Trong vài tháng qua, dư luận bất ngờ với hình ảnh đàn khỉ tràn xuống chùa Linh Ứng và đào bới rác kiếm ăn. Nhiều bầy còn đổ bộ trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà để xin thức ăn du khách, hoặc tấn công, giật được đồ ănmới chịu rời đi.
Vấn đề khỉ tấn công du khách không còn mới ở Sơn Trà (Đà Nẵng). Trước đó, vào tháng 3/2015 và tháng 10/2018 đã từng có trường hợp khỉ gây thương tích cho du khách khi tham quan. Nguyên nhân được xác định bắt nguồn từ việc du khách lại gần, mang theo thức ăn và trêu chọc khỉ khiến chúng có phản ứng tấn công người trở lại.
Nhiều chuyên gia cảnh báo việc cho khỉ ăn có thể làm biến đổi tập tính săn hái quả của loài linh trưởng này. Thay vì tìm kiếm thực vật rừng, chúng sẽ tìm đến những điểm du lịch, nơi tụ tập đông người để xin ăn.
Du khách cũng có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh khi bị khỉ trèo lên người cào cấu, tấn công.
Nhằm ngăn chặn hệ lụy xấu, phía Ban quản lý Sơn Trà cũng nhiều lần nhắc nhở khách tham quan không được lại gần chụp ảnh, không cố gắng tiếp xúc hoặc nhử đồ ăn cho động vật đến lấy, không tụ tập đám đông quan sát và gây nên sự lo sợ dẫn đến động vật tấn công để phản vệ.
Thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho thấy, toàn Bán đảo Sơn Trà hiện có 6 bảng tuyên truyền du khách không cho khỉ ăn được lắp đặt. Song những sự việc như trên vẫn lặp lại, cho thấy khuyến cáo từ phía các ban ngành quản lý còn khá nhiều bất cập.
Vậy nếu có sự cố xảy ra, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Doanh nghiệp du lịch hay cơ quan quản lý?
Bên cạnh khuyến cáo như thế nào và hiệu quả ra sao, cũng cần nhắc đến câu chuyện ý thức của du khách. Tâm lý tò mò, thích thú và muốn chụp ảnh khiến không ít người chẳng ngần ngại đưa cho khỉ bất cứ thứ gì họ nghĩ chúng ăn được để nhử chúng lại gần.
Được nhiều chuyên gia thế giới đánh giá nước ta có sự đa dạng sinh học rất là cao, dường như đa số người Việt vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phải bảo tồn cho được các loài thú của Việt Nam.
Phát triển du lịch không chỉ gắn với mục tiêu thúc đẩy kinh tế mà còn cần bảo tồn sự phát triển tự nhiên của hệ sinh thái về lâu dài.
Ngoài bán đảo Sơn Trà, nhiều địa điểm du lịch đồng thời là môi trường sống của các loài động vật hoang dã như linh trưởng, rắn, dơi, công, cò, sáo… cũng đang đối mặt với nguy cơ thay đổi tập quán sinh sống bởi sự đổ bộ của du khách.
Vụ việc khỉ tấn công du khách là một biểu hiện biến tướng theo chiều hướng tiêu cực của nguy cơ nói trên, gây nguy hại trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng con người.
Bởi vậy, thiết nghĩ cần có sự định hướng và quản lý chặt chẽ hơn từ Ban quản lý cũng như các cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt khi ý thức du lịch của khách tham quan còn kém.