Nguyên tắc chia việc nhà cho vợ chồng

Phân công việc nhà không đều có thể dẫn tới mâu thuẫn và nếu không được giải quyết, cuộc sống gia đình trở nên khó chịu, nguy cơ dẫn đến tan vỡ.

Theo một kết quả nghiên cứu, có khá nhiều cặp đôi căng thẳng do bất mãn về phân công việc nhà và phụ nữ có xu hướng làm việc nhà nhiều hơn nam giới. "Nếu nam giới dành 18 tiếng mỗi tuần để làm việc nhà thì nữ giới dành tới 26 tiếng", Sally Howard (Mỹ), tác giả một cuốn sách về phân công việc nhà, cho biết.

Theo bà, tình trạng khác biệt lớn về thời lượng làm việc nhà giữa nam và nữ bắt nguồn từ nhiều thế kỷ, theo đó nam giới là người trụ cột trong nhà và phụ nữ là "thiên thần trong nhà bếp". Đến nay, nhiều phụ nữ cũng đã trở thành trụ cột kiếm tiền trong nhà và có sự nghiệp riêng thành công, phân công việc nhà giữa vợ và chồng vẫn chưa thay đổi tương xứng.

"Nhiều nam giới từ nhỏ được cha mẹ nuôi dạy với tư tưởng không cần phải làm việc nhà nhiều, vì vậy những người đó đã có tư duy "ăn sâu bén rễ" rất khó thay đổi. Trong khi đó, từ khi còn nhỏ, nữ giới đã được giáo dục phải tự chăm sóc bản thân; độ sạch sẽ của họ và căn nhà chính là thước đo giá trị của người phụ nữ", chuyên gia tâm lý Susan Quilliam nhận xét.

Trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi nhiều nhưng người phụ nữ vẫn chịu "gánh nặng tinh thần" do họ bị xã hội áp đặt là người chịu trách nhiệm chính lo toan việc nhà.

Phân công càng rõ ràng và tách bạch sẽ càng tốt cho cả hai vợ chồng. Ảnh: Goodhousekeeping.

Căng thẳng do phân chia việc nhà càng gia tăng khi các cặp vợ chồng phải ở nhà nhiều hơn do dịch bệnh. Nhiều bà mẹ phải "quay cuồng" cân bằng giữa công việc, trông con và làm việc nhà. Thậm chí có nhiều phụ nữ đứng trước nguy cơ mất việc vì phải ở nhà trông con.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng đó cũng chính là cơ hội để các cặp đôi ngồi lại và phân công việc nhà sao cho cả hai cùng cảm thấy hài lòng. Dưới đây là một số nguyên tắc mà các cặp đôi có thể áp dụng khi phân chia việc nhà.

Phân công và thực hiện

Đã bao giờ hai vợ chồng bạn có cuộc trò chuyện nghiêm túc về việc nhà để phân công ai làm việc gì, khi nào cần làm và làm như thế nào không? Thực tế là có rất nhiều cặp đôi chưa từng làm việc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các cặp đôi rất cần phải ngồi xuống và lên kế hoạch phân chia việc nhà.

Theo đó, phân công càng rõ ràng và tách bạch sẽ càng tốt cho cả hai vợ chồng.

"Các bạn có thể bắt đầu bằng cách phân công nhau làm những việc mà mình ưa thích trước. Có thể bạn cảm thấy vui khi giặt đồ còn vợ/chồng bạn thích rửa bát. Bắt đầu bằng những việc mình ưa thích sẽ khiến việc phân chia trở nên dễ dàng hơn", Susan Quilliam gợi ý.

Sally Howard thì cho rằng các cặp đôi nên bỏ qua định kiến về những công việc chuyên dành cho nam giới (như sữa chữa điện, sửa đường nước) và những việc dành cho nữ giới (như cho con ăn, thay bỉm). Thay vào đó, các cặp đôi nên "mổ xẻ" những công việc gì khiến họ "ngán" nhất, tốn nhiều thời gian nhất và thường xuyên phải làm nhất. Tốt nhất, hai vợ chồng nên viết ra giấy và chia việc nhà thành những nhóm việc khác nhau để có thể tìm ra cách phân công hợp lí.

Ghi chép lại nội dung công việc

Cả hai chuyên gia đều cho rằng các cặp vợ chồng không cần thiết phải viết ra bảng phân công việc nhà một cách máy móc kiểu vợ làm việc này chồng làm việc kia rồi dán lên tường. Điều đó có thể làm gia tăng "gánh nặng tinh thần" đối với cả hai vợ chồng và có thể dẫn tới những cuộc cãi vã.

Tuy nhiên, Quilliam cho rằng sau khi hai vợ chồng bàn bạc, vẫn nên viết ra nội dung mà cả hai đã thống nhất.

"Văn bản đó giúp hai vợ chồng nếu quên có thể sẽ xem lại. Đồng thời cả hai cũng không nên ngại thay đổi nếu theo thời gian, sự phân công đó không còn hợp lý. Nếu bạn thấy một công việc gì đó quá mệt mỏi hay khó thực hiện, hãy đề xuất để cả hai vợ chồng cùng bàn bạc lại, thay vì cứ giữ sự bất mãn trong lòng. Bạn sẽ thấy vợ/chồng bạn luôn sẵn lòng cùng bạn tìm ra giải pháp để cả hai cùng vui vẻ", Quilliam phân tích.

Lắng nghe, thấu hiểu và nhượng bộ

Trong lúc hai vợ chồng bàn bạc, hãy hỏi xem người kia đang phải cảm thấy họ ngại làm việc gì nhất. Ngoài ra, cũng không nên phán xét người kia theo hướng tiêu cực như nếu không làm việc nhà là lười biếng hay không tôn trọng bạn đời. Thay vào đó, hãy tìm hiểu nguyên nhân thực sự khiến họ không làm là gì.

"Hãy tìm ra thời điểm nào trong ngày mà cả hai đều cảm thấy yêu thích làm việc nhà – ví dụ như hai bạn muốn làm vào buổi sáng hay buổi tối. Hãy nói lên quan điểm của bạn, lắng nghe quan điểm của bạn đời và sẵn sàng thương lượng cũng như thay đổi", Quilliam giải thích.

Tìm niềm vui từ việc nhà

Một số cặp đôi có thể cảm thấy việc phân công công việc theo kiểu mỗi người chịu trách nhiệm một việc có thể hơi máy móc và nặng nề. Thay vào đó, họ thích cùng nhau làm một số việc, như nấu ăn chẳng hạn.

"Hãy tìm cách khiến việc nhà trở thành niềm vui khi đó bạn sẽ thấy làm việc nhà chính là để thư giãn. Ví dụ, bạn có thể bật những bài hát bạn yêu thích trong lúc lau nhà để bạn cảm thấy có thể tận hưởng cả hai việc đó", Quilliam gợi ý.

"Hoặc bạn cũng có thể dành một chút thời gian buổi tối để làm việc nhà và tự thưởng cho mình bằng việc nằm dài trên sofa và đọc cuốn sách mà bạn yêu thích", bà gợi ý thêm. Nếu cả hai vợ chồng đều tự thưởng hoặc có động lực gì đó thì làm việc nhà sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Làm việc nhà không phải bằng chứng của tình yêu

"Vấn đề ở đây là san sẻ việc nhà thường được gắn mác là bằng chứng của tình yêu", Quilliam phân tích.

"Vì thế bạn sẽ có xu hướng nói là "Nếu yêu tôi, anh/em sẽ làm việc đó", còn bạn đời của bạn có thể sẽ đáp lại rằng "Nếu yêu tôi, em/anh sẽ không thúc ép tôi làm việc mà tôi không muốn. Nếu bạn cứ giữ quan điểm không san sẻ việc nhà tức là không yêu hay tôn trọng bạn đời thì điều đó sẽ làm trầm trọng hóa vấn đề và chỉ khiến vợ chồng bạn căng thẳng hơn thôi", bà nói tiếp.

Cũng theo Quilliam, xét cho cùng việc bạn duy trì sở thích, nhu cầu cá nhân không có nghĩa là bạn yêu bạn đời ít đi hay nhiều hơn. Điều quan trọng là cả hai cần tìm điểm dung hòa thông qua đối thoại và cảm thông.

Đọc thêm