Người xưa nhìn sự vật, hiện tượng “bắt bệnh ông Trời” ra sao? (tiếp theo và hết)

(PLVN) -  Ngày nay, dù khoa học về lĩnh vực khí tượng thủy văn đã phát triển ở tầm cao mới, khoa học đã dự báo tình hình thời tiết sắp diễn ra. Tuy nhiên, những kinh nghiệm dân gian về dự báo thời tiết được người xưa đúc rút và truyền từ đời này qua đời khác vẫn đúng. 
Người xưa nhìn hiện tượng dự đoán thời tiết để áp dụng sản xuất (Ảnh minh họa)
Người xưa nhìn hiện tượng dự đoán thời tiết để áp dụng sản xuất (Ảnh minh họa)

Xem động vật, cây cỏ đoán thời tiết 

Động vật và thực vật trong tự nhiên cũng có những quy luật và tập tính hoạt động riêng của nó, khi thời tiết có sự chuyển biến thay đổi thì nó cũng thay đổi theo. Do những phản ứng này ở động thực vật xảy ra nhanh chóng và biểu hiện rõ ràng hơn nên từ những kinh nghiệm quan sát của mình người xưa dựa vào đó để dự báo chuyển biến tiếp theo. Ví dụ: chuồn chuồn bay thấp thì mưa; kiến dọn tổ thì chuẩn bị có mưa lụt; mối cánh bay báo hiệu sắp mưa dông, ếch kêu uôm uôm/ Ao chuôm đầy nước...

Khi nhìn trên lưng rùa đổ mồ hôi thì khi ra ngoài phải cầm ô theo, khi quan sát thấy lưng rùa có lấm tấm nước, đường viền trên lưng rùa có màu xạm đi đó là điềm báo trước sẽ có mưa. Nếu lưng rùa khô, các đường viền rõ nét thì sẽ không có mưa, thời tiết khô nóng.

Thời tiết có những diễn biến phức tạp, khó lường
Thời tiết có những diễn biến phức tạp, khó lường   

Trên thực tế rùa không hề toát mồ hôi, đó là hiện tượng không khí ấm ẩm tạo thành nước đọng trên mai rùa. Nếu thấy rắn chạy qua đường hoặc rắn nước cuộn ở đầu cây gỗ, ếch kêu uôm uôm, kiến đen tha trứng lên cao, giun bịt lỗ, chuồn chuồn bay thấp, ve sầu kêu rồi nghỉ ngắt quãng, cá nhảy lên bờ, cá sông quẫy nước tạo thành hình bông hoa thì trời sắp đổ mưa hoặc có mưa lớn.

Trong quá trình quan sát người xưa bằng kinh nghiệm của mình biết được những hiện tượng trên. Trên thực tế, thông thường trước khi mưa khí ẩm tăng lên, luồng khí chìm xuống thấp hơn bình thường, độ ẩm tăng cao khiến động vật có những phản ứng sinh lí như đã kể trên. Những hiện tượng động thực vật phản ứng trước khi mưa cũng giống như con người cảm thấy mệt mỏi, bức bối khó chịu, người già thấy đau nhức xương khớp, đau lưng, chỗ bị thương phát ngứa mỗi khi chuẩn bị mưa vậy.

Quan sát những ngày quan trọng trong nông lịch

 Muốn biết những ngày tiếp theo trong tháng có diễn biến thời tiết như thế nào, người ta có thể để ý các ngày mồng hai, mồng ba và ngày 15-16, nếu các ngày này có thời tiết không được tốt thì có thể những ngày tiếp theo thời tiết cũng không được tốt lắm. Nếu muốn biết tiếp theo có mưa hay không thì có thể để ý ngày 23 của tháng đó có mưa hay không. Nếu mưa đúng vào ngày mồng bốn đầu tháng thì tháng đó mưa nhiều. Muốn biết năm đó có hạn hán hay không thì để ý ngày 13/5 xem có mưa hay không, nếu ngày này có mưa thì thời gian tiếp theo không phải lo thiếu nước và ngược lại.

Vốn dĩ việc quan sát một ngày cụ thể nào đó có thể dự đoán những diễn biến tiếp theo của thời tiết trong thời gian tiếp theo là do người ta phát hiện ra rằng, luồng khí nóng lạnh thường xuất hiện trong một ngày cố định nào đó trong nông lịch. Nông lịch lại có quan hệ mật thiết với mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng mạnh yếu có sự thay đổi mang tính chu kì có ảnh hưởng đến bầu khí quyển và thủy triều.

Từ đó khiến luồng khí nóng lạnh đó hoạt động tương đối cố định có tính chu kì, ảnh hưởng đến sự thay đổi thời tiết tiếp theo. Ngoài ra, khi quan sát người ta cũng phát hiện ra rằng các mùa cũng có quan hệ với nhau. Nếu mùa xuân mà mưa ít thì mùa hạ sẽ mưa nhiều, nếu mùa xuân không có gió to thì mùa hạ mưa ít. Nếu ngày “đại thử” mà không có mưa thì mùa thu dễ hạn hán. Nếu mùa hè mát mẻ thì mùa thu dài. Nếu mùa thu hạn hán thì mùa đông lạnh lẽo.

Nếu mùa đông có sấm động thì mùa xuân có mưa. Tháng bảy xuất hiện kiến đàn thì đại hàn có hồng thuỷ. Nếu không có gió xuân thì không có mưa thu. Nếu mùa xuân có mấy lần gió lớn thì mùa thu có ngần ấy lần mưa to. Đầu năm sương muối, cuối năm gió bấc. Những kinh nghiệm này chủ yếu được áp dụng ở khu vực phía bắc.

Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những kinh nghiệm quý báu về việc xem hiện tượng đoán thời tiết có trong kho tàng ca dao tục ngữ được truyền tụng lại: Đêm trời tang, trăng sao không tỏ/ Ấy là điềm mưa gió tới nơi. Đêm nào sao sáng xanh trời/ Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày. Những ai chăm việc cấy cầy/ Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm. Nhiều chống càng tốt, nhiều cột càng bền; Kiến đen tha trứng lên cao/ Thế nào cũng có mưa rào rất to; Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước; Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

Rồi thì những kinh nghiệm quý giá về mưa nắng áp dụng vào sản xuất như: Tháng ba lúa trỗ đầu bờ/ Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên. Hàm ý tầm tháng ba hàng năm, lúa đang thì con gái mà nghe tiếngg sấm báo hiệu mưa rào, mưa dông là thời tiết thuận lợi, lúa tốt, mùa màng bội thu. 

Hay: Mồng chín tháng chín có mưa/ Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn. Mồng chín tháng chín không mưa/ Thì con bán cả cày bừa đi buôn. Ý nói nếu mồng chín tháng chín không mưa báo hiệu năm đó thời tiết khô hạn, mùa màng thất bát, nhà nông nên chuyển nghề khác. 

Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn. Cơn đằng đông, chẳng mưa dông thì bão giật. Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa; Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống; Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy. Cơn đằng nam, vừa làm vừa chơi. Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang/ Mây kéo lên ngàn, thì mưa như trút; Cầu vồng móng cụt, không lụt thì mưa; Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa…

Đọc thêm