Người vợ không dám ly hôn

(PLO) - Em với chồng mới cưới 2 năm nhưng giờ anh ấy thay đổi quá. Lúc chưa cưới, em thấy anh hiền và thương em lắm. Từ khi quyết định cưới là anh bắt đầu thay đổi...

Trong số các bức thư gửi đến email của Thanh Tâm, đây có lẽ là bức thư ngắn nhất. Nhưng nó lại khiến Thanh Tâm chú ý vì mở đầu đã là nỗi tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết.

“Mong chị cho em lời khuyên, em đang chán ghét cuộc sống này quá chị. Nếu không có đứa con gái nhỏ tuổi, chắc em kết thúc cuộc sống này từ lâu rồi.

Em với chồng mới cưới 2 năm nhưng giờ anh ấy thay đổi quá. Lúc chưa cưới, em thấy anh hiền và thương em lắm. Từ khi quyết định cưới là anh bắt đầu thay đổi. Anh sống quan trọng nhất là bạn bè, còn đối với mẹ con em, kể cả gia đình anh nữa, anh sống bạc bẽo lắm.Giờ em muốn ly hôn nhưng em rất sợ

Bình thường anh còn được, chứ nhậu vào như người đa nhân cách, chửi rủa em, xúc phạm em đủ thứ. Mẹ con em về ngoại, nếu không có ai chơi thì anh gọi hỏi thăm mà hễ có bạn bè nhậu nhẹt là cả ngày không gọi. Vợ chồng em từ lúc cưới xong hầu như không nói chuyện với nhau. Anh không tâm sự, không chia sẻ gì với em cả. Em có hỏi anh cũng không nói, em chán vô cùng.

Giờ em muốn ly hôn nhưng em rất sợ. Em sợ có ngày anh nhậu, gây sự chắc giết em chết mất. Em không sợ chết nhưng sợ con em không ai nuôi. Em thấy cuộc sống của em chẳng có gì vui cả. Em đã bất hạnh từ nhỏ, giờ lại không được yêu thương, em phải làm sao đây chị? Em đang tuyệt vọng quá chị ơi”. Lê Ngọc Hân (Đà Nẵng)

Người vợ không dám ly hôn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thanh Tâm đã hồi âm ngay cho cô gái để xoa dịu tâm trạng bức bối của cô. Thực tế, rất nhiều cô gái, chàng trai cảm thấy hẫng hụt, không nhận ra người yêu của mình trong hình hài người chồng, người vợ. Họ quên mất rằng, lúc yêu nhau có nhiều thời gian, không gian giúp cho nỗi cáu giận, bực bội của họ được giải tỏa.

Chỉ cần không nhìn thấy nhau, về nhà của mỗi người là đã dễ dàng hạ hỏa. Còn lấy nhau rồi, lúc nào họ cũng nhìn thấy nhau, ăn với nhau, ngủ cùng giường, đã bực càng bực, không tự thích nghi sẽ thấy khó chịu vô cùng. Cho nên thời gian 3 năm đầu chung sống mới là giai đoạn khó khăn của các cặp vợ chồng vì đó là giai đoạn cần chống sốc, để thích nghi và dần đưa ra những nguyên tắc chung cho gia đình nhỏ.

Thanh Tâm khuyên cô bình tĩnh, xây dựng lại nề nếp gia đình. Cần có sự phân công việc nhà, việc chăm sóc con cái giữa hai vợ chồng hợp lý để tăng những mối quan tâm chung của hai người, củng cố tình cảm cha con, vợ chồng chặt chẽ, gần gũi.

Đừng chờ đợi người đàn ông tự hiểu những mong muốn, nhu cầu của mình mà đưa ra yêu cầu hoặc chủ động chỉ cho họ thấy. Như khi về quê, thấy chồng không gọi điện thì để con gọi về cho bố, kể bố nghe được gặp những ai, mọi người hỏi thăm bố thế nào, được ăn món gì ngon, nhớ bố như thế nào, dặn bố ở nhà ăn uống cẩn thận, luôn nhớ đến hai mẹ con...

Hay biết chồng có gặp bạn bè thì hỏi thăm về những người bạn của chồng, dặn chồng uống rượu rồi đừng tự đi xe máy về nhà nguy hiểm, bị say thì pha cốc nước chanh đường muối uống cho giải rượu... Những cuộc điện thoại ấy giải quyết việc mình chờ mong chồng gọi điện, đồng thời thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương của vợ dành cho chồng, con dành cho cho bố, kéo các thành viên trong gia đình lại gần nhau hơn.

Nếu làm mọi cách mà mọi việc vẫn không khả quan, chồng vẫn gia trưởng, đánh vợ, quát con, mỗi khi say lại trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi của vợ con thì đừng để nỗi sợ ấy phủ mờ quyết tâm bảo vệ sự an toàn của mình và con gái. Cuộc sống vốn rất mong manh, hãy cố mà tận hưởng trọn vẹn từng giây phút được sống. Chứ có chồng mà chán mọi thứ, tự muốn chết thì còn tồi tệ và đáng sợ hơn nhiều.

Đọc thêm