Được gọi là "thế hệ độc thân vàng", những người trẻ chưa kết hôn, sống một mình chi tiêu cho thực phẩm và hàng hóa khác nhiều hơn bình thường. Họ đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế có tiêu dùng giảm sút suốt 2 năm qua.
Chi tiêu hằng tháng của người độc thân năm 2012 vào khoảng 973.700 won, cao hơn nhiều so với 847.300 một người với các hộ gia đình 2 thành viên, theo Viện thống kê Hàn Quốc. Viện Thương mại và Kinh tế Công nghiệp Hàn Quốc cũng dự đoán các hộ gia đình một người ở nước này sẽ chi tiêu 113 tỷ USD năm 2020, gấp đôi năm 2010.
"So với bạn bè đã kết hôn, tôi tiêu nhiều hơn hẳn cho đồ ăn, mua sắm và các sở thích cá nhân", Lee - một ca sĩ chuyên nghiệp 34 tuổi sống tại quận Gangnam (Seoul, Hàn Quốc) cho biết trên CNBC.
Hàn Quốc hiện là nước có dân số già nhanh nhất thế giới. Người trẻ nước này cũng kết hôn muộn hoặc quyết định sống độc thân. Năm ngoái, tuổi kết hôn lần đầu trung bình tại đây là 32,2 với nam giới và 29,6 với nữ, tăng 5 tuổi so với năm 1990.
Xu hướng dân số tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng đặc biệt nhanh tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Dù vậy, các công ty tại đây đã rất nhanh chóng phản ứng lại sự thay đổi này.
Để thu hút những người dùng như Lee, hồi tháng 8, Samsung Electronics đã ra mắt loại tủ lạnh "Slim Style" hẹp và cao hơn tủ lạnh thông thường. Theo ông Koo-yeun Choi - Phó chủ tịch Samsung, sản phẩm này sẽ "tối ưu hóa cuộc sống cho người độc thân".
CJ Cheiljedang - hãng thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cũng đang mở rộng chiến lược marketing nhắm vào đối tượng này. "Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá và các lớp dạy nấu ăn cho người độc thân, đặc biệt là nhân viên văn phòng và sinh viên", Kim Tai-joon - Chủ tịch CJ Cheiljedang cho biết.
LG Electronics và Dongbu Daewoo Electronics cũng đang tích cực nhắm đến khách hàng độc thân với các thiết bị gia dụng kích cỡ nhỏ, như máy giặt, robot hút bụi và TV bỏ túi. Các hãng mỹ phẩm, du lịch, nghỉ dưỡng và làm đẹp cũng được lợi nhờ xu hướng này, Nam Ok-jin - nhà phân tích tiêu dùng tại Công ty chứng khoán Samsung cho biết.
Kể cả ngành thú nuôi cũng phất lên, do người độc thân thường nuôi thêm chó hoặc mèo làm bạn. Quy mô ngành này được dự đoán tăng gấp 6 lên 6.000 tỷ won năm 2020, báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế Nonghyup.
"Trong quá khứ, người Hàn Quốc rất hiếm tiêu tiền cho các dịch vụ vật nuôi, như dắt đi dạo hay gửi ở trung tâm chăm sóc. Tuy nhiên, việc số người độc thân tăng lên đã thay đổi tình hình này", Han Chi-soo - Chủ tịch Câu lạc bộ Cửa hàng thú nuôi Hàn Quốc cho biết.
Trong khi rất nhiều người Hàn Quốc vẫn coi lập gia đình và nuôi dạy con cái là điều ưu tiên, một số không nhỏ, như Lee, lại chẳng tỏ ra vội vã. "Kết hôn có khác nào gánh thêm một khối nợ nữa đâu. Tôi vẫn muốn tận hưởng quãng thời gian xa xỉ của cuộc đời thêm một thời gian nữa".