Trong “Đại Nam nhất thống chí”, khi chép về tỉnh Thanh Hóa, ở mục “Nhân vật chí”, đã trân trọng mà lược qua tiểu sử, công nghiệp của vị tiến sĩ họ Nguyễn. Theo đó, ông “người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên” (nay thuộc thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), “làm quan tới chức Thượng thư hai bộ Binh và Hình”.
Ấy, để có được quyền cao chức trọng cực phẩm trong thời Lê Trung hưng, quan họ Nguyễn đã phải vượt khó gấp mấy lần người thường mới thành được danh nghiệp chứ chẳng “xuôi chèo mát mái” mà đi lên đâu.
Cơm cháy “sôi kinh nấu sử”
Theo sách “Kẻ chăn trâu kỳ dị” ghi chép về các bậc khoa bảng xứ Thanh, thì truyền rằng, Nguyễn Quán Nho mồ côi cha từ thuở còn thơ ấu. Hai mẹ con đùm bọc lấy nhau, gia cảnh rất ư bần hàn, phải lấy việc mò cua, bắt ốc, đan thừng làm kế mưu sinh.
Dân gian ta quan niệm, trẻ nhà khó thường khôn sớm, ứng vào trường hợp Nguyễn Quán Nho, hẳn đúng. Ấy là khi Quán Nho được 5, 6 tuổi, dù tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng bởi nhà nghèo, nên cậu đã biết đỡ đần mẹ. Có lần vào mùa đông lạnh giá, trong nhà không còn hạt gạo nào để nấu cơm, hai mẹ con lại không đi làm được, cậu bé Nho liền sang nhà hàng xóm mượn nồi về nấu cơm, nhưng nhà còn hạt gạo nào đâu để bếp lửa có thể hồng.
Kỳ thực, Nho mượn nồi để vét lại những hạt cơm cháy thừa dưới đáy nồi cho hai mẹ con cầm cự qua cơn đói. Việc mượn nồi thỉnh thoảng diễn ra như thế, nhưng lạ nỗi là khi Nho trả nồi thì bao giờ chiếc nồi cũng sạch như chùi. Dần dà hàng xóm hiểu chuyện, thương gia cảnh mẹ con chú bé nghèo khó nên nhiều người khi cho mượn nồi cố tình để lại nhiều cơm cháy cho hai mẹ con. Sau này, dân trong vùng còn gọi ông với cái tên “chàng Cháy” là bởi thế.
Dẫu chỉ được bữa đói, bữa no, nhưng chú bé họ Nguyễn lại có chí ham học, thấy bạn bè đi học cũng muốn theo. Ngặt nỗi, nhà nghèo không có tiền thuê thầy dạy huống hồ nói đến việc có sách, bút nghiên mà luyện chữ. Bởi vậy, nhân khi mẹ đi làm thuê cho nhà giàu, Nho theo mẹ, áp tai vào vách nghe thầy giảng bài cho con chủ, lại lấy que củi vạch chữ lên nền đất theo thầy. Nhờ thông minh, lại chăm chỉ luyện rèn, Quán Nho dần quen với chữ thánh hiền.
Cách học của cậu, cũng thật kỳ khôi và sáng tạo. Bút không có, giấy cũng không, cậu dùng gai viết lên các khúc thân xương rồng, rồi sau viết trên lá chuối đóng thành xếp, nhưng lá chuối héo chữ cũng nhăn nheo không đọc được. Thế là Quán Nho viết lên các tàu lá chuối tươi khắp vườn nhà. Nhờ tinh thần ham học ấy, cậu học trò nghèo sôi kinh nấu sử không thôi.
Rồi kẻ có công, trời chẳng phụ...Khoa thi năm Đinh Mùi (1667) đời vua Lê Huyền Tông, cậu học trò lấy lá chuối làm vở, lấy que củi làm bút thuở xưa chiếm ngôi nhất bảng (khoa ấy không có tam khôi). Khi ấy, Nguyễn Quán Nho tròn 31 xuân, đúng tuổi “tam thập nhi lập”.
Danh thơm được bia đá Văn Miếu, trong “Lê triều tiến sĩ đề danh bi ký”, nơi “Văn bia đề tên tấn sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị thứ 5 (1667)”, tên ông rạng rỡ đầu tiên “Nguyễn Quán Nho, người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên; đỗ năm 31 tuổi”. Đỗ đạt từ đất nghèo Thiệu Hóa (khi ấy là huyện Thụy Nguyên), danh thơm họ Nguyễn xứng với lời ngợi ca trong “Thanh Hóa quan phong” về học phong của xứ này:
“Năm chương bút trận từ lâm,
Văn đua tài cả tên nhằm bảng cao”.
Chân dung Nguyễn Quán Nho |
Hiếu đễ với mẹ
Bảng vàng ghi danh, Nguyễn Quán Nho được vua ban cho áo mão cân đai, vinh quy bái tổ về làng. Theo lệ khi xưa, địa phương nơi có người đỗ tiến sĩ, nào sắp kiệu rước, nào làm lễ khao, bởi thế mà hàng tổng hàng huyện tấp nập kiệu cáng, cờ quạt nghênh rước ông tân tiến sĩ làm rạng danh cho làng, cho tổng.
Lúc này, mẹ Nguyễn Quán Nho biết con đã hiển vinh nhưng vẫn bình thản ra ao làng vớt bèo về nuôi lợn. Viên chức làng Vạn Hà cho người mời bà về dự lễ rước quan trạng cùng dân, nhưng bà từ chối mà rằng: “- Thi đỗ là việc của nó, sao lại phải đón rước, tôi còn đang bận vớt bèo!”
Người đi mời về kể lại, quan nghè Nguyễn Quán Nho biết mẹ dù vui, nhưng hẳn không muốn ông vì mới thấy vinh hoa phú quý đã quên nghèo khó, liền vội rời khỏi võng điều, cởi áo gấm, mũ mão cùng đôi hia, xắn quần chạy ra ao làng lội xuống vớt bèo cùng mẹ cho đến khi đầy rổ rồi mới cùng về làng dự tiệc. Từ giai thoại vớt bèo ấy, mà sau này nơi đất Thiệu Hóa còn truyền câu: “Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy”, ấy chính là nói về giai thoại gắn với Nguyễn Quán Nho vậy.
Sau khi làm lễ vinh quy bái tổ, Nguyễn Quán Nho được triều đình bổ đi làm quan ở Ninh Bình, công việc chốn công đường phải giải quyết nhiều khiến ông chưa về thăm mẹ được. Nghĩ năm hết Tết đến, ông gom góp tiền lương bổng của mình, sắm cho mẹ già chiếc áo lụa rồi sai lính đem về dâng mẹ.
Mẹ ông giở ra thấy tấm áo cả đời khó nhọc bà chưa từng được mặc, nhưng bà tỏ ra không vui bởi tưởng tấm áo có được từ đồng tiền không lương thiện, bèn nghiêm nét mặt mà bảo: “- Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân hay sao?”
Nói xong, chẳng lưỡng lự, bà đốt luôn tấm áo lụa quý con trai gửi, rồi gói nắm tro tàn đưa cho lính gửi lại quan nghè. Mở gói quà chỉ còn nắm tro, Nguyễn Quán Nho hiểu thâm ý của mẹ già rằng làm quan phải sống thanh liêm, không được bòn rút đục khoét của dân lành. Vốn xuất thân từ nghèo khó, quan họ Nguyễn suốt đời thực hiện đúng như lời mẹ dặn, luôn vì ích nước, lợi dân.
Xem danh sách yết bảng những người thi đậu |
“Tể tướng Vạn Hà, thiên hạ âu ca”
Nhận xét về thời trị vì của vua Lê Hy Tông, sử gia Phan Huy Chú cho rằng “Trong khoảng Vĩnh Trị và Chính Hòa, trên dưới bình yên, trong ngoài vô sự. Người cầm quyền chính đại khái lấy sự ung dung làm đức độ, sự chín chắn làm thể thống, như các ông: Nguyễn Mậu Tài ở Kim Sơn, Nguyễn Quán Nho ở Vãn Hà và Nguyễn Quý Đức ở Thiên Mỗ đều có lòng khoan hậu, được xứng chức; thực là đáng lương thần đời trị”.
Hai chữ “lương thần” dành cho quan Nguyễn Quán Nho, thực chẳng ngoa ngôn. Cứ xem những việc làm của ông khi đương chức, thật xứng là tấm gương soi cho những kẻ tôi thần của vua chúa.
Đời làm quan của Nguyễn Quán Nho kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, nhưng nhất nhất đều tỏ được sự ngay thẳng, thanh bạch. Năm Giáp Tý (1684), ông làm Phó đô ngự sử thuộc Ngự sử đài, giữ nhiệm vụ can gián vua, đàn hặc quan lại làm sai phép nước.
Đến năm Tân Mùi (1691), ông làm Tả thị lang bộ Lại, rồi như ghi chép trong “Đại Việt sử ký tục biên”, ông được thăng Đô ngự sử năm Nhâm Thân (1692), năm sau làm Thượng thư bộ Binh rồi cùng làm Thượng thư bộ Hình với Lê Hy. Sau này vào năm Nhâm Ngọ (1702), ông còn làm Thượng thư bộ Lễ.
Dẫu giữ chức vụ cao, làm tể tướng trong triều, nhưng tính tình ông được khen là giản dị, việc gì cũng không giấu giếm. Giữ chức cao là vậy nhưng ông sống thanh bạch để lại tiếng tốt cho đời, được nhân dân ca tụng là “Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”. Có lần về quê thấy dân đang làm đường, đắp đê sông Chu, ông cho voi và quân lính ra phụ dân, người Vạn Hà xúc động ngâm nga:
“Ai về làng Vạn mà coi.
Coi ông quan Thượng cho voi làm đường”.
Trong triều, có ông Lê Hy, cũng đồng hương với ông, hai người cùng làm tể tướng. Nhưng tính ông Lê Hy hà khắc, hay đố kị, trong khi ấy, tính ông thương dân, khoan hòa, nhân hậu nên làm quan ở đâu dân tin, dân quý ở đấy. Bởi vậy mà theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, người thời bấy giờ mới có câu rằng:
“Thượng thư Lê Hy, thiên hạ sầu bi; Tể tướng Vãn Hà, thiên hạ âu ca”.
Ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Quán Nho tại quê hương |
Năm Đinh Hợi (1707), ông về hưu khi tuổi tròn 70. Sang năm Mậu Tý (1708) ông mất, dân quê khóc thương mãi không thôi “Chàng về Vạn Vạc chàng ơi/Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng”. Còn trong “Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi nhận thành quả làm quan của vị danh thần xứ Thanh:
“Bởi ai thiên hạ âu ca.
Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”.