Người tiêu dùng thuốc lá điện tử thờ ơ với sức khoẻ

(PLVN) - Dù Bộ Y tế đã đề xuất cấm hoàn toàn việc sản xuất, nhập khẩu và mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), nhưng TLĐT vẫn được quảng cáo, rao bán tràn lan trên mạng. Trước các khuyến cáo của các cơ quan chức năng và giới chuyên môn, nhiều người tiêu dùng vẫn thờ ơ với sức khoẻ của chính mình và cộng đồng. 

Hiện tại, một bộ phận cư dân mạng sử dụng TLĐT vẫn hô hào là “giải pháp thay thế”, “giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện hiệu quả”. 

Trào lưu đua đòi bất cần sức khoẻ của giới trẻ

Mặc dù TLĐT đã được nhiều chuyên gia, giới chức khuyến cáo về các nguy cơ tiềm ẩn về sức khoẻ, cũng không hề an toàn như quảng cáo, nhưng một bộ phận người tiêu dùng vẫn hoàn toàn thờ ơ. Đáng lo ngại nhất, TLĐT đang từng ngày len lỏi vào các trường học, xuất hiện nhiều ở các trường cấp 3. Năm 2019, kết quả điều tra sức khoẻ học đường cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT ở nhóm tuổi 13-17 tuổi là  2,6%, và có xu hướng tăng ở các thành phố lớn, có mức sống khá và ở giới trẻ.

TLĐT không có hình dạng cố định như thuốc lá truyền thống, có loại giống chiếc bút bi, có loại giống chiếc bình nhỏ. Do đó, khó thể kiểm soát việc học sinh, sinh viên đem theo và sử dụng TLĐT trong nhà trường. Những chiếc máy TLĐT thông thường có giá từ 150.000 đồng, nếu kèm theo tinh dầu thì tổng giá thành sẽ khoảng 200.000 đồng. Đối với loại TLĐT dùng một lần, giá thành còn rẻ hơn, chưa đến 100.000 đồng. 

Các bạn trẻ tự cho là “thời thượng”, “dân chơi” hơn còn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua bộ đồ hút (gồm hộp đựng kiêm sạc pin và tẩu) cao cấp, cộng thêm từ 200.000 – 500.000 đồng trở lên để mua các loại tinh dầu ngoại nhập. Do vậy, không lạ lẫm khi trào lưu hút TLĐT từng rộ lên như “mốt ăn chơi thời thượng”, “thể hiện đẳng cấp” của giới trẻ. Dù vậy, thói đua đòi này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khoẻ trong cộng đồng người trẻ hiện nay. 

 Nhóm bạn trẻ sử dụng TLĐT tại một quán cà phê

Với từ khóa “vape” hoặc “pod”, các bạn trẻ ngày nay chỉ cần sở hữu một thiết bị thông minh, có tài khoản mạng xã hội, có thể dễ dàng tiếp cận đến các fanpage, group, trang web bán TLĐT. Theo tìm hiểu của phóng viên, các sản phẩm TLĐT trên hầu hết các trang web bán cho học sinh, sinh viên đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng thường chỉ liệt kê không chi tiết các thành phần trong tinh dầu. Mặt khác, dù chưa được hợp thức hóa kinh doanh các sản phẩm TLĐT, nhưng vẫn có nhiều cửa hàng bày bán TLĐT công khai trên thị trường mà các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm mua. 

TLĐT không chỉ có các ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn đang có những ảnh hưởng tới không khí trong đô thị. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ ưa thích sử dụng TLĐT nơi công cộng đông người như trong các quán cafe, trung tâm thương mại, nhà hàng… 

Được biết, lượng khói tạo ra từ TLĐT lớn hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Một bác sĩ ở Bệnh viện phổi Thanh Hóa nhấn mạnh: “Không chỉ riêng nicotin là chất gây nghiện được cảnh báo, mà trong TLĐT còn sử dụng chất aerosol với mục đích làm giả khói thuốc khi hút. Đây là một chất độc hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch và các bệnh khác. Nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao hơn gấp nhiều lần thuốc lá điếu”.

Đề xuất cấm TLĐT vẫn … bỏ ngỏ 

Rất nhiều quốc gia trên thế giới như Indonesia, Brunei, Singapore, Malaysia… đã cấm hoàn toàn việc sử dụng TLĐT. Phần Lan, Argentina và Venezuela… đã cấm việc hút thuốc lá điện tử tại các địa điểm công cộng.

Cách đây không lâu, Bộ Y tế đã đề xuất các cơ quan chức năng có liên quan cấm hoàn toàn việc sản xuất, nhập khẩu và mua bán các sản phẩm TLĐT trong Việt . Khi biết đến đề xuất này, một số người sử dụng TLĐT, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, lại cho rằng “việc cấm hoàn toàn là không cần thiết” vì “TLĐT không có hại như thuốc lá truyền thống, không có ảnh hưởng tới môi trường và đặc biệt là không gây nghiện, vì vậy sẽ có lợi cho người muốn cai thuốc lá”. 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của bác sĩ Vũ Văn Thành, Bệnh viện Phổi Trung Ương, các sản phẩm phân phối nicotine thay thế như TLĐT bằng cách nhanh chóng đưa nicotine vào não tương tự như thuốc lá, giúp duy trì chứ không làm mất đi việc nghiện nicotine. Như vậy, TLĐT không phải công cụ cai nghiện thuốc lá.  Mặt khác, nhiều người không sử dụng TLĐT hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế vì tin rằng TLĐT cũng có nhưng tác hại không kém gì thuốc lá thông thường.

Đáng nguy hại là TLĐT đã và đang được quảng cáo rầm rộ là một sản phầm an toàn, không chứa các chất độc hại hay gây nghiện, có thể thay thế thuốc lá truyền thống, giúp cho người nghiện thuốc lá truyền thống cai nghiện. Tuy nhiên, trong hầu hết các loại tinh dầu của TLĐT đều chứa nicotine, một chất gây nghiện có thể tìm thấy trong thuốc lá truyền thống. 

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thuốc lá nung nóng dù ở nhiệt độ thấp hơn thuốc lá truyền thống nhưng vẫn tạo ra những hóa chất có hại tương tự như trong khói thuốc lá. Còn theo khuyến cáo chính thức của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, mỗi một lần sử dụng TLĐT, người dùng đưa vào phổi của mình không chỉ nicotine mà còn có rất nhiều các kim loại nặng, các hạt siêu mịn bám vào phổi và cả các hoá chất độc hại gây ung thư như formaldehyde, hydrocarbon thơm đa vòng, cacbon monoxide, accetaldehyde, acrolein…

 Một trang web công khai đăng bán TLĐT.

Trên thực tế, do chưa có các quy định cụ thể cho việc kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam nên khó thể kiểm soát chất lượng thành phần có trong tinh dầu TLĐT. Nhiều tài khoản Facebook khi rao bán TLĐT đã nhấn mạnh tinh dầu này được pha với một số loại chất kích thích “phê hơn”, tiêu biểu là CBD – một hợp chất có trong cây cần sa, để “tăng thêm trải nghiệm hút thuốc” cho người dùng. 

Song, kể từ khi có đề xuất tới nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể hay động thái quyết liệt nào để ngăn chặn triệt để TLĐT lưu hành trong cộng đồng. Nếu không có những động thái triệt để hơn từ phía các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình, hậu quả của trào lưu hút TLĐT trong giới trẻ vẫn sẽ ngày càng lan rộng và khó xử lý hơn.  

Bởi lẽ, thị trường TLĐT đang có xu hướng nhắm tới giới trẻ nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi xu hướng thương mại điện tử (mua TLĐT qua app điện thoại thông minh, trên Internet…) trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn.

Đáng nói, rất nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn nhận thức sai lệch rằng việc hút TLĐT sẽ thể hiện phong cách và gu thẩm mỹ của cá nhân, hoàn toàn phớt lờ các nguy cơ về sức khoẻ bản thân và sức khoẻ cộng đồng. Không dừng ở đó, các chuyên gia khuyến cáo, TLĐT còn có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. 

Đọc thêm