Người trẻ lặng thầm bỏ tiền túi mở thư viện phục vụ miễn phí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa cuộc mưu sinh ồn ã, vẫn có những người trẻ tâm huyết lặng thầm “bỏ tiền túi”, tạo nên những thư viện cá nhân cho mọi người đọc miễn phí, cổ vũ văn hóa đọc. Trong sự cống hiến miệt mài ấy, niềm vui mà họ nhận được là ánh mắt lấp lánh dõi theo từng trang sách.
Còn người yêu sách thì còn thư viện tư nhân và còn văn hóa đọc. (Ảnh minh họa)
Còn người yêu sách thì còn thư viện tư nhân và còn văn hóa đọc. (Ảnh minh họa)

Những thư viện miễn phí thú vị

Tại Hà Nội, có một thư viện sách miễn phí nhỏ được yêu thích nằm ở địa chỉ 66 Chùa Láng. Thư viện này nổi tiếng đến mức trên Facebook còn có một group lấy tên Thư viện sách miễn phí 66 Chùa Láng với hơn 3000 người tham gia, mà các thành viên là những người từng đến đọc sách miễn phí hoặc yêu thích thư viện.

Những người từng đến số 66 Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), điều đầu tiên đập vào mắt sẽ là tấm bảng hướng dẫn nho nhỏ mà thu hút: “Thư viện sách miễn phí trên tầng 2. Thư viện có nước khoáng, cà phê, bánh kẹo miễn phí”. Mỗi ngày thư viện mở cửa từ 9 giờ đến 21 giờ và thu hút từ 30 đến 50 bạn đọc.

Nói là “thư viện”, nhưng thực chất, trọn vẹn khuôn viên là một căn phòng chỉ vỏn vẹn hơn 30m2. Tuy nhiên, nhờ bố trí gọn gàng, ngăn nắp, trông thư viện rất xinh xắn và “đồ sộ” lượng sách. Có hơn 500 đầu sách ở đủ các lĩnh vực tại thư viện: ngoại ngữ, kinh doanh, y học, công nghệ, du lịch, văn hóa... Mỗi đầu sách được xếp ngăn nắp theo khu vực riêng để bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm. Không chỉ được thoải mái đọc sách, bất kì ai đến với thư viện cũng được tự chọn các loại đồ uống, bánh kẹo mà không phải trả một khoản chi phí nào. Điều này góp phần tạo nên sự thích thú, thu hút thêm nhiều người đọc trẻ đến thư viện.

Thư viện được thành lập từ năm 2019, trải qua những ngày tháng dịch bệnh, thế nhưng thư viện vẫn vận hành ổn định, dù hoàn toàn không có nguồn thu. Tất nhiên, chuyện vận hành một thư viện sách với cà phê, bánh kẹo miễn phí là câu chuyện không hề đơn giản. Được biết, thư viện là dự án do lãnh đạo và các nhân viên của một doanh nghiệp sáng lập. Chị Vũ Thị Hà, thành viên sáng lập thư viện chia sẻ, thư viện nằm trong địa điểm kinh doanh của công ty, sách cũng này là kết quả quyên góp của các thành viên thuộc công ty đồng thời nguồn sách cũng thường được bổ sung thông qua nhiều nhà hảo tâm, đơn vị sách. Các chi phí điện, nước, cà phê, bánh kẹo đều được trích từ quỹ công đoàn của công ty. Hoạt động này là một phần trong nội dung về xây dựng văn hóa công ty nhằm thu hút lực lượng trẻ, tạo môi trường làm việc năng động, tích cực cho nhân viên.

Trong tương lai, những người sáng lập mong muốn có một chuỗi thư viện miễn phí ở nhiều tỉnh, thành phố để lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người hơn.

Tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương có một mô hình thư viện miễn phí có cái tên rất hiện đại, đó là D Free Book. Chủ nhân của thư viện miễn phí này là chàng trai Hoàng Quý Bình, người tâm huyết với mô hình tử thời còn là sinh viên.

Năm 2017, Hoàng Quý Bình là sinh viên năm thứ hai đại học, sau thời gian ấp ủ đã sáng lập thư viện miễn phí với tên D Free Book ở ngõ 67, phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Theo chia sẻ của anh Bình, chữ D trong D Free Book có thể hiểu là Diverse-sự đa dạng, Delighted-sự thích thú hay Dynamic-sự năng động và nhiệt tình. Trong khi Free Book đơn giản nghĩa là sách miễn phí. Khởi điểm, sách trong thư viện là từ tủ sách cá nhân của Bình, sau đó tủ sách mở rộng ra về số lượng và chủng loại nhờ vào sự ủng hộ của nhiều người có lòng. Thư viện miễn phí D Free không chỉ có đọc tại chỗ mà còn cho người đọc mượn sách mang về mà không phải đặt cọc tiền hay bất cứ giấy tờ gì, chỉ cần ghi lại thông tin cá nhân.

Duy trì một thư viện miễn phí với số sách thường thất thoát, phải bổ sung liên tục không phải chuyện dễ dàng. Tiền duy trì là từ thu nhập của Quý Bình,

nguồn ủng hộ của nhiều bạn trẻ. Cạnh đó, chàng thanh niên Quý Bình còn lập ra các dự án kinh doanh nho nhỏ để duy trì như cùng các tình nguyện viên mua cây xanh về chăm sóc rồi bán. Ngoài ra, thư viện còn nhận nguồn sách từ dự án Green Life-”Đổi rác lấy quà” do Hoàng Quý Bình khởi xướng từ năm 2018. Cứ một đến hai tuần, Bình lại cùng các tình nguyện viên tổ chức một sự kiện đổi giấy lấy cây, thu về trung bình khoảng 1 đến 2 tấn sách cũ.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, D Free Book đã có tới hơn 50.000 lượt bạn đọc đến mượn sách cùng với số lượng người đọc tại chỗ lớn. Tới nay, Hoàng Quý Bình đã mở được 3 thư viện miễn phí; trong đó có hai thư viện ở Hà Nội (cơ sở 1 tại phố Lê Thanh Nghị, cơ sở 2 tại phố Đại La) và một thư viện tại TP Hồ Chí Minh (có tên là “Nhà nhiều lá” tại đường Cách mạng Tháng Tám). Hiện tại, số đầu sách ở 3 thư viện hơn 3.000 cuốn.

Gìn giữ một nét đẹp văn hóa

Ở Sài Gòn, có một thư viện sách miễn phí dành cho thiếu nhi có cái tên rất lạ và rất “sách”, đó là Đủng Đỉnh Đọc. Đủng Đỉnh Đọc do 5 bạn trẻ gồm Lê Kim An Nhiên, Lê Thu Phương Quỳnh, Tô Vân Anh, Đàm Ngọc Thy và Lê Thị Thùy Trâm bỏ tiền túi ra thành lập và duy trì.

Đủng Đỉnh Đọc được bố trí theo không gian mở, ngoài đọc sách có thể tổ chức các sự kiện, hoạt động để giữ mọi người ở thư viện lâu hơn. Nhóm bạn trẻ còn thuê kiến trúc sư thiết kế, sơn lại màu tường, đóng kệ, để các hộp gỗ di động, khi cần có thể biến thành sân khấu, hay phân chia thành nhiều khu vực cho các nhóm khác nhau có không gian thi thố.

Thư viện Đủng Đỉnh Đọc.

Thư viện Đủng Đỉnh Đọc.

Với kinh nghiệm từng tham gia thành lập các thư viện tại nhiều nơi, nhóm bạn trẻ đã có cách sắp xếp thư viện hết sức khoa học. Những kệ sách ở Đủng Đỉnh Đọc được chia làm 5 cấp bậc: mầm, hạt, chồi, lá, hoa tùy theo khả năng đọc hiểu của trẻ. Sách được phân loại theo trình độ đọc của các em chứ không phân theo lứa tuổi. Khi các em nhỏ bắt đầu chọn sách, các bạn trẻ sẽ có một bài kiểm tra nho nhỏ để gợi ý cho các em chọn sách đúng trình độ của mình.

Thư viện có khoảng 800 đầu sách, mở cửa từ 1 giờ 30 - 6 giờ 30 các chiều từ thứ 3 đến Chủ nhật, mỗi tháng thư viện còn tổ chức 1 - 2 sự kiện đọc sách cho thiếu nhi.

Để tạo niềm say mê đọc sách cho cả trẻ em và người lớn, Đủng Đỉnh Đọc đều đặn tổ chức các chương trình workshop (các buổi học ngắn), đọc truyện cùng trẻ, hướng dẫn phụ huynh đọc sách... Nhiều phụ huynh sau khi đến tham dự một vài buổi đọc truyện cùng con đã xung phong làm tình nguyện viên để đọc truyện cho các em nhỏ trong những buổi tiếp theo...

Đoàn Nguyễn Mai Anh, cựu sinh viên học viên Ngân hàng chia sẻ: “Mình yêu thích các thư viện tư nhân nhỏ nhỏ trong lòng thành phố. Khi rảnh rỗi mình thường đến các thư viện ấy đọc sách, mảng mình thích nhất là văn học và tài chính. Ngồi đọc sách trong một thư viện nhỏ yên tĩnh, nghiềm ngẫm những cái hay trong trang sách là những khoảnh khắc sống chậm tuyệt vời nhất của mình”.

Những năm qua, nhiều người lo lắng rằng với sự phát triển của công nghệ cùng nhiều thú vui giải trí, văn hóa đọc sẽ dần mai một trong xã hội, đặc biệt là với người trẻ ưa những điều mới lạ. Nhưng, cũng chính người trẻ là những người nhiệt tình nhất trong việc lập các thư viện sách cá nhân, tạo ra các dự án nhằm khuyến khích tinh thần yêu sách.

Trên khắp cả nước, khó có thể kể hết những thư viện sách tư nhân như thế. Có những thư viện nổi tiếng, được nhiều người ủng hộ như Đủng Đỉnh Đọc, như 63 Chùa Láng, như D Free Book, thư viện Container ở Tháp Mười, thư viện Dương Liễu ở Hoài Đức, Hà Nội... Và cũng có những thư viện nhỏ, nằm trên gác xép của một quán cafe, trong một con hẻm vắng người, hay thuộc về một lớp học tình thương cho thiếu nhi, thư viện của bạn trẻ khiếm thính mở tại nhà... Những thư viện tư nhân ấy, dẫu nổi tiếng hay không, vẫn là những tủ sách hết sức hay ho và ý nghĩa. Nó ra đời từ tình yêu sách, đam mê đọc sách không vụ lợi của người trẻ. Nó tỏa lan bằng niềm say mê đọc sách của những người khác, ở đủ mọi lứa tuổi.

Mỗi một thư viện tư nhân như thế như một dòng suối nhỏ róc rách, tưới mát tâm hồn. Còn những dòng suối nhỏ ấy, văn hóa đọc sẽ còn, như một đại dương xanh trong lòng người.

Đọc thêm