Nhà nhiếp ảnh Hữu Cấy |
Ở cương vị một cán bộ nhà nước, ông cũng hầu như chỉ gắn với công tác xuất bản thuộc ngành văn hóa, lúc đầu là biên tập viên Nhà xuất bản Mỹ thuật, rồi Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, sau cùng là Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc tại TP Hồ Chí Minh. Về địa bàn hoạt động, ông có mặt ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với riêng Thủ đô Hà Nội, có thể nói, ông gửi trọn tấm lòng thủy chung, luôn luôn đau đáu một niềm yêu thương, gắn bó.
Định cư tại Sài Gòn từ năm 1981, Nguyễn Hữu Cấy vẫn dành trọn trái tim mình cho chủ đề Hà Nội trong hoạt động nhiếp ảnh. Ai có dịp xem các sách ảnh: “Hồ Hoàn Kiếm thời gian và sự kiện” (Gồm tác phẩm của Hữu Cấy cùng em trai là Hữu Nền và các con, cháu là Hữu Vinh, Hữu Hinh và Hữu Nguyên) đặc biệt các sách cá nhân của riêng ông: “Việt Nam trong trái tim tôi” và “Ký ức Hà Nội” (1950 - 2010) qua hàng trăm bức ảnh, sẽ thấy rõ Hà Nội được phác họa sinh động trên chặng đường lịch sử của 6, 7 thập kỷ với những hình ảnh về nông thôn ngoại thành rồi những sự kiện hào hùng trong những năm 1950 - 1954, cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Hà Nội với những nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An, hấp dẫn và quyến rũ vỡi những danh lam thắng cảnh như Hồ Gươm, Cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, Chợ Đồng Xuân; Hà Nội tưng bừng, rạng rỡ với đoàn quân “tiến về giải phóng Thủ đô”, nhân dân nô nức với các chiến sĩ chiến thắng trở về, giây phút bộ đội ta kéo cờ lên Cột cờ Hà Nội vào chiều ngày 10-10-1954, đánh dấu thời khắc chủ quyền, độc lập của chính quyền cách mạng.
Gắn bó với Hà Nội, chuyên chụp về Hà Nội, nhưng Hữu Cấy cũng từng cầm máy đến nhiều vùng quê ghi lại các cảnh sinh hoạt đời thường của người lao động như “Kéo vó”, “Đi chợ”, “Cưa gỗ”, “Tát nước vào ruộng - nghiêng đồng đổ nước ra sông”; của các em học sinh bước vội vào trường. Ông cho biết là “đã lội bùn chụp ảnh cây lúa, ngâm mình dưới sông chụp ảnh nông dân làm thủy lợi, thậm chí còn treo mình trên cần cẩu để ghi lại những kết quả lao động của công nhân trên công trường”. Ông cũng là tác giả của những bức ảnh chụp quân dân Hà Nội và các địa phương khác ở miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, đặc biệt là ở trận địa pháo cao xạ…
Tại Thủ đô Hà Nội, Hữu Cấy có những kỷ niệm rất đáng nhớ về Bác Hồ kính yêu. Ông kể: Cuối năm 1966, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh Hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ tết 1967. 14 ảnh hoa đã được Ban tổ chức tuyển chọn, trong dó có hai bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy. Thật bất ngờ, chỉ ít lâu sau, nhà xuất bản nhận lệnh chọn những ảnh hoa đẹp để Bác Hồ dùng làm bưu thiếp chúc mừng năm mới các Nguyên thủ Quốc gia. Kết quả, Văn phòng Trung ương Đảng chọn hai bức hoa hồng của nghệ sĩ Hữu Cấy cùng bức ảnh hoa sen và hoa cúc vàng của hai tác giả khác. Trình lên Bác cả 4 ảnh đó để chọn một bức làm bưu thiếp chúc mừng năm mới. Cuối cùng, Bác chọn hai ảnh hoa hồng của Hữu Cấy. Tết năm sau (1968), Bác Hồ vẫn quyết định dùng bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy mà Trung ương Đảng đã dùng năm trước. Rồi dịp Tết 1969, Bác quyết định dùng lại bức Hoa hồng đó. Như vậy, suốt ba năm liền, Hữu Cấy vinh dự được Bác Hồ chọn ảnh hoa của ông để làm bưu thiếp mừng năm mới. Năm sau đó, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng đã chọn ảnh hoa hồng và ảnh hoa đào của Hữu Cấy để làm bưu thiếp chúc Tết.
Tác phẩm "Em yêu hòa bình" của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy
Hiện nay, tại nơi ở của ông (số nhà 31 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP Hồ Chí Minh), ông mở Phòng ảnh Hà Nội của mình, được nhiều người đến chiêm ngưỡng và giới thiệu trên các cơ quan truyền thông đại chúng. Ông vẫn dành thời gian ra thăm Hà Nội, chụp những công trình mới của Thủ đô, như các tòa nhà cao tầng ở Mỹ Đình, Linh Đàm, Cầu Thanh Trì, Trung tâm Hội nghị Quốc gia… Trong những chuyến hành hương đó, ông về thăm ngôi nhà cũ, dạo gót quanh Hồ Gươm, ngắm từng cành cây ngọn lá từng gắn bó với ông từ thời trai trẻ.
Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hữu Cấy nêu một tấm gương lao động nghệ thuật cho mọi người cầm máy và nhận nhiều Giải thưởng trong nước cũng như ở nước ngoài, trong đó có tác phẩm “Đi làm sớm” do Cộng hòa Dân chủ Đức tặng thưởng năm 1958; “Hoa muối” và “Sông Bến Hải” do Rumani tặng năm 1965 và “Thông cầu” do Liên Xô tặng năm 1973.
Vinh dự lớn nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông là ông đã được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2016 vừa qua cho chùm ảnh về Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm:
1. “Đoàn đại biểu Quân Giải phóng miền Nam vượt qua bom đạn ra viếng Bác”
2. “Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc Điếu văn”
3. “Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo khác trên Lễ đài”
4. “Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng an ủi các cháu thiếu nhi”
5. “Cả một biển người, một rừng cờ tang trên Quảng trường Ba Đình đau thương nhớ Bác”
Chụp ảnh về sự kiện trọng đại nói trên là đỉnh cao trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Hữu Cấy. Năm ấy, được tin Bác qua đời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đặt vấn đề với Nhà xuất bản điều một phóng viên ảnh túc trực trên khu Ba Đình ghi lại các hoạt động trong những ngày tang lễ để làm một cuốn sách về sự kiện này. Nghệ sĩ Hữu Cấy được Giám đốc giao thực hiện đề tài. Ông lên đường nhận nhiệm vụ với hai máy ảnh, một chụp phim màu theo yêu cầu của cơ quan, một chụp phim đen trắng cho riêng mình. Bộ ảnh Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành, song chưa được xuất bản, có lẽ - như Hữu Cấy nói - các cấp lãnh đạo không muốn gợi niềm đau thương lớn lao này trong nhân dân. Những tấm phim màu đen trắng chụp cho riêng mình vẫn được ông giữ đến ngày nay.
Về sự kiện trọng đại nói trên, thật ra có nhiều phóng viên và nhà báo được cử đến chụp, riêng Thông tấn xã Việt Nam có hàng chục người, nhưng họ được phân công chụp từng việc, từng cảnh, chứ không chụp toàn bộ diễn biến như Hữu Cấy. Ông là nhà nhiếp ảnh duy nhất có mặt trong suốt 9 ngày đêm tang lễ. Nhà báo Chu Chí Thành cho biết: các phóng viên khác đã chọn được nhiều ảnh xúc động lắm, thậm chí còn xuất sắc hơn ảnh của Hữu Cấy. Thông tấn xã Việt Nam đã biên tập làm nhiều bộ ảnh gửi đi toàn quốc và quốc tế. Đây là sản phẩm mang tính tập thể, mỗi tác giả có một hai ảnh trong bộ ảnh đó thôi. Còn cụm ảnh được trao Giải thưởng Nhà nước lần này là của một mình Hữu Cấy, người túc trực suốt những ngày tang lễ và ghi lại được đầy đủ các tình tiết quan trọng của sự kiện. Ông vô cùng phấn khởi vì serie ảnh ông hằng tâm đắc về ngày tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Hữu Cấy từng nói, trong đời chụp ảnh của mình, ông trải qua nhiều khoảnh khắc hào hùng và xúc động, nhưng, cảm động dâng trào nhất trong ông là những bức ảnh chụp trong tang lễ Bác Hồ. Lúc bấy giờ, cả Hà Nội sục sôi, ai cũng khóc, người cầm máy cũng khóc. Và Hà Nội ngập tràn trong dòng nước mắt tiếc thương. 9 ngày liên tục bên linh cữu Bác là những ngày mãi mãi không quên trong cuộc đời cầm máy của ông.
Được biết, Nguyễn Hữu Cấy đang chuẩn bị cho ra mắt một công trình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác phẩm ảnh của ông chụp Bác được sắp xếp theo trình tự thời gian mà ông có dịp thực hiện. Ông cho biết, cuốn sách cũng bao gồm những hình ảnh tư liệu thể hiện tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác Hồ. Chúng ta tin rằng, cuốn sách đó sẽ được mọi người chào đón trong tình cảm thiêng liêng nhất. Nó sẽ được đánh giá cao như sách ảnh “Việt Nam trong trái tim tôi” mà Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhận xét vào tháng 4 năm 2002 là: “MỘT CUỐN SÁCH LỊCH SỬ BẰNG ẢNH”.