Người Tràng An xưa và nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Chẳng thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu thơ ấy là một sự đúc kết nhẹ nhàng mà đầy kiêu hãnh về tính cách người Tràng An - Hà Nội từ xưa.
Trong giao tiếp, người Hà Nội có sự nhẹ nhàng, ý nhị mà đầy tình cảm, ấm áp. (Nguồn ảnh: Phim “Hoa nhài”)
Trong giao tiếp, người Hà Nội có sự nhẹ nhàng, ý nhị mà đầy tình cảm, ấm áp. (Nguồn ảnh: Phim “Hoa nhài”)

Cốt cách Tràng An

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Thăng Long xưa là đầu mối hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, học thuật của cả nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều văn nhân, nho sĩ, tao nhân mặc khách. Chính họ là những người có tác động không nhỏ đến thói quen hành xử của cộng đồng thị dân, để rồi từ đó hình thành nên những chuẩn mực ứng xử tao nhã, chú trọng lễ nghĩa vẫn được phát huy đến tận ngày nay.

Người Tràng An từ xưa đã nổi danh về cốt cách thanh lịch, tế nhị. Điều này thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực…

Trong giao tiếp ứng xử, sự thanh lịch được thể hiện ở lời ăn tiếng nói, đó là chất giọng của người Hà Nội. Giọng chuẩn Hà Nội là chất giọng thanh, nhẹ nhàng, tình cảm, phát âm chuẩn xác, mà cách phát âm này đã được coi là chuẩn mực phát âm cho cả nước cho đến ngày nay.

Trong giao tiếp ứng xử, người Hà Nội xưa luôn có sự ý nhị, duyên dáng, khéo léo, biết nghĩ cho người khác. Như nhà văn Vũ Ngọc Phan có viết rằng: “Dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp, người xấu, người trang nhã, người thô tục như các nơi khác thời bấy giờ, nhưng người ta nhận thấy trong sự giao tiếp giữa con người với con người, ít khi người Hà Nội xưa có những thói thô bạo, tục tằn”.

Bên cạnh đó là những nét ứng xử được thể hiện trong truyền thống gia đình vốn được các thế hệ đi trước dạy bảo con cháu đến nơi đến chốn. Con gái khi trưởng thành phải học nữ công gia chánh, phải biết khâu vá, thêu thùa. Trẻ con luôn được bố mẹ dạy bảo về lễ giáo, nền nếp ngay từ khi còn cắp sách đến trường như kính trên, nhường dưới, chào hỏi người khác…

Những gia đình có truyền thống văn hóa, nền nếp từ xưa luôn dạy con gái từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành cách đi đứng, ăn mặc kín đáo, giao tiếp nhẹ nhàng để khi ra ở riêng không làm ảnh hưởng đến gia phong, dòng họ.

Cái tình trong đối xử giữa người với người cũng chính là một phần cần nhắc đến trong sự thanh lịch của người Hà Nội. “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… luôn là hành xử của người Hà Nội đối với những người xung quanh mình. Đó là sự quan tâm ân cần mà tế nhị, sâu sắc và tình cảm giữa người với người.

Phụ nữ Hà Nội xưa luôn thấm nhuần lễ nghĩa, công - dung - ngôn - hạnh, cử chỉ đoan trang, ăn mặc nền nã. (Ảnh tư liệu)

Phụ nữ Hà Nội xưa luôn thấm nhuần lễ nghĩa, công - dung - ngôn - hạnh, cử chỉ đoan trang, ăn mặc nền nã. (Ảnh tư liệu)

Nói đến thanh lịch, cũng cần nhắc đến cách ăn vận, phục sức của thị dân Thăng Long. Cách ăn mặc của người Tràng An từ xa xưa đã là “chuẩn” cho một số vùng khác bởi sự giản đơn mà tinh tế, nền nã, kín đáo và chỉnh tề, không cầu kỳ về kiểu dáng và không lòe loẹt về màu sắc. Nhà văn Băng Sơn cho rằng, “Xưa nay người Hà Nội thường có cách ăn mặc riêng rất đẹp, vừa lịch sự nền nã, hào hoa trang nhã, vừa lộng lẫy mà vẫn kín đáo”.

Nhiều người còn nói, người Tràng An thanh lịch thể hiện cả trong cách ăn uống. Món ăn Hà Nội chuộng vị thanh tao, không lạm dụng gia vị, chú trọng sự ngon ngọt từ nguyên liệu, nhìn bên ngoài thì có vẻ giản dị, thực chất ẩn chứa bên trong cả một sự chế biến tỉ mẩn, tinh tế từng công đoạn.

Người Hà Nội “ăn theo thuở ở theo thì”, mùa nào thức ấy, biến ẩm thực thành một phần thú vị của đời sống, khiến người phương xa luôn trầm trồ, thán phục. Chính nền ẩm thực ấy đã góp phần làm toát lên cái thanh lịch Tràng An.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”

Năm 2023, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim cuối cùng trong đời mình, bộ phim “Hoa nhài”, được lấy cảm hứng từ nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa. Tác phẩm cũng là lời tri ân sâu sắc của đạo diễn dành cho Hà Nội - tình yêu lớn của đời ông.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, phim lấy bối cảnh Hà Nội của những năm 2000, là câu chuyện đời của một chú bé đánh giày, một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị hay chị nông dân lên Hà Nội làm nghề giúp việc…. Những mảnh đời rời rạc ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội bình dân, đem lại góc nhìn về một Hà Nội ở buổi giao thoa giữa xưa và nay. Một Hà Nội dẫu cao sang hay nhọc nhằn, dẫu khu lao động nghèo hay trung tâm thành phố vẫn giữ được những cốt cách thanh tao, thấm đẫm ân tình giữa người và người. Ấy chính là chất “hoa nhài” đã chảy trôi trong dòng máu thị dân Thăng Long từ ngàn năm xưa.

Tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu Hà Nội cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Theo chỉ thị, sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội. (Ảnh: TL)

Mâm cỗ Tết của người Hà Nội. (Ảnh: TL)

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn thành phố quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thành ủy Hà Nội cho rằng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội còn nhấn mạnh việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Mỗi công dân Thủ đô trong sinh hoạt, hoạt động đầu tư, thương mại, dịch vụ… cần giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, thể hiện sự lịch lãm, tinh tế, thân thiện, hiếu khách, ứng xử văn minh, luôn đề cao lòng tự trọng, gìn giữ và lan tỏa chữ “tín”.

Xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu trở thành tấm gương chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng.

Hà Nội ngày nay, dẫu đã có nhiều đổi thay trong cách ứng xử, dẫu kinh tế thị trường và chủ nghĩa vật chất có bóp méo đi nhiều giá trị đẹp đẽ trong văn hoá sống, nhưng tin rằng, với mảnh đất Thủ đô ngàn năm thanh lịch, với sự nỗ lực của chính quyền thành phố, của từng người dân, cái phong thái, cốt cách từng làm nên chất Tràng An sẽ lại toả lan trong đời sống, như hoa nhài luôn thơm ngát.