Mặc cho người dân đang sống ở các khu chung cư cũ khắc khoải “sống trong sợ hãi”, hầu hết các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ đều “chậm như rùa” bởi gặp rất nhiều khúc mắc. Một nguyên nhân chính được chỉ ra, đó là sự hài hòa, cân đối lợi ích giữa ba chủ thể (Nhà nước, người dân và nhà đầu tư).
Nỗi khổ chung cư cũ |
Khó khăn với "bài toán" 3 điều kiện
Từ năm 2005, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch về việc cải tạo và xây dựng các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố với thời hạn hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng cho đến nay tiến độ mới chỉ đạt khoảng 1%. Đa số vẫn ở giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, làm thí điểm.
Hầu hết các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ đều “chậm như rùa” bởi gặp rất nhiều khúc mắc. Một nguyên nhân chính được chỉ ra, đó là sự hài hòa, cân đối lợi ích giữa ba chủ thể (Nhà nước, người dân và nhà đầu tư).
Theo quy hoạch thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực lõi đô thị (bốn quận nội thành cũ) cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người; do đó cần phải quy định số tầng nhà chung cư, trong khi đó các chung cư cũ lại chủ yếu tập trung ở khu vực này. Đối với chủ đầu tư, việc quy định hạn chế số tầng khiến họ gặp khó khăn, bởi ngoài số căn hộ trả cho người dân trong dự án thì họ phải có một số tầng đưa vào mục đích kinh doanh, cần có lãi.
Về phía người dân, họ muốn nhà tái định cư phải rộng, ở tại chỗ càng tốt, kèm theo là những “đòi hỏi” thậm chí vượt quy định cho phép, nhà đầu tư không chấp nhận. Do đó, việc đảm bảo bài toán kinh tế: cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số tại khu vực này là không khả thi.
Về vấn đề này ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở xây dựng Hà Nội) chỉ ra thêm: “Vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ còn do tình hình kinh tế không thuận lợi, các quy định của Nhà nước, quỹ nhà tạm cư… cũng là một vấn đề rất lớn tác động đến tiến độ. Theo quy định, chủ đầu tư phải có trách nhiệm lo quỹ nhà tạm cư khi cải tạo chung cư cũ, tuy nhiên hầu hết các đơn vị này không đảm bảo yêu cầu quỹ nhà tạm cư…”’
Ở một số phường, cơ chế để xử lý đối với các trường hợp cố tình không chịu hợp tác di dời chưa rõ ràng, nhiều hộ dân “cố thủ” không chịu bàn giao với những đòi hỏi quá cao, hoặc do anh em đông, ai cũng muốn đứng lên làm chủ gia đình nên làm chùng tiến độ.
Ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ địa chính phường Phố Huế, thành viên Tổ công tác giải phóng mặt bằng cho biết: “Hai dãy chung cư A1 và A2 khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ có 173 hộ dân, hiện vẫn còn 36 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó có 5 hộ chống đối, không cho bất cứ ai vào khảo sát. Cán bộ quận, phường đã thành lập các tổ tuyên truyền rất nhiều lần đến tiếp xúc, nhưng họ vẫn kiên quyết giữ ý của mình, thành ra dự án bị chậm.”
Một nguyên nhân tế nhị khác được chỉ ra đó là vẫn còn cơ chế xin - cho, dẫn đến chuyện lựa chọn một số nhà đầu tư chỉ chăm lo lợi ích cho mình, yếu kém năng lực…
Theo nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan hữu trách không nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” khó khăn trong triển khai các dự án, thì sẽ lại vướng thêm những nút thắt khác. Cụ thể là, người dân đã chấp nhận di dời ở một số chung cư đã phải chờ rất lâu để dự án hoàn thành, quay trở về ổn định cuộc sống. Thực tế đó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý cho các hộ dân ở những chung cư khác, họ sẽ hoang mang, thất vọng, không muốn di dời đến nơi tạm cư.
Ngậm ngùi chờ… tiến độ
Dự án cải tạo nhà A1 và A2 khu tập thể KTT Nguyễn Công Trứ (phường Phố Huế, Hà Nội) được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Những căn nhà xập xệ vẫn nằm đó trong mưa nắng. Và nếu không triển khai sớm được dự án này, thì những dãy nhà chờ sập xung quanh không biết bao giờ mới thuộc diện dự án. Thế mới biết, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố gian nan đến thế nào.
Ngậm ngùi chờ cải tạo |
Mấy năm trước, người dân phường Văn Chương, Trung Tự… cũng thấy cán bộ dự án về khảo sát, người dân lấy làm mừng vì có cơ hội đổi đời, nhưng từ đó đến nay, người của dự án đã “một đi không trở lại”. Lãnh đạo phường cho biết, người dân ở các KTT cũ thường là công nhân, những người có mức lương thấp chỉ đủ chi phí, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, không đủ sức để mua nhà mới nên chờ đợi dự án. Và thực tế là càng chờ đợi thì càng chẳng thấy đâu!
Tại phường Giảng Võ, sau rất nhiều thời gian “ngâm”, đến nay Dự án xây mới chung cư B6 và B7 mới bắt đầu thi công phần móng; Dự án D2 đã được giao đất, phê duyệt thiết kế nhưng do chưa hài hòa được lợi ích của người dân nên một số hộ dân không chịu di dời, khiếu kiện dẫn đến dự án bị tắc. Các hộ dân chấp nhận di dời, được chủ đầu tư bố trí tạm cư ở Sài Đồng (Long Biên) đang rất bức xúc.
Đến chung cư Vĩnh Hoàng (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), nơi tạm cư của các hộ dân di dời trong dự án nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ, chúng tôi không khỏi bất ngờ nhiều khó khăn mà người dân phải chịu đựng. Theo phản ánh, người dân di dời làm cho đời sống, sinh hoạt, việc buôn bán bị xáo trộn đã là một thiệt thòi, tiến độ dự án càng chậm thì càng sốt ruột, bất lợi cho dân.
Ai cũng muốn được quay trở về nơi ở cũ để cuộc sống đi vào ổn định. Nhưng cùng với nỗi mòn mỏi đợi chờ đó thì người dân gặp phải rắc rối là nước sinh hoạt. Ông Dương Văn Phú, phòng 1101 cho biết: “Nhà tôi tất thẩy 12 người đến đây, dù rộng hơn, thoáng hơn nhưng nước thì rất bẩn. Ngay từ khi xuống đây, vào năm 2009 nước đã bẩn, dân đã kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Nhiều nhà có máy giặt mà không dám dùng, đa số phải lắp đặt thêm hệ thống lọc lại nước thì mới dùng sinh hoạt được”.
Phải khẳng định, lãnh đạo TP Hà Nội đã nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho cư dân ở khu chung cư cũ và nhiều lần đưa ra hướng tháo gỡ những vướng mắc. Thế nhưng, một thời gian dài loay hoay vẫn chưa tìm ra “phương thuốc” đặc hiệu.
Sở Xây dựng Hà Nội mới có kiến nghị bằng văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, để gỡ vướng giải phóng mặt bằng, cần thống nhất quan điểm có giải pháp hành chính đối với số ít hộ dân cố tình đưa ra những yêu sách không phù hợp với quy định pháp luật, cản trở tiến độ của dự án sau khi đã có các giải pháp bồi thường, hỗ trợ. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng thống nhất, sửa đổi quy định cũ để người dân bớt phải "dài cổ đợi chờ".
Sơn Bình