Dãi dầu mưa nắng để tô điểm cho xuân, nhưng xem ra người người trồng hoa trên đất cố đô vẫn mãi thiệt thòi trong vòng quay được mùa rớt giá…
Được mùa rớt giá
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đông, chúng tôi theo dòng sông Hương để về với làng hoa Tiên Nộn, nằm cách thành phố gần mười cây số. Tiên Nộn là một trong những làng trồng hoa nổi tiếng của vùng đất cố đô.
Bà Võ Phúc, thôn Tiên Nộn, chủ của hơn 2 sào hoa với gần 20.000 cây hoa các lọai cho biết, thời tiết năm nay ấm, ít mưa và không bị lũ lụt nên rất thuận lợi cho cây hoa sinh trưởng. Tuy nhiên, cũng vì được mùa nên bà Phúc lo năm nay hoa có lẽ không được giá, một mặt còn do sự cạnh tranh của các làng hoa khác trong tỉnh, như Phú Thanh, Quảng Thọ, Thủy Dương, Thủy Biều… và hoa Đà Lạt nhập về.
Dầu sao thì người trồng hoa ít vốn như bà cũng đành phải chấp nhận rủi ro, giá có hạ chút thì cũng còn hơn “lỗ trắng” nếu chẳng may gặp cơn mưa lũ. Năm nay, ngoài những loại hoa phục vụ cho thờ phụng, bà còn trồng thêm hoa mào gà để phục vụ người dân cố đô chưng trong dịp Tết. Giá hoa mào gà khá bình dân, dao động từ 20 nghìn đến 35 nghìn, tùy theo cây giống Đà Lạt hay cây giống Thái Lan và xem ra được khá nhiều người ưa chuộng.
Bà Phúc đang chăm chuốt cho những cây hoa mào gà |
Ông Lê Văn Lự, người được mệnh danh là "đại gia" trồng hoa ở Phú Mậu có vẻ phấn khởi, khá hài lòng với sự phát triển của vườn nhà. Vườn nhà ông trồng 5 loại hoa khác nhau, từ hoa ngắn ngày như cúc nhiều màu nhập giống từ Đà Lạt, hoa chuông, hoa thược dược, hoa ly… cho đến loại hoa sinh trưởng lâu dài như địa lan.
Theo kinh nghiệm của ông Lự, dù năm nay nguồn cung hoa nhiều nhưng cũng chỉ ảnh hưởng đến “phân khúc thị phần” hoa thờ phụng, cúng giỗ, còn những loại hoa chơi Tết như trong vườn nhà ông, giá vẫn có chiều hướng tăng. Vì đây là những loại hoa còn bỏ vốn tương đối nhiều, khó sinh trưởng trong điều kiện thời tiết biến động, tốn nhiều công chăm sóc nên ít người mạo hiểm đầu tư.
Tuy nhiên, “đại gia” Lự cũng thừa nhận, năm nay tiền lãi sẽ ít hơn năm ngoái vì tiền vốn năm nay bỏ ra cao hơn, đơn cử mỗi cây hoa cúc kể cả phân thuốc cần khoảng 700 đồng (cao hơn năm trước 100 đồng), trong khi giá bán ra mỗi cây chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng.
Mai một nghề làm hoa giấy
Chia tay với làng hoa Tiên Nộn, chúng tôi ngược dòng sông Hương để đến với phường Thủy Biều, TP. Huế, cũng là một thiên đường một thời của các loài hoa.
Vườn hoa của gia đình ông Trần Lâm, với hơn 8.000 gốc hoa trên diện tích khoảng 1 sào, chủ yếu trồng 2 loại hoa là vạn thọ và cúc vàng.
Ông cho biết, trên địa bàn phường Thủy Biều bây giờ chỉ còn gia đình ông trồng hoa Tết, các hộ còn lại sau vài năm lỗ vốn vì ảnh hưởng của thời tiết đã chọn biện pháp an toàn hơn là trồng rau màu. Hoa của gia đình ông chủ yếu tiêu thụ ở chợ A Lưới và Nam Đông, còn một số ít bỏ cho các mối quen ở chợ Đông Ba.
Là làng làm hoa giấy có truyền thông lâu đời nhưng ngày nay người dân làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, không còn mặn mà với hoa giấy nữa và nghề này đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.
Ông Nguyễn Văn Yến, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm hoa giấy, đang hoàn thành những bông hoa cuối cùng để kịp bán tết. Năm nay gia đình ông làm 1.000 cặp hoa nên cũng khá rảnh rỗi, còn làm nhiều thì sợ không bán hết.
Trước đây cả làng có hơn 50 nhà làm hoa giấy nhưng bây giờ thì còn chưa tới 5 nhà và số lượng cũng không đáng kể. Nguyên nhân người dân làng Thanh Tiên bỏ nghề làm hoa giấy là do giá nguyên vật liệu bây giờ quá đắt mà hoa bán ra thì lại quá rẻ nên thu nhập khá thấp.
Thùy Vân