Đó là lời tâm sự của cựu chiến binh, thương binh ¾, ông Nguyễn Đức Hồng (74 tuổi, ngụ thôn Tân Hạ, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Mỗi khi nhắc lại chuyện tình của mình với liệt sỹ Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng của 10 cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, ông đều có những hoài niệm bi hùng, xen chút tiếc nuối như thế.
Hẹn ước thời chiến
Nhắc lại mối tình dang dở nhưng đáng quý thời thanh niên, ông Hồng chia sẻ, ông và bà Tần quen nhau từ ngày còn thắt bím tóc đuôi gà. Nhà chỉ cách nhau mấy dậu mùng tơi, nên từ nhỏ ông và cô gái hàng xóm như đôi bạn tri kỷ.
“Tần có năng khiếu về môn Văn nhưng lại yếu về môn Toán, còn tôi thì ngược lại nên chúng tôi trở thành “cặp bài trùng” ngay từ những ngày tháng cắp sách đến trường. Học xong phổ thông, cả hai lại cùng tham gia sinh hoạt đoàn thể ở địa phương, gặp nhau nhiều nên tình cảm cứ thế đến tự nhiên”, ông Hồng hồi tưởng.
Tuy vậy, để tán đổ cô gái hàng xóm, ông Hồng phải “đeo bám” thời gian dài. Bởi, Tần là con gái “rượu” trong một gia đình nề nếp, vừa có học, lại xinh đẹp nên có nhiều chàng trai theo đuổi. “Nhưng không hiểu sao, cô ấy lại chọn tôi”, lời ông Hồng.
|
Ông Hồng kể lại chuyện tình với nữ liệt sỹ Võ Thị Tần. |
Tình yêu của đôi bạn trẻ được hai gia đình chấp thuận. Tháng 10/1964, hai bên làm lễ dạm ngõ. Ông Hồng vẫn còn nhớ như in lễ vật ngày hôm đó ông và gia đình mang đến nhà gái gồm một con lợn gần tạ ba, sau đó đem chia thịt lợn và một cái bánh chưng, cau trầu cho bà con hai họ. Sau lễ dạm ngõ, hai bên gia đình đã coi hai người như con cháu trong nhà.
Khi ngày cưới đã gần kề, bất ngờ ông Hồng nhận được lệnh tòng quân. Chàng trai phải trải qua quãng thời gian dài đấu tranh tư tưởng giữa việc đi hay ở nhà. Áp lực càng lớn khi gia đình bên ngoại liên tục yêu cầu chàng rể tương lai ở nhà để lấy vợ, sinh con đẻ cái. Nhưng vì tình yêu quê hương, ông không cho phép lựa chọn hạnh phúc cá nhân mà quên đi bổn phận với quê hương, đất nước. Ông càng có thêm động lực khi quyết định của mình được vợ sắp cưới chấp thuận, ủng hộ.
Tối trước ngày lên đường, ông sang thăm vợ sắp cưới và chào gia đình bên ấy. Mặc dù đã làm lễ dạm ngõ, nhưng thường mỗi lần sang chơi, cặp vợ chồng sắp cưới chỉ dám ngồi đối diện nói chuyện dưới ánh đèn dầu, còn cha mẹ bà Tần cứ vào ra gần đó. Song hôm ấy, hai cụ bỗng dưng ra ngoài sân để đôi trẻ trong nhà tự nhiên tâm sự. Gần hai tiếng đồng hồ trôi qua, cả hai không nói được với nhau một câu nào cho trọn vẹn. Nhưng sự đồng cảm giúp họ ấm lòng và tiếp thêm nghị lực cho cả hai.
|
Những di vật của liệt sỹ Tần trưng bày ở khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. |
Ngày chàng trai vác ba lô lên đường nhập ngũ, cô gái trẻ đã trao vội cho người chồng sắp cưới lọn tóc thề thay lời hẹn ước, còn chàng trai đưa cho cô gái chiếc lược kỷ niệm. Kỷ vật ấy như sợi tơ hồng đính ước hẹn ước ngày đất nước ca khúc khải hoàn mà cả hai hằng liên tưởng. Lần đó, ông Hồng cùng đồng đội hành quân bộ từ quê hương đến địa đầu tuyến lửa Vĩnh Linh – Quảng Trị trở thành thế hệ đầu tiên của Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến.
Từ ngày nhập ngũ, hai người liên lạc với nhau qua những cánh thư. Nhưng sợi dây liên lạc bị gián đoạn từ ngày ông được lệnh ra bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Hơn bốn năm chiến đấu, ông cùng đồng đội vào sinh ra tử, cùng quân và dân nơi địa đầu tuyến lửa bảo vệ từng tấc đất ngọn cây. Giữa năm 1968, trong một trận chiến đấu giữ đảo, ông Hồng bị trọng thương. Sau một thời gian điều trị, ông được trở về thăm quê. Tưởng rằng, người lính sẽ được gặp lại người thương, ai ngờ mộ Tần cỏ đã phủ một màu xanh. Người con gái ấy đã hy sinh hơn một năm về trước trong trận đánh ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc.
Nửa thế kỷ thờ vợ sắp cưới của chồng
Ông Hồng nhận được tin dữ về vợ sắp cưới khi đi qua thị trấn Nghèn (Can Lộc) thông qua một người cùng quê. Trước đó, cả quãng đường từ Quảng Trị về quê dài hàng trăm cây số nhưng ông không thấy mệt. Từ khi nhận được hung tin, quãng đường chưa đầy hai cây số trở nên trĩu nặng. Cầm trên tay bức ảnh và lọn tóc thề của Tần, nước mắt ông giàn giụa.
“Lúc đó đầu óc tôi choáng váng, không ngờ rằng mình phải gánh chịu sự mất mát quá lớn vậy. Trong suốt thời gian chiến đấu, tôi chưa bao giờ thôi nhớ về người vợ hẹn ước nơi quê nhà. Ấy vậy mà, ngày tôi được nghỉ phép trở về, thì cô ấy đã vĩnh viễn về với đất mẹ…”, ông xúc động nhớ lại.
Vợ sắp cưới hy sinh, ông Hồng vẫn lặng lẽ một mình, ngày ngày qua chăm sóc bố bà Tần. Cảm động tấm chân tình đó, cụ ông nhiều lần khuyên con rể hụt “đi bước nữa” nhưng lần lữa mãi ông Hồng nhất quyết không chịu. Rồi sau hơn 2 năm mãn tang con gái, chính người cha dẫn về một người con gái làm mối cho ông Hồng là bà Võ Thị Minh (năm nay 69 tuổi). Nhờ sự tác hợp đó mà bây giờ vợ chồng ông Hồng, bà Minh đã có nửa thế kỷ bên nhau và có 4 người con.
|
Vợ chồng ông Hồng, bà Minh. |
Bà Minh tâm sự: “Trước khi lấy ông Hồng, tôi biết rõ về mối tình của ông với chị Tần. Nhưng tôi luôn tôn trọng quá khứ của ông ấy. Từ ngày về làm vợ ông, tôi coi chị Tần như chị cả. Vậy nên, mỗi lần đến ngày giỗ chạp, tôi đều làm mâm cơm thắp hương cho chị. Không chỉ anh Hồng, trong gia đình tất cả mọi người đều tưởng nhớ và coi chị Tần như người thân trong gia đình”.
Cũng vì cảm động trước mối tình chung thủy của chồng, bà Minh đã rước ảnh liệt sỹ Tần về thờ trong chính ngôi nhà của mình. Hàng ngày, bà cùng chồng lo hương khói cho người “chị cả”. Không những vậy, gần 50 năm qua, cứ đến ngày giỗ bà Tần, vợ chồng ông Hồng, bà Minh lại tất bật làm mâm cơm cúng rồi chạy lên Ngã ba Đồng Lộc, nơi liệt sỹ Tần đã anh dũng hi sinh để thắp nén hương. Bà Minh tâm sự từ lâu liệt sỹ Tần đã là một thành viên trong gia đình bà, vừa gần gũi thân thiết như máu thịt, vừa linh thiêng để ngưỡng vọng, tôn thờ.
|
Vợ chồng ông Hồng thờ liệt sĩ Tần tại nhà. |
Nói thêm về cuộc sống hiện tại của vợ chồng mình, bà Minh tâm sự: “Đến nay trong cơ thể ông nhà tôi vẫn còn 6 viên đạn. Mỗi lúc trái gió trở trời, ông ấy lại đau nhức, đã vậy ông còn mắc nhiều chứng bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp, run tay run chân… nên sức khỏe rất yếu”. Cách đây vài tháng, ông bị tai biến phải nhập viện cấp cứu. Nhờ được cứu chữa kịp thời nên ông Hồng có thể đi lại được, tuy nhiên các khớp tay, chân bị ảnh hưởng. “Mỗi ngày tranh thủ thời gian rảnh, tôi lại xoa bóp các khớp tay cho ông ấy. Như vậy vừa đỡ nhức, vừa cải thiện sức khỏe”, bà Minh tâm sự.
Con cái giờ đã ra nhà cửa, chỉ còn hai vợ chồng sống với nhau lúc tuổi già. Họ vừa yêu thương nhau vừa cùng trân trọng quá khứ, nhớ đến người con gái đã nằm lại nơi chiến trường.