Nguyên hiệu trưởng trường mầm non lãnh 20 năm tù vì làm giả hồ sơ chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng

(PLVN) - Khi đang giữ chức hiệu trưởng một trường mầm non, Nguyễn Thị Lệ Hiền đã thông đồng với các đối tượng làm giả hồ sơ, tài liệu để vay vốn, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của nhiều ngân hàng.
Bị cáo Hiền (thứ 2 từ trái qua) và các bị cáo tại phiên tòa xét xử.
Bị cáo Hiền (thứ 2 từ trái qua) và các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Hiệu trưởng “phù phép”, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Ngày 1/12, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Chủ mưu trong vụ án này là hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn.

Theo cáo trạng, từ năm 2010 - 2015, Nguyễn Thị Lệ Hiền (SN 1967, ngụ xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Thọ 2 ký hợp đồng liên kết với 2 ngân hàng cho cán bộ nhân viên của cơ quan được vay tín chấp. 

Sau đó, Hiền ký xác nhận cho nhiều giáo viên của Trường Mầm non Xuân Thọ 2 và bản thân vay tín chấp tại 2 ngân hàng nói trên. Qua làm hồ sơ vay, Hiền thấy các ngân hàng cho vay thủ tục đơn giản, hồ sơ xin vay chỉ gồm giấy đề nghị vay vốn có xác nhận đóng dấu của lãnh đạo đơn vị và công đoàn trường, các tài liệu khác là bản photo nên đã nảy sinh ý định làm giả hồ sơ cho người không phải là giáo viên vay tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Từ tháng 7/2016 - 2/2018, Hiền đã gặp nhiều người dân ở địa phương nói rằng mình cần tiền trả nợ, đầu tư nuôi tôm, ốc nhưng đã vay tiền. Dù vậy, hiện còn một vài suất để cho giáo viên của Trường Mầm non Xuân Thọ 2 vay nên nhờ những người này đứng tên giả là giáo viên của trường vay tiền cho Hiền. Nếu họ tên vay thì Hiền sẽ trả tiền công. Hiền nói bản thân là hiệu trưởng, chồng là giáo viên lương cao nên sẽ trả gốc, lãi đầy đủ cho ngân hàng. Do vậy, những người này đồng ý, đưa giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho Hiền làm hồ sơ vay.  

Sau đó, Hiền lấy mẫu hồ sơ của ngân hàng hướng dẫn người vay điền thông tin và ký tên vào giấy đề nghị vay vốn. Hiền ký giả tên người thừa kế và ký xác nhận, đóng dấu của trường vào các mục lãnh đạo đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn Trường Mầm non Xuân Thọ 2. 

Tiếp đó, Hiền lập bảng thanh toán tiền lương có tên người đứng vay rồi ký xác nhận, đóng dấu với tư cách là hiệu trưởng và photo sổ hộ khẩu, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của một số cán bộ lưu tại trường, sau đó xóa họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, cắt dán chỉnh sửa, photo lại cho phù hợp với thông tin người đứng tên vay. Hiền lấy mẫu hình dấu của Trường Mầm non Xuân Thọ 2 tẩy xóa sửa lại thành hình dấu của Trường Tiểu học Xuân Thọ 2.

Tổng cộng Hiền đã làm giả 108 tài liệu, hình dấu của cơ quan, tổ chức, gồm: 56 quyết định về việc nâng bậc lương cho cán bộ, công chức, viên chức; 3 sổ bảo hiểm xã hội; 12 thẻ bảo hiểm y tế; 14 sổ hộ khẩu; 18 bảng thanh toán tiền lương; 5 hình dấu của trường và Ban Chấp hành Công đoàn Trường Tiểu học Xuân Thọ 2.

Trong số này, riêng việc làm giả quyết định nâng bậc lương cho cán bộ, công chức, viên chức, tháng 11/2016, Hiền gặp Trần Công Lý (SN 1954, ngụ phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, chủ một cơ sở in, photo) nói là Trường Mầm non Xuân Thọ 2 bị mưa ngập, hồ sơ của giáo viên bị thất lạc nên nhờ Lý làm quyết định về việc nâng bậc lương cho giáo viên để lưu hồ sơ. 

Lý đồng ý, sau đó bảo Phạm Hữu Hoàng Giang (SN 1995, ngụ phường Xuân Thành, nhân viên cơ sở in, photo của Lý) làm giả cho Hiền. Hiền lấy một quyết định về việc nâng bậc lương đưa cho Giang. Sau đó, Giang sử dụng máy tính, máy in làm giả quyết định về việc nâng bậc lương cho cán bộ, công chức, viên chức, giả chữ ký của Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu và hình dấu của UBND thị xã Sông Cầu, rồi in phun màu đưa cho Hiền. Xong việc, Lý thu của Hiền 4 triệu đồng tiền công.

Hiền sau đó sử dụng các tài liệu làm giả lập hồ sơ xin vay, rồi đưa cho 39 người đứng tên vay tiền, trong đó có 13 người vay 2 lần. Tùy theo quy định của từng ngân hàng, Hiền gửi hồ sơ xin vay trước để ngân hàng thẩm định hoặc người vay trực tiếp đem hồ sơ đến ngân hàng nộp. 

Để tránh bị phát hiện, Hiền đi cùng người vay đến ngân hàng và đưa một số thông tin cho người vay học thuộc khi cán bộ ngân hàng hỏi thì trả lời. Hiền và người đứng tên vay tiền thỏa thuận khi ngân hàng đồng ý duyệt cho vay thì ký nhận, rồi đưa tiền lại cho Hiền. Những người đã vay từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, rồi đưa lại cho Hiền tổng cộng 6,57 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Hiền trả tiền công theo thỏa thuận cho 24 người, với tổng số tiền 546,3 triệu đồng. 

Tưởng “ngon ăn”, ai ngờ “chết” chùm

Cũng theo cáo trạng, Trần Thị Nhật Lam (SN 1979) và Phạm Thị Thùy Linh (SN 1984, cùng ngụ phường Xuân Thành) là những người cung cấp thông tin để Hiền làm giả hồ sơ đứng tên là giáo viên của Trường Mầm non Xuân Thọ 2 vay tiền theo diện tín chấp.

Tuy nhiên, vào ngày 30/1/2018, sau khi được ngân hàng cho vay mỗi người 150 triệu đồng, Lam và Linh nảy sinh ý định chiếm đoạt nên không đưa lại cho Hiền như thỏa thuận, mà mỗi người chỉ đưa cho Hiền 20 triệu đồng trả công làm hồ sơ.

Trong khi đó, từ năm 2010, Nguyễn Thị Thu Mến (SN 1989, ngụ phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) là kế toán kiêm văn thư của Trường Mầm non Xuân Thọ 2, được Hiền phân công thu tiền gốc và lãi hàng tháng của các giáo viên đã vay để nộp cho ngân hàng. Tháng 8/2016, Mến phát hiện danh sách ngân hàng gửi thu hộ nợ có tên nhiều người không phải là giáo viên của trường nên hỏi thì Hiền thừa nhận đã nhờ nhiều người không phải là giáo viên đứng tên vay tiền cho mình.

Đến tháng 1/2017, Mến biết Hiền không còn khả năng trả nợ cho các ngân hàng và các khoản tiền vay nên bảo Hiền tuyên bố vỡ nợ nhưng Hiền không đồng ý. Hiền nói Mến giúp kiếm tiền trả nợ để không làm ảnh hưởng đến uy tín của mình. Mến đồng ý, thống nhất sẽ tìm người giới thiệu cho Hiền làm hồ sơ giả để người đó đứng tên vay tiền đưa lại cho Hiền trả nợ. 

Sau đó, Mến gặp 2 người nhờ đứng tên vay tiền cho Hiền, nếu vay được sẽ trả công. Những người này sau đó vay được 200 triệu đồng, rồi đưa lại cho Mến và được Mến trả công mỗi người 5 triệu đồng. Số tiền còn lại, Mến đưa cho Hiền. 

Tiếp đó, tháng 1/2018, Mến gặp nhờ một người giả giáo viên đứng tên vay tiền. Sau khi người này đồng ý, Mến làm giả quyết định về việc nâng bậc lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Sau đó, Mến lập hồ sơ hồ sơ giả để người này vay 150 triệu đồng, rồi đưa lại cho mình. Người này được Mến trả công 13 triệu đồng. Số tiền còn lại, Mến đem trả nợ thay cho Hiền.

Ngoài ra, trong thời gian từ ngày 14/8/2017 - 13/11/2017, Mến đã 9 lần cho Hiền vay tiền, tổng cộng 520 triệu đồng, mức lãi suất từ 122%/năm đến 365%/năm. Tổng số tiền lãi Hiền đã đưa cho Mến là 170,6 triệu đồng, trừ mức tiền lãi 20%/năm do Nhà nước quy định, số tiền lãi Mến thu lợi bất chính là hơn 155,8 triệu đồng.

Sau một ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lệ Hiền 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt là 20 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Thu Mến 5 năm 6 tháng tù về 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo Trần Thị Nhật Lam và Phạm Thị Thùy Linh mỗi bị cáo một năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; các bị cáo Trần Công Lý và Phạm Hữu Hoàng Giang mỗi bị cáo 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trong vụ án này, những người đứng tên vay tiền tuy có hành vi gian dối nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt và không biết mục đích của Hiền, Mến nhờ vay tiền để chiếm đoạt nên không đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đọc thêm