[links()] Đó là tấm lòng và sự tri ân của Thương binh, Trung tá Nguyễn Duy Quyết (ảnh) sinh năm 1949, quê gốc Định Hóa, Thái Nguyên với những đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng tại các chiến trường để bảo vệ đất nước, quê hương. Và còn hơn thế nữa…
Bác Quyết đang kể về cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội |
Cái duyên trời ban…
Trước tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, năm 1966 cậu học sinh lớp 9 Nguyễn Duy Quyết đã phải khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Từ lúc khởi binh là lính trinh sát của Sư đoàn 1 đến năm 1975, ông đã đặt chân ở các hầu hết các chiến trường như Tây Nguyên, mặt trận miền Đông Nam Bộ, chiến trường Campuchia, Cần Thơ, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Là một cán bộ làm công tác quân lực, chính sách từ cấp Tiểu đoàn đến Sư đoàn trong một thời gian khá dài đã tạo nên cho ông một ý thức ghi chép và lưu trữ số liệu vào sổ sách. Đây cũng là một cơ duyên trời ban để rồi sau này, khi hòa bình lập lại ông đã dựa vào những thông số đó để đi kiếm tìm đồng đội. Nói về lý do của việc tìm kiếm này, bác Quyết cho biết: Là thân nhân liệt sỹ (anh trai của bác Quyết vốn là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến nay vẫn chưa tìm được mộ) nên bác thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của những gia đình thân nhân liêt sỹ. Thêm vào đó, mỗi lần gặp gỡ các gia đình liệt sỹ, nghe họ thổn thức: “Sao con tôi đi mãi, đợi mãi chẳng thấy về?”, bác lại thấy tim mình nhói đau và cảm giác có lỗi khi vẫn để đồng đội mình nằm mãi nơi rừng sâu hay đồng bằng nước được.
Đặc biệt, trong những cuộc gặp gỡ đó, nhìn những tờ giấy báo tử duy nhất còn sót lại của các liệt sỹ, với những dòng thông tin về căn cứ, kế hoạch quân sự, mà nếu không có kiến thức và là người trong cuộc sẽ chẳng hiểu gì, trong khi đó mình lại có được những thông tin đó, bác Quyết tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm cùng với gia đình liệt sỹ đi tìm họ về.
… Hơn chục năm ròng rã đi tìm hài cốt đồng đội
Nhờ những thông tin tỷ mỷ, rõ ràng, chính xác mà mình đã ghi chép trong thời quân ngũ, cộng với những nỗ lực vượt khó và sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đã hỗ trợ các gia đình tìm thấy mộ của 500 liệt sỹ đã hy sinh ở các chiến trường.
Bác Quyết trao hài cốt liệt sỹ cho gia đình liệt sỹ |
Để tìm được chính xác các mộ chí này là một cuộc hành trình rất dài và không hề đơn giản. Bác Quyết cho biết: “Đầu tiên, tôi tìm lại tài liệu mà mình đã giữ được, sau đó tôi đến phòng chính sách của các Quân khu và đơn vị để lấy tư liệu. Điều quan trọng là phải tìm và đối chiếu từng danh sách liệt sỹ với bản đồ mộ chí của từng trận đánh, của từng đơn vị, tiếp đó đi khảo sát tại các địa điểm theo sơ đồ mai táng ở các vùng chiến sự năm xưa…”.
Theo bác Quyết, cái khó là trước đây quy định khi mai táng liệt sỹ chỉ ghi họ, tên, phiên hiệu đơn vị, không ghi quê quán nên khi đối chiếu xác định danh tính rất khó. Mặt khác, năm tháng chiến tranh qua đi, dấu tích nơi chôn cất của các liệt sỹ đã thay đổi rất nhiều, vì vậy việc tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn. Bởi vậy, bác đã phải đi lại rất nhiều lần tại một địa điểm để tìm hiểu và nghe người dân địa phương cung cấp thông tin, rồi mới làm việc với các đội quy tập. Với những mộ chí có đầy đủ tên, địa chỉ thì bác báo với gia đình và nhờ địa phương quy tập. Nhưng với những ngôi mộ vô danh, bác phải gửi lên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam giám định ADN.
… 2000 bức tâm thư được gửi đến các gia đình là hàng ngàn, hàng vạn giọt mồ hôi, nước mắt, công sức và tấm lòng của cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết gói ghém ở trong đó. Nhưng mỗi bộ hài cốt được tìm thấy cũng là tràn trề yêu thương, hạnh phúc và sung sướng. Không gì có thể diễn tả được niềm xúc động ấy. Trong hàng trăm ngôi mộ may mắn được tìm thấy ấy, chiến binh Quyết không thể nào quên được trường hợp của chiến sỹ Trần Công Hoan – một liên lạc và cũng là cấp dưới của ông cùng tham gia chiến đấu ở tỉnh Tà Keo, Campuchia. Hoan vốn là người công giáo nên trước lúc ăn cơm anh thường phải làm dấu thánh. Đến lúc anh hy sinh (tháng 10/1973), tất cả các vật dụng của anh đều được chôn theo, trong đó có cây thánh giá và bức ảnh cô gái mà anh đã gửi trọn yêu thương và hy vọng.
Vì không có áo quan, thi hài anh được đặt lên một cánh cửa có chiếc móc xoắn và chôn ngay bậc tam cấp của gần đường lên xuống cổng chùa. Hơn 30 năm sau quay lại tìm, ngôi chùa năm xưa đã bị pôn pốt phá hết chỉ còn trơ lại nền. Tuy nhiên, bằng linh cảm của một người đã từng gắn bó với nơi này và trực tiếp chôn cất anh Hoan, bác Quyết đã tìm được hài cốt của đồng đội mình với những hiện vật được chôn theo anh. Và thật cảm động biết bao khi nhìn thấy bức ảnh cô gái, người yêu của anh lính trẻ vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi không khí bên ngoài ùa vào, bức ảnh tan ra, tan ra từng mảnh nhỏ rồi vỡ vụn. Nhìn những hình ảnh này, cả bác Quyết cũng như những người thân trong gia đình anh không cầm nổi nước mắt…
Chiến tranh đã lùi xa, mang theo những thiệt thòi, mất mát của các anh hùng, liệt sỹ và gia đình các anh. Nhưng vong linh các anh sẽ được sưởi ấm, nỗi đau thương của gia đình các anh sẽ được sẻ chia bởi những tấm lòng, những trái tim nồng cháy, bao dung, trọn nghĩa, vẹn tình như thương binh, cựu chiến binh, Trung tá Nguyễn Duy Quyết. Với những đóng góp của mình, bác Quyết đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Hội Cựu chiến binh, Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vui mừng và cảm động nhất là hàng trăm bức thư của các thân nhân liệt sỹ gửi đến bác với một sự ngưỡng mộ chân thành và xúc động mãnh liệt trước những tình cảm và giúp đỡ lớn lao của bác đối với gia đình họ.
Kết ngắn
Trong không khí đầy trang trọng, hân hoan và xúc động của buổi lễ tri ân các anh hùng, liệt sỹ và người có công được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội nhân dịp ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/2012), Trung tá Nguyễn Duy Quyết lại một lần nữa được ôn lại những câu chuyện đầy cảm động của cuộc đời mình. Và bác chia sẻ với chúng tôi những công việc quan trọng mà bác đã đặt ra trong cuộc hành trình tiếp theo: Đó là tiếp tục “tìm và trả lại tên” cho 20 liệt sỹ – đồng đội của bác vừa được mang về từ Campuchia trong tháng 8/2012.
Trong thời gian tới, hơn 200 liệt sỹ còn lại cũng sẽ được quy tập và đưa vào các nghĩa trang liệt sỹ của đất nước. Cuộc hành trình của bác vẫn còn rất dài. Nhưng tôi tin rằng, bác sẽ hoàn thành xuất sắc những bức tâm thư và tâm nguyện đầy ý nghĩa của cuộc đời mình.
Lâm Quỳnh