Người thợ làm đồ thờ “3T”

Ở trong làng mộc thôn Minh Khai xã Đại Tập, ông không phải là người có thâm niên nhất, nhưng lại là người nổi tiếng nhất. Ở ông hội tụ đầy đủ mọi tố chất của người làm nghề: sự đức độ, tài năng và uy tín. Vì vậy nên mọi người đặt cho ông biệt hiệu là “Người thợ 3T” - (Tâm – Tài – Tín).

Ông Nguyễn Năng Thuận sinh năm 1958. Ông đến với nghề mộc có lẽ như sự sắp đặt của số phận. Gia đình ông 3 đời làm nghề mộc. Sức khỏe bẩm sinh không tốt nhưng bù lại ông Thuận có sự nhạy bén, có đôi tay tài hoa và sự lựa chọn đúng đắn: tiếp nối nghề của cha ông.

Ông Thuận bên sản phẩm đồ thờ của mình
Ông Thuận bên sản phẩm đồ thờ của mình

Giữ lại “chút hương xưa”

Nghề mộc là một nghề truyền thống từ lâu đời, dường như là “đặc sản” của người dân xã Đại Tập huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Mặc cho sự tàn phá khốc liệt của thời gian, các nghệ nhân ở đây vẫn luôn mang trong mình một khát vọng lớn: Mong muốn lưu lại chút hương xưa của quê hương.

Từ năm 1978, cha ông Thuận cũng đã mở một xưởng mộc nhỏ sản xuất tại nhà. Ông bắt đầu học việc từ dạo ấy. Sau khoảng thời gian học nghề, tới năm 1992 khi ông Thuận đứng ra thay cha điều hành xưởng mộc, sản xuất các loại sản phẩm như bàn, tủ, ghế, giường...

Để sản xuất được nhiều sản phẩm hơn, ông Thuận đã tập hợp các người anh em trong gia đình lập một tổ làm nghề mộc tại nhà ông. Từ khi thành lập tổ ấy, xưởng mộc của ông ăn nên làm ra, sản phẩm của làng mộc Minh Khai cũng bắt đầu được chú ý.

Tuy nhiên, để tạo nên một sự đột biến trong làng mộc thì rất khó. Bởi lẽ ở thôn Minh Khai “nhà nhà làm mộc, người người làm mộc”. Ông luôn nung nấu tạo ra được sản phẩm khác biệt so với mọi người. Và khi nhìn thấy các hoa văn, họa tiết trên trên các đình chùa, các sản phẩm đồ thờ thì trong ông xuất hiện những ý tưởng táo bạo và mới lạ.

Sau vài ngày suy nghĩ, ông quyết định đưa xưởng mộc của mình đi sang một hướng mới: Đó là sản xuất các loại sản phẩm đồ thờ. Ông cho rằng sản xuất loại sản phẩm này để đỡ chồng chéo, "giẫm chân" lên nhau giữa các sản phẩm trong làng, và vừa có thể lưu giữ lại “một chút hương xưa” của cha ông.

Các học trò học nghề tại nhà ông Thuận
Các học trò học nghề tại nhà ông Thuận

Người thợ “3T”

Ở trong làng mộc thôn Minh Khai xã Đại Tập, ông không phải là người có thâm niên nhất, nhưng lại là người nổi tiếng nhất. Ở ông hội tụ đầy đủ mọi tố chất của người làm nghề: sự đức độ, tài năng và uy tín. Vì vậy nên mọi người đặt cho ông biệt hiệu là “Người thợ 3T” - (Tâm – Tài – Tín).

Trước hết, theo ông, khi làm một sản phẩm thì phải dồn hết sức lực, tâm huyết vào đấy. Sản xuất đồ thờ liên quan đến tâm linh, nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi tiết, kỳ công qua các đường viền, hoa văn. Để thành công, điều tiên quyết là cái “tâm” người thợ.

Xuất phát từ chữ "tâm" ấy, ông đồng cảm với bà con, người dân xung quanh. Mỗi năm xưởng của ông nhận 5-6 người thợ đến học việc. Ông cho biết, đa số là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo không có điều kiện học tập. Ông giúp đỡ họ để cho họ có nghề sinh nhai. Những người đến học việc, ông trả phụ cấp 1,5 triệu đồng/ tháng. Còn những người sau khi lành nghề, nếu ở lại làm với ông thì ông sẽ trả lương cho họ 5-6 triệu đồng/tháng.

Từ xưởng mộc của ông, đã có rất nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo và trở thành những người thợ tài ba, có thu nhập ổn định. Tiêu biểu như anh Phạm Năng Thái, Phạm Năng Chức. Những người này gia cảnh vốn khó khăn, từ khi tới học nghề ở nhà ông về họ đã mở được những xưởng nhỏ...  

Uy tín của ông càng ngày càng được nâng lên qua các thế hệ học trò. Người dân trong, ngoài xã gửi con em của họ tới nhờ ông dạy bảo. Ông luôn tâm niệm rằng: “Chỉ mong các cháu thành đạt, giữ được cái tâm của mình, không chạy theo đồng tiền để làm những điều không phải đạo lý”.

Ông là một người thợ tài hoa, điều này đã được minh chứng trên các sản phẩm rất tinh xảo trong xưởng. Nhưng sự tài hoa của ông không chỉ dừng lại ở nghề mộc, mà nó còn thể hiện thông qua các “tài lẻ”. Ông thường hát chèo, hát chầu văn, và từng là trưởng ban văn nghệ của xã. Ông đã làm thợ may gần 3 năm, sau đó chuyển sang vẽ tranh truyền thần. Ông cho rằng, những việc trải quaíit nhiều đều giúp ích cho công việc hiện tại của ông.

Các sản phẩm ông rất có “thần khí”. Đó là những sản phẩm đơn chiếc, không theo bất kì một khuôn khổ định trước mà thay đổi theo yêu cầu của khách hàng.

Để làm ra một sản phẩm đồ thờ, theo ông khó nhất là cách pha gỗ. Rồi sau đó phải xẻ gỗ làm sao cho nó khéo, phù hợp và không để bỏ phí nguyên liệu. Ông thường làm rất tỉ mỉ những công đoạn này, ban đầu ông chụp ảnh sản phẩm đó ra trước, rồi vẽ lên, sau đó sẽ áp vào tấm gỗ và dùng đục tạo ra các đường nét...

Ông yêu cầu người thợ phải kiên trì, tìm tòi học hỏi và sáng tạo, như thế mới giữ được uy tín. Chữ "tín" là "vốn" cho con cháu sau này.

Ông Thuận luôn khắc sâu lời nói của cha ông: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Khi chọn một nghề nào đó thì mình nên đam mê và tâm huyết với nó...

Hùng Lê - Vũ Viết Tuân

Đọc thêm