Nguyên nhân chính khiến những người vợ rơi vào 'địa ngục'

(PLVN) - Ngày càng nhiều những vụ bạo hành gia đình ở mức độ nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, trong bóng tối, có biết bao nhiêu vụ việc đáng lo ngại vẫn được giấu giếm bởi những người trong cuộc. Và bạo hành gia đình là nguyên nhân lớn dẫn đến trầm cảm, hủy hoại cuộc sống hôn nhân, hủy hoại cả hạnh phúc lẫn tương lai của người phụ nữ.
Hình ảnh trích xuất từ camera vụ người chồng đánh vợ tàn nhẫn ở hồ bơi mới đây.
Hình ảnh trích xuất từ camera vụ người chồng đánh vợ tàn nhẫn ở hồ bơi mới đây.

Những người phụ nữ sống trong địa ngục

Chị Nguyễn K. B. hiện là bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM. Chị nhập viện do triệu chứng trầm cảm nặng, nhiều lần có ý định tự sát. Nhìn dáng vẻ lặng lẽ, ngơ ngác của chị giờ đây, ít ai biết chị B. từng là một hoa khôi sinh viên của ngôi trường chị theo học, một trường đại học có tiếng ở TPHCM.

Khi kết hôn, gia đình chị tưởng chừng mỹ mãn khi vợ làm công việc kế toán tại một công ty có yếu tố nước ngoài, còn chồng làm việc ở một công ty xây dựng lớn, cả hai vợ chồng thu nhập cao, có nhà cửa ổn định. Nhưng không ai biết, bắt đầu từ khi đứa con đầu lòng vừa mới 1 tuổi, chị B. bước vào cuộc sống hôn nhân địa ngục khi chồng chị bắt đầu “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với chị.

Ban đầu là cái tát tai khi vợ chồng cãi nhau. Dần dà, mức độ của những trận đòn ngày một tăng nặng với những cú đánh, đá. Dần dà đến dùng đồ đạc trong nhà đập vào người chị. Có lần, anh dùng ghế inox đập vào đầu chị suýt chấn thương sọ não, phải nhập viện mất mấy ngày. Những trận đòn ngày một dày đặc, cũng là lúc nỗi hoảng sợ trong chị lớn dần.

Đầu tiên là nỗi sợ hãi thon thót mỗi khi chồng có dấu hiệu cáu giận hay có việc bực dọc ở công ty. Rồi những cơn ác mộng thường xuyên. Vì không muốn cha mẹ buồn, chị giấu kín chuyện mình bị đánh, có việc gì xảy ra cũng âm thầm chịu đựng. Và cũng vì ngại người ta nói này nói nọ, chị không dám tâm sự, chia sẻ với ai.

Trong mắt mọi người, gia đình họ vẫn là một gia đình lý tưởng. Không ai ngờ, đằng sau đó là bi kịch hôn nhân mà chị B. phải gánh chịu. Dần dà, chị trở nên âm thầm, ít nói, không muốn tiếp xúc với bên ngoài. Sự thu mình, không chia sẻ với ai khiến chị ngày càng thu hẹp trong thế giới của mình. Chẳng ai biết gì cho đến khi chị B. uống thuốc ngủ tự sát lần đầu.

Chỉ đến lúc đó, mọi người mới biết phần nào những gì chị đang chịu đựng. Trở về từ bệnh viện, chị càng lầm lũi hơn. Sau lần thứ 3 chị tự sát không thành, bác sĩ chẩn đoán chị trầm cảm nặng, buộc phải nhập viện vào bệnh viện tâm thầm để điều trị. Cô hoa khôi ngày nào giờ đã trở thành bệnh nhân trầm cảm. Một gia đình đẹp đã tan nát.

Chị B. không phải là nạn nhân duy nhất của hội chứng trầm cảm do bạo lực gia đình. Tại BV Tâm thần TPHCM cùng nhiều BV khác trên cả nước, có không biết bao nhiêu người phụ nữ vì bị nhận những trận đòn thường xuyên từ chồng của mình mà trở nên rối loạn tâm lý, trầm cảm, mất kết nối với cuộc sống. 

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Mới đây, một clip về nạn bạo hành gia đình được tung lên mạng đã khiến người xem kinh hãi. Tại khu hồ bơi gia đình, người chồng trong clip đã dùng tay bóp cổ vợ, liên tục dìm xuống nước và không hề chùn tay khi vợ vùng vẫy. Chưa hả, khi chị vợ thoát lên bờ, anh chồng còn lao theo ném vợ xuống đất, đánh vợ… khiến chị ngất đi và phải nhập viện vì đa chấn thương. 

Trước đó, clip anh chồng võ sư đánh, đá vợ một cách tàn nhẫn khi người vợ đang ẵm con sơ sinh khiến người dân cũng hết sức phẫn nộ.

Chỉ vì vợ muốn chuyển tivi vào phòng để con trai bớt coi phim, hai vợ chồng xảy ra tranh cãi và anh võ sư này đã đánh vợ “như bao cát”. Một anh chồng khác, công tác tại một đơn vị nhà nước phía Bắc, cũng đã lộ clip đánh vợ ngay trước mặt các con mình, khi vợ trên tay bế con nhỏ.

Đó chỉ là những sự việc bị lộ trên truyền thông do các camera vô tình quay được. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, trên cả nước, có biết bao nhiêu người vợ đang trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình, bị vùi dập cả thân xác lẫn tinh thần, bị trầm cảm, sống trong địa ngục của hôn nhân bạo lực?

Tìm lại chính mình!

Những trận đòn kéo dài từ bạn đời khiến cho những người phụ nữ bị bạo hành ngày càng đi xuống về tinh thần, tâm lý. Nhưng cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến những người vợ càng càng sa sút, không thoát ra khỏi vũng lầy hôn nhân là sự câm lặng và chịu đựng của chính họ.

Như chị B. trong câu chuyện nói trên, suốt 7 năm trời, chị chịu đựng những trận đòn mà không dám chia sẻ với ai, cũng không cầu cứu, chỉ đến khi mọi thứ vỡ òa thì gần như đã muộn màng. Hay như chuyện vợ anh võ sư, chị chịu đựng những trận đòn từ lúc mới kết hôn, đến lúc sinh đứa con đầu lòng đã muốn ly hôn vì quá sức chịu đựng.

Thế mà, chị vẫn chịu đựng cho đến khi sinh đến đứa con thứ 2 với những trận đòn đều đặn. Hay như người vợ trong clip ở hồ bơi, nhìn hình dáng còm cõi, người đầy xây xước và ánh mắt đầy tội nghiệp của chị, người ta cũng đã hình dung phần nào những gì chị đã chịu đựng suốt những năm tháng qua. Chị kể, chồng chị mỗi lần say rượu đều đánh đập chị dã man, nhưng vì con chị vẫn cắn răng chịu đựng.

Dần dà, chị nảy sinh tâm lý sợ hãi, trận đòn vừa rồi khiến chị ám ảnh, sợ nếu tiếp diễn, chị sẽ chết mất, bỏ lại con nhỏ không ai nuôi. Trong số những người vợ ấy, ai cũng ít nhất một lần nung nấu hoặc đòi ly hôn. Ai cũng từng bức xúc, muốn dứt ra, phản ứng mạnh với chồng sau những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả lại đâu vào đấy, họ vẫn tiếp tục cúi mình cam chịu. Như người vợ anh võ sư, tưởng như sau trận đòn phải nhập viện, chị sẽ có hành xử khác, dứt khoát hơn, biết bảo vệ mình hơn. Nhưng rồi, người ta chưng hửng khi chị nhanh chóng bãi nại và quyết định tiếp tục chung sống với chồng. 

Vì con, vì cha mẹ, vì điều tiếng người ngoài… đó là hàng loạt lý do khiến những người phụ nữ phải tiếp tục kéo dài cuộc sống hôn nhân bi thảm của mình. Trong tất cả những lý do đó, không có lý do nào là vì mình!

Nhiều nghiên cứu về y khoa cho thấy, bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trầm cảm của người phụ nữ. Đồng thời, bạo lực gia đình cũng làm gia tăng gấp đôi khả năng trầm cảm của phụ nữ trong tương lai. Cạnh đó, ngay cả sau khi ly hôn, nếu theo vết trượt tâm lý ấy, người phụ nữ rất có thể vẫn bị rối loạn tâm lý, tự ti, không mở lòng để đón nhận mối quan hệ mới…

Phan Thị Minh Kh. là nhân viên một công ty sách tại TPHCM. Trước kia, chị cũng là một nạn nhân của bạo hành gia đình, một người từng bị trầm cảm. Sau 5 năm sống trong địa ngục, cũng giấu giếm mọi người vì sợ đủ thứ, cuối cùng, chị phải nhập viện vì trầm cảm. Mẹ và chị gái chị sau khi biết đã hết lòng khuyên nhủ.

Một thời gian bị bệnh cách ly khỏi chồng, chị đã suy nghĩ nhiều và quyết tâm ly hôn. Những ngày tháng đầu rời khỏi hôn nhân, những chấn thương tâm lý, căn bệnh hành hạ khiến bị bị bủa vây trong một màn đêm đen kịt. Nhưng vì mình, vì con, dần dà chị cũng tỉnh ra. Chị nhận ra rằng, bản thân mình phải trân trọng chính mình, phải chăm sóc mình cho mạnh khỏe để sống tốt hơn, để nuôi con.

Và chị đi làm lại, tập yoga để sống khỏe hơn, cùng con đi du lịch, tham gia hoạt động thiện nguyên để sẻ chia. Giờ đây, trầm cảm đã lùi xa, chị đã là một người mẹ đơn thân đầy tích cực, hạnh phúc. Nói về kinh nghiệm của mình, chị chia sẻ: “Thực ra tôi nghĩ, để dẫn đến bạo lực, mình là nạn nhân, nhưng cũng chính là thủ phạm khi đã nhân nhượng và im lặng, để người chồng được đằng chân lân đằng đầu, đánh đấm đến quen tay.

Mình đầy sợ hãi, mình hèn nhát, cam chịu. Mình nại đủ các lý do, nhưng nguyên do lớn nhất là mình không trân trọng bản thân, rồi đánh mất chính mình. Tôi nghĩ, hành trình của người phụ nữ thoát bạo hành phải là một hành trình đầy dũng cảm, quyết tâm. Đó là hành trình tìm lại chính mình”.

Khi mọi chuyện xảy ra, người ta nói nhiều đến kẻ thủ ác, đến trách nhiệm của những đoàn thể, địa phương hay Hội Phụ nữ. Nhưng, kẻ có hành vi bạo lực thì khó lòng mà thay đổi. Còn những tổ chức có trách nhiệm thì trách nhiệm khá phập phù. Chỉ có người phụ nữ chính là người quyết định vận mệnh của mình.

Sự cam phận, cúi đầu không giúp mọi thứ yên ổn hơn, ngược lại chỉ càng khiến máu côn đồ của những ông chồng được dung dưỡng. Chỉ có mạnh mẽ lên tiếng, khéo léo phản kháng, dũng cảm bước ra mới có thể khiến người phụ nữ bảo vệ được chính mình, chữa lành được tổn thương của thể xác và tâm hồn, đẩy lùi bóng ma trầm cảm. 

Đọc thêm