Hạn mặn xâm nhập sâu chưa từng thấy
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tại ĐBSCL, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã được các cơ quan nghiên cứu, dự báo từ sớm (tháng 9/2019, Thủ tướng đã họp với các địa phương tại Tiền Giang) và đề ra các phương án ứng phó.
Xâm nhập mặn năm nay xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ giữa tháng 12/2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4g/lít ở sông Hàm Luông cao nhất đến 57km, cao hơn năm cùng kỳ năm 2015 là 17km).
Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dự báo mức độ, phạm vi xâm nhập mặn 4g/lít tại các cửa sông sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và kỷ lục năm 2016. Sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập 100km, sâu hơn trung bình nhiều năm 40km, sâu hơn năm 2016 là 3km. Phạm vi xâm nhập vùng sông Vàm Cỏ Tây là 110km, sâu hơn trung bình nhiều năm 52km, sâu hơn năm 2016 là 5km.
Vùng các cửa sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng ở từng cửa sông từ 55-80km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 23-49km. Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) bị mặn xâm nhập 70km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30km.
Những hiện tượng này tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt và đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ). Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn.
Nông dân miền Tây bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây |
Nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.
Một số địa phương đã chủ động chỉ đạo, triển khai sớm, có hiệu quả một số giải pháp như điều chỉnh giảm diện tích lúa Đông Xuân còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm khoảng 50.000 ha; đẩy sớm khung thời vụ sản xuất ngay từ tháng 10/2019 nhằm tránh giai đoạn mặn căng thẳng nhất; hình thành các vùng chuyên canh thích ứng tình trạng thiếu nước ngọt.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình kịp đưa vào phục vụ trong mùa khô năm 2019-2020; chủ động trữ nước ngọt tại các hệ thống thuỷ lợi, kênh rạch,...; phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất các thiết bị tích trữ nước, lọc nước cho người dân.
Ưu tiên đầu tiên bảo đảm đời sống nhân dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vùng ĐBSCL là vùng trù phú, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho toàn vùng và cả nước. Tình hình hạn mặn dự báo xảy ra nghiêm trọng, đòi hỏi tất cả cần nỗ lực, chung tay thực hiện các giải pháp phòng - chống, giảm nhẹ tác hại; ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay cũng như bảo đảm thích ứng lâu dài. Trong đó, ưu tiên đầu tiên phải bảo đảm đời sống của người dân; bảo đảm nước cho sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp; bảo vệ mùa màng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chăm lo, bảo đảm cho đời sống của người dân với phương châm không được để dân thiếu nước sinh hoạt và không để bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Yêu cầu các địa phương, đến từng ấp phải chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt lưu ý nguồn nước cho các bệnh viện, trạm y tế, trường học...; có các biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt; chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp duy trì sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất; tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị sang khu vực nông thôn lân cận. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
Bộ NN&PTNT phối hợp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giống phù hợp với tình hình sản xuất vụ Đông Xuân; gia cố đê bao, bờ bao, bảo vệ vùng cây ăn trái tập trung; tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, cống, hệ thống kênh mương; chủ động tích nước trong các hồ chứa, đầm, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch, đoạn sông/kênh cụt để sử dụng trong giai đoạn cao điểm; lắp đặt vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn.
Các Bộ Ngoại giao, NN&PTNT, TN&MT phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về sử dụng nguồn nước nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ nguồn lực… Trong đó, đặc biệt hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mekong chia sẻ thông tin về vận hành xả nước các công trình thuỷ điện để tăng cường dòng chảy về ĐBSCL.