Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được coi là ân nhân của hai ngôi làng ở miền Trung

Có 2 ngôi làng ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, nhờ sự hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tái thiết và mạnh mẽ hồi sinh sau trận lũ kinh hoàng năm 1999.
Có 2 ngôi làng ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế, nhờ sự hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tái thiết và mạnh mẽ hồi sinh sau trận lũ kinh hoàng năm 1999.

Làng của bác Lê Khả Phiêu

Năm 1999, trận lũ kinh hoàng khiến ngôi làng cũ của người dân Phương Trung, xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam) gần như xóa sổ.

Dòng sông Vu Gia hiền hòa là thế, bỗng nổi cơn giận dữ, lũ quét qua, có đến 1/3 nhà cửa, 2/3 tài sản có giá trị của người dân, hàng chục hecta đất sản xuất bị bồi lấp; 2 người con của làng thiệt mạng và nhiều người khác bị thương... Khi đó, nỗi đau như chồng chất.

Với sự giúp sức, chia sẻ khó khăn của chính quyền các cấp, các ban ngành chức năng và người dân ở mọi miền đất nước, người Phương Trung từng bước đứng lên, khắc phục hậu quả sau lũ từ đống hoang tàn.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được coi là ân nhân của hai ngôi làng ở miền Trung - Ảnh 1.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm lại Phương Trung tháng 3/2016. Ảnh: Hoàng Liên.

Ở thời điểm còn muôn vàn gian khó và ngổn ngang đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp vào thăm hỏi, động viên người dân Phương Trung vượt qua khó khăn, khi đó, do đường bộ chưa thể thông, nước vẫn bao vây tứ bề, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào làng Phương Trung bằng đường thủy, lội bùn đến những gia đình chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ để chia sẻ, động viên tinh thần bà con.

Khi đó, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng vận động cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đóng góp xây dựng 103 ngôi nhà cho nhân dân, hình thành nên làng mới Phương Trung.

Phương Trung bây giờ đã là một miền quê trù phú, một làng quê nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Đại Quang đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với 98,89% nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; mức thu nhập bình quân của người dân đạt 35,21 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 2,7%.

Với riêng người Phương Trung, họ vẫn coi làng mình là "làng của bác Lê Khả Phiêu" như để nhắc nhớ đến người góp công tái thiết. Đây cũng là ngôi làng vinh dự được 4 lần đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm.

Đặt tên cho làng Rồng

Cũng gánh chịu hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử năm 1999, làng Rồng, trước đây là thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà hồi sinh mạnh mẽ. 

Cái tên làng Rồng ngày nay cũng do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt với do làng được hoàn thành vào năm Canh Thìn 2000, đồng thời nguyên Tổng Bí thư cũng gửi gắm niềm tin, mong muốn người dân Hòa Duân sẽ mạnh mẽ vượt qua đau thương, hướng về cuộc sống mới.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được coi là ân nhân của hai ngôi làng ở miền Trung - Ảnh 2.

Làng Rồng được hồi sinh và khởi sắc từ đau thương, mất mát cách đây 21 năm nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Văn Đình Huy.

Còn nhớ cách đây 21 năm, con đập Hòa Duân bị trận lũ lịch sử ngày 2/11/1999 cuốn phăng, khiến 64 ngôi nhà thôn Hải Thành bị xóa sổ, cuốn trôi ra biển, chỉ trong một đêm, 14 người dân bị thiệt mạng sau trận lũ kinh hoàng.

Có mặt tại làng Rồng, làng Phương Trung ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đề nghị với Bộ Quốc phòng: “Tết sắp đến rồi, dân phải có nhà. Có thể làm một cái bia tưởng niệm ở chỗ đã xảy ra mất người, mất của. Việc này giao cho quân đội là được hơn cả”.

Sau chia sẻ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Quân khu 4 đảm trách tái lập làng Rồng, Quân khu 5 lo tái lập làng mới Phương Trung.

Làng Rồng ngày nay thuộc tổ dân phố An Hải, có 64 hộ, 276 nhân khẩu, trong đó có 11 nhà 2 tầng. Hầu hết người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, mức thu nhập bình quân của người dân đạt 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Đọc thêm