Con đường không bằng phẳng
Ngày Thu Diệu (Đồng Nai) đi lấy chồng, cha mẹ, người thân mừng thì ít mà lo thì nhiều. Diệu còn trẻ, mới 26 tuổi, xinh xắn, công việc ổn định, lẽ ra cô có thể lựa chọn một cuộc hôn nhân bằng phẳng, lấy một người con trai chưa vợ, yêu thương cô và sống một cuộc sống vợ chồng son hoàn hảo.
Thế nhưng, Diệu đã chọn một con đường mà người khác nhìn vào thấy khá khó khăn. Chồng cô 35 tuổi, gia cảnh dù khá giả nhưng đã trải qua một đời vợ. Vợ anh đã ly hôn, hiện đang sinh sống ở nước ngoài, còn anh thì sống với con trai 7 tuổi. Vậy là, con gái mơn mởn, chưa sinh nở lần nào, nhưng lấy chồng, Diệu sẽ nghiễm nhiên lên chức mẹ.
Hồi Diệu mới yêu anh, ai cũng ngăn cản vì tiếc và lo cho Diệu, nhưng bản tính cô gái trẻ vốn cương quyết, Diệu chấp nhận vì người mình yêu mà trở nên chững chạc hơn, tập hiểu anh, hòa hợp với cuộc sống của anh, làm quen với con anh và chinh phục đứa bé từ từ, để cháu bé coi Diệu như người trong nhà.
Mặc dù trước mắt, Diệu thấy mọi thứ ổn và cô đang đắm chìm trong hạnh phúc, nhưng cha mẹ Diệu không ngớt lo lắng. Ngày cưới con gái, mẹ Diệu rơi nước mắt vì nghĩ đến những điều mà con gái mình sẽ phải đối mặt:
Việc chăm lo, nuôi dạy một đứa trẻ chẳng dễ dàng gì, hơn nữa, đó lại không phải là con ruột, rồi sau khi Diệu sinh con, mọi thứ sẽ khó khăn hơn hay không. Lấy một người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi, trải qua một đời vợ, tâm hồn nhàu nhĩ, liệu có thể hòa hợp với sự trẻ trung của Diệu?
Không ít cô gái có hoàn cảnh như Thu Diệu, là “người đến sau” trong một cuộc hôn nhân. Hai con người như nhau về hoàn cảnh, bước vào một cuộc hôn nhân đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, huống chi có sự cách biệt của một con người trong trẻo, mộng mơ và một người đã từng va chạm, đổ vỡ trong đời sống vợ chồng. Để bước vào hôn nhân với một người từng đổ vỡ, các cô gái cần nhiều hơn cả tình yêu, đó là sự rộng lòng, bao dung và cả sự hy sinh lớn hơn bình thường.
Thu Diệu trong câu chuyện nói trên, dù đã nhận nhiều lời khuyên, đã chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn không khỏi “sốc” khi bước vào cuộc sống chung. Tuần trăng mật không chỉ có hai người ngọt ngào bên nhau, mà có cả cậu bé đang tuổi lớn phải lo lắng, chăm sóc.
Rồi chồng mới cưới cũng không toàn tâm toàn ý cho cô, anh còn phải có trách nhiệm, yêu thương quan tâm đến con mình. Đó là còn chưa kể, một cô gái non nớt kinh nghiệm, phải chăm lo cho một đứa trẻ thiếu vắng tình thương của mẹ, nhiều khi cô thấy mình bất lực.
Không ít lần, Thu Diệu khóc thầm. Cũng không ít lần, trong những năm đầu kết hôn cô muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi cô cũng tập quen dần, với tình yêu lớn dành cho chồng, mọi thứ trở nên ổn hơn. Sang năm thức 4 của cuộc hôn nhân, cuộc sống đã đi vào quỹ đạo êm đẹp, họ cũng chuẩn bị đón đứa con chung đầu tiên.
Người thứ ba, cần nhiều hơn nhẫn nại, hy sinh?
Nhưng không phải ai cũng may mắn và kiên nhẫn như Thu Diệu. Có không ít cô gái “vỡ mộng” ngay sau cuộc hôn nhân với người chồng từng qua một đời vợ. Lý do là họ đã dệt cho mình nhiều giấc mộng, nhưng không lường trước được thực tế phũ phàng. Và nhiều người trong số họ, cũng không đủ kiên trì, lòng bao dung để chấp nhận thiệt thòi nhận phần thiệt thòi về minh.
Minh Ly, 27 tuổi (TP.HCM), cũng quyết định lấy một người chồng đã trải qua một đời vợ. Cô không có nhiều lo lắng, bởi dù từng có vợ, có con, lớn hơn cô chục tuổi, nhưng chồng sắp cưới của Minh Ly là mơ ước của rất nhiều người phụ nữ chung quanh. Anh là phó giám đốc một công ty thương mại, cao lớn, phong độ, cư xử lịch thiệp.
Hơn nữa, con anh lại đang sống với vợ trước, cô không việc gì phải lo. Minh Ly sống trong mật ngọt của những tháng ngày yêu nhau, được chiều chuộng, cho đến vài tháng sau hôn nhân, cô bắt đầu thấm thía những nỗi niềm của “người thứ 3”. Đó là khi cô cảm thấy mình thực sự như “người thứ ba” trong cuộc hôn nhân của mình.
Trước hết, là vì chồng cô rất bận. Vị trí công việc, họp hành triền miên khiến anh có ít thời gian dành cho gia đình. Nhưng quan trọng hơn, là những cuối tuần ít ỏi anh cũng dành cho con trai mình. Trước khi cưới, anh đã nói cho Minh Ly biết thỏa thuận giữa anh và vợ trước, rằng mỗi tuần phải có một buổi ăn cơm chung, đi chơi chung với con.
Hồi trước, cô tự tin nghĩ chẳng sao, nhưng giờ đây, những lần vò võ ngồi nhà chờ ngóng, tưởng tượng anh bên vợ con thế nào, cô phát điên vì ghen tuông. Những trận cãi vã bắt đầu nổ ra, anh trách cô hẹp hòi, cô trách anh coi thường, đặt mình ngoài mối quan tâm của anh. Những mâu thuẫn lớn dần. Hơn một năm sau cuộc sống chung, Minh Ly bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, hối hận, và ý định kết thúc hôn nhân lớn dần trong cô.
Không ít cuộc hôn nhân tan vỡ ở những năm đầu với các lý do tương tự như thế. Kể cả, với những cô gái đã lường trước khó khăn, đã chuẩn bị tinh thần, thì bước vào một cuộc hôn nhân trong vị thế người đến sau cũng chẳng dễ dàng gì.
Có người thì khổ sở bởi những lời so sánh với vợ trước của gia đình, người thân chồng, có người tự ti, cuống quýt vì thấy mình thua kém “người trước” về nhiều mặt.
Có người vất vả trong mối quan hệ với con chồng, không cách nào chinh phục được đứa trẻ đang tuổi lớn, xù lông nhím với vợ của bố, trong mắt chỉ có mẹ ruột mình. Cũng có người may mắn, lấy được người đàn ông tâm lý, hiểu chuyện, vì trải qua một lần đổ vỡ mà càng trân trọng hôn nhân, nâng niu bạn đời hơn...
Có người ví hôn nhân là một canh bạc, điều đó cũng chẳng sai. Nhưng với “canh bạc” này, mọi thứ không phó thác hết cho sự may rủi, tốt xấu còn phải xem “cách chơi” của mỗi người. Trong bất cứ một cuộc hôn nhân nào, hai con người dẫu hoàn toàn tươi mới hay từng qua đổ vỡ, thì nền tảng để tạo nên hạnh phúc bền chặt vẫn luôn là sự yêu thương, độ lương, trân trọng và chấp nhận lẫn nhau.n