặc biệt trong thế giới lặng im

(PLVN) - Câu chuyện về người thầy khiếm thính Võ Duy Quang (sinh năm 1988), giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm thính Lâm Đồng là một hành trình dài của nghị lực và khát vọng vươn lên. Bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, thầy đã tiếp thêm nghị lực để các học trò khiếm thính thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước.
Thầy Võ Duy Quang như người cha của lũ trẻ nhỏ
Thầy Võ Duy Quang như người cha của lũ trẻ nhỏ

Hành trình vượt qua chính mình 

Thầy Võ Duy Quang (30 tuổi) là con út trong gia đình thuần nông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, sinh ra đã bị câm điếc. Thưở bé, anh được cho học tại trường chuyên biệt nơi có nhiều trẻ cùng mắc khuyết tật này nên không biết về sự khác biệt của bản thân. Năm 15 tuổi, Quang nhận ra điếc không phải điều bình thường và mất một thời gian dài anh sống trong nỗi buồn. “May mắn xung quanh tôi lúc đó có nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ đã chia sẻ, động viên. Tôi hiểu ra, cuộc sống có nhiều thử thách mình phải vượt qua nên đã cố gắng học cách giao tiếp với những người nghe -nói khác, để hòa nhập cộng đồng”, Quang nói. Anh hào hứng kể rằng, mình có thể tự đến bệnh viện khám bệnh, giao tiếp với bác sĩ, y tá, tự đi giao dịch ở ngân hàng... Quan trọng nhất là bản thân phải có ý chí để vượt lên số phận.

“Đến năm 2001 tôi chuyển đến học tại Trường Hy Vọng Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh trong 3 năm. Năm 2005, tôi may mắn được nhận vào học theo Dự án Giáo dục Trung học - Đại học dành cho người Điếc Việt Nam do Quỹ Nippon - Nhật Bản tài trợ thực hiện tại Trường Đại học Đồng Nai. Năm 2014, tôi tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, sau thời gian thực tập tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng, ngôi trường đầu tiên tuổi thơ tôi học và tôi được nhận vào làm giáo viên tại đây. Trong quá trình làm việc, tôi tiếp tục học liên thông lên đại học, năm 2017 tôi đã có được tấm bằng Đại học” .

Quang may mắn vì có Quỹ phát triển văn hóa Nhật hỗ trợ những học sinh như Quang có điều kiện học lên cao đẳng, đại học. Trước đó, tốt nghiệp Cao đẳng xong ở TP Hồ Chí Minh, thầy Quang có đi xin việc  3, 4 trường, nhưng vào đâu họ cũng không nhận khiến Quang vô cùng thất vọng. Trong lúc tuyệt vọng Quang đã nhắn tin hỏi Hiệu trưởng Trường Đà Lạt cũ để hỏi ý kiến thì cô bảo đừng lo về đây cô nhận.

 Thầy Quang chia sẻ: “Tôi từng mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang nhưng khi nhìn ra thế giới xung quanh mình, tôi thấy rằng xã hội đang rất thiếu những ngôi trường, môi trường sinh hoạt dành cho người điếc giống như mình nên tôi đã quyết định học ngành sư phạm giáo dục đặc biệt”. 

Thầy Võ Duy Quang “sôi nổi” trong thế giới im lặng của thầy
Thầy Võ Duy Quang “sôi nổi” trong thế giới im lặng của thầy

Thầy giáo điếc, dạy học trò điếc

Điều mà thầy giáo Võ Duy Quang trăn trở là: “Nhiều trẻ em điếc từ nhỏ tới lớn không được can thiệp bất cứ phương pháp nào phù hợp, do đó các em hoàn toàn bị mất khoảng thời gian từ 0-6 tuổi không có ngôn ngữ, không có kiến thức ở trong đầu. Ví dụ đối với học sinh lớp 1 hoặc học sinh dự bị vào lớp 1, nhiều em 8-9 tuổi mới bắt đầu đi học, khi đó các em bắt đầu từ con số 0. Đối với các em chúng tôi cần phải kiên nhẫn hơn rất nhiều. Dẫu vậy, còn rất nhiều trẻ em khiếm thính chưa có cơ hội được học tập”.

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân dịp lễ tuyên dương 48 giáo viên dạy trẻ khuyết tật tiêu biểu trên toàn quốc, thầy Võ Duy Quang bày tỏ mong mỏi: “Tất cả học sinh của tôi đều là những người khiếm thính (không nghe, không nói) giống như tôi. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống và cảm thấy rất hạnh phúc khi dạy cho các em. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó vì không có sách giáo khoa riêng cho học sinh điếc và giáo trình cũng không được đổi mới thường xuyên. Các em học sinh khiếm thính sau khi học xong cấp 1 thì chưa có cơ hội học lên cấp 2, cấp 3. Người khiếm thính chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập vào cộng đồng, nhất là có công ăn việc làm. Mong lãnh đạo Bộ tạo điều kiện để người điếc có cơ hội giáo dục chuyên sâu hơn, cũng như hoàn thiện bộ ngôn ngữ kí hiệu dành cho người điếc”.

Sợi dây liên kết lớn nhất giữa thầy Quang và các em học sinh chính là sự đồng cảm: “Trước đây khi tôi học lớp 1, tôi từng trải qua cảm giác khổ sở vì tôi không hiểu giáo viên của mình dạy gì. Do vậy, bằng kinh nghiệm sống của mình, bằng chính sự đồng cảm của một người điếc, tôi rất muốn giúp cho các em có thể trang bị nhiều kiến thức, không mất nhiều thời gian như tôi để được học lên cao, trở thành những con người thành đạt. Tôi mong muốn các em có thể vun đắp ước mơ của chính mình. Hơn ai hết, tôi hiểu sự mặc cảm, tự ti của các em về khiếm khuyết của mình. Do đó, trước khi dạy kiến thức, tôi truyền cho các em sự tự tin, lòng nhiệt huyết để vượt lên những rào cản về khiếm khuyết của cơ thể để có thể học tập, giao tiếp với xã hội tốt hơn”.

“Học sinh câm điếc lớp dự bị (trước lớp 1) và lớp 1 rất mất tập trung, không nghiêm túc trong giờ học, hay trêu đùa, đánh nhau. Khi nhắc nhở bằng ngôn ngữ ký hiệu không hiệu quả, tôi dùng cách thưởng bánh kẹo cho học sinh nào ngồi yên, các bạn khác thấy thế cũng thích rồi tự khắc trật tự theo. Đến giờ, tôi vẫn giữ thói quen cho quà các học sinh ngoan ngoãn”. Các lớp học của trẻ khiếm thính diện tích khá nhỏ với 7-10 học sinh, đây cũng là thuận lợi giúp giáo viên dễ tương tác hơn với học trò.

 

Ở Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng, thầy Võ Duy Quang được giao dạy từ lớp dự bị đến hết cấp một, thời điểm thiếu giáo viên anh dạy cả lớp 6 môn Mỹ thuật, Địa lý. Tất cả tiết học của anh đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, ngôn ngữ này cô đọng hơn ngôn ngữ nói/viết, ví dụ từ máy bay gồm 2 tiếng nhưng chỉ có một ký hiệu trong ngôn ngữ ký hiệu, nên với sách giáo khoa đại trà (không có sách giáo khoa riêng cho người điếc), thầy-trò điếc gặp không ít khó khăn để truyền tải và hiểu được nội dung. 

“Tiếng Việt đã có từ hiền rồi lại có hiền hòa, hiền từ, hiền hậu. Ngôn ngữ ký hiệu chỉ có một ký hiệu hiền thôi nên khi thấy các từ sau trong sách giáo khoa, học sinh không hiểu khái niệm đó là gì. Học sinh điếc không nghe được âm thanh, vậy làm thế nào để các em hiểu được tiếng suối róc rách khác gì với tiếng gió rì rào, rặng cây lao xao...? Đấy là những thách thức với thầy trò chúng tôi”, Quang chia sẻ. Anh bảo, có những từ phải mất cả tháng học sinh mới học xong.

Thời Quang học, một cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 5 bình thường học trong một năm, trẻ điếc phải học 3 năm, dù đã được cắt giảm. Hiện nay ở Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng, với cách biên soạn chương trình mới phù hợp hơn, đặc biệt phương pháp dạy có kết hợp ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu, học sinh cần hơn 1 năm sẽ học xong.

Hỏi về tương lai, thầy Quang  mong muốn học thạc sỹ chuyên ngành để dạy cho học sinh điếc. Tuy nhiên, khó khăn nữa là ở Việt Nam tìm học bổng hơi khó. Hệ thống giáo dục Việt Nam chưa quan tâm đến người điếc. Hiện Việt Nam mới  có một người điếc học thạc sỹ chuyên ngành sư phạm. Còn Quang  muốn tập trung về giáo dục dành cho người điếc. Làm thế nào cho học sinh học tốt hơn mới là điều Quang quan tâm nhất. 

Theo thầy Quang, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên có kế hoạch để hỗ trợ giáo viên khuyết tật dạy cho trẻ khuyết tật. Vì hiện nay thầy dạy vẫn như giáo viên (GV) bình thường, chưa có chế độ này. Đến nay, nhiều trường đã  có GV khuyết tật dạy trẻ khuyết tật nên có sự thấu hiểu đồng cảm với học sinh. Trong 4 năm rưỡi bước chân vào nghề giáo, thầy Quang không chỉ là một người thầy cần mẫn mà còn có nhiều sáng tạo trong giảng dạy và luôn đau đáu nỗi lo cho tương lai của học trò. Thầy Quang nói rằng thầy đã học được rất nhiều điều, không chỉ từ những giáo viên đi trước mà ngay từ những em học sinh. Trong sự hồn nhiên, ngây thơ của nhiều em là cả một nghị lực lớn lao để vươn tới ước mơ của mình. Sự đồng cảm đã gắn kết thầy giáo trẻ và những học trò của mình một cách khắng khít như tình cha con. Thầy chia sẻ: “Từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi lần đến trường các học trò lại ùa ra ôm thầy, hỏi han nhiều điều. Tôi rất hạnh phúc, cảm giác như mình là bố của một đàn trẻ đáng yêu, Bởi  thực tế, nhiều bố mẹ cũng không thể giao tiếp được nhiều với các con của mình, khi mà ngôn ngữ kí hiệu luôn là rào cản không hề nhỏ. Vì thế, lũ trẻ có thể nói và bày tỏ mọi điều với thầy với tất cả sự tin cậy và yêu thương. Và như vậy, thế giới của các em không hoàn toàn là im lặng mà đơn độc nữa. Và chúng tôi luôn ấm áp, đồng cảm, là những thiêng liêng lớn hơn cả tình thầy trò”…

Đọc thêm