Nhà 3 người 'đi Tây' vẫn không đủ tiền đưa thi thể con về nước

(PLO) -Vì mưu sinh, người vợ phải bỏ chồng con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở châu Âu. Không lâu sau, hai đứa con trai chưa đầy 20 tuổi cũng theo chân mẹ sang xứ người làm ăn. Ngờ đâu, tai ương bất ngờ giáng xuống, chỉ trong phút chốc hai người con tử vong vì tai nạn giao thông. 

Tại quê nhà, người cha “lực bất tòng tâm”, chờ mong sự giúp đỡ của cộng đồng để đưa thi thể hai con về nước.  

“Tôi có lỗi với các con”

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Đức khiến người em Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1999) tử vong tại chỗ. Người anh Nguyễn Hữu Dũng (SN 1996) sau thời gian được các bác sỹ điều trị tích cực cũng tắt thở vì chấn thương quá nặng. 

Đang đi bán lợn ở tỉnh bạn, ông Nguyễn Hữu Chung (45 tuổi, ngụ xóm 6, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cha hai nạn nhân) bàng hoàng nghe tin. Nhớ lại cú thoại định mệnh, ông Chung cho hay:

“Chập tối ngày 7/5, đang đi bán lợn ở tỉnh Hà Tĩnh, tôi nhận được tin báo hai con trai gặp nạn. Vội gửi hàng hóa lại để chạy về nhà thì thấy con gái đang học lớp 7 khóc òa, nói mới có người ở Đức gọi về báo tin một anh chết, anh còn lại đang nguy kịch. Hoảng hốt, ngay lúc ấy, tôi cố liên hệ sang nhưng không thể kết nối được”.

Đến khoảng 1h hôm sau, một người đang làm việc tại Đức mới gọi về thông báo cụ thể cho gia đình. “Thông tin như sét đánh ngang tai. Dù đau đớn nhưng tôi vẫn hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó. Nhưng đến khi một số lao động bên đó gửi hình ảnh các con qua mạng xã hội, rồi thời sự nước Đức đưa tin về vụ tai nạn, chúng tôi mới chấp nhận đó là sự thật”.

Vì vợ ông đang đi làm ăn ở Nga nên mọi công việc đều do một tay ông Chung lo toan. Vừa xoay xở tiền bạc đưa thi thể con về, ông cầu cứu những đồng hương lo cho đứa con còn lại đang nguy kịch. Thế nhưng vài ngày sau, đứa con bị trọng thương cũng không qua khỏi. “Nghe hung tin Dũng cũng ra đi, tất cả như sụp đổ với tôi. Vậy là mất hết cả. Vợ tôi nghe tin đó cũng ngất xỉu ở xứ người, phải nhờ người quen chăm sóc”, ông Chung kể. 

Dù thi thể các con chưa được đưa về nhưng ông Chung đã lập bàn thờ. Không còn nỗi đau nào bằng sự ra đi cùng một lúc của hai đứa con. Càng đau đớn hơn khi người bố có nguy cơ không được nhìn mặt các con lần cuối. “Xuất ngoại làm việc chưa được bao lâu đã gặp nạn. Tôi có lỗi với hai đứa nó”, người cha xót xa.

Ông Chung bên bàn thờ hai con
Ông Chung bên bàn thờ hai con  

Nhà có người xuất ngoại vẫn nghèo xác xơ

Ông Chung và vợ là bà Vũ Thị Ngọc (41 tuổi) có với nhau 3 mặt con. Cách đây chừng chục năm, người vợ quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nga với hi vọng phát triển kinh tế. Ai ngờ công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, mang tiếng có người đi làm nước ngoài, nhưng kinh tế gia đình ông Chung vẫn luôn thiếu trước hụt sau. Để nuôi ba đứa con, ông bươn chải nhiều nghề kiếm thu nhập.

“Tôi lăn ra làm đủ nghề từ thợ xây, gặt thuê, cho đến buôn bán lợn. Nghề nào cũng được miễn là đủ cơm cho các con ăn học. Thiếu vắng bàn tay mẹ từ nhỏ, nên tôi luôn động viên các con cùng cố gắng. Bốn cha con chúng tôi cứ thế chăm sóc nhau sống qua ngày. Các cháu tuy sống thiếu thốn nhưng khỏe mạnh, ít khi ốm đau. Mỗi khi các cháu nhớ mẹ, tôi lại gọi điện cho các con nói chuyện. Xa nhau thế, chỉ biết tin tưởng và động viên nhau”, ông Chung tâm sự. 

Sau khi học hết cấp 3, thi Đại học nhưng không đậu, Dũng quyết định sang Nga đi XKLĐ cùng mẹ. Người cha dù không muốn xa con trai, nhưng vì nghĩ ở xứ người đã có mẹ, nên yên tâm cho con đi. Anh đầu đi làm ăn chưa được bao lâu thì người em bắt đầu chểnh mảng chuyện học hành, thường xuyên bỏ học theo đám bạn xấu đi chơi điện tử.

Với mong muốn đứa con ấy thay đổi tính nết và tách khỏi đám bạn xấu, ông Chung quyết định cho Mạnh đi cùng mẹ và anh. “Tôi cứ nghĩ sang đó nó sẽ khôn người, tu chí làm ăn, nhưng không ngờ vô tình đẩy con đi đến con đường không trở về”, ông Chung tự dằn vặt. 

Sau khi sang Nga, cả hai anh em rủ nhau di chuyển sang nước Đức vì nghe nói bên đó dễ làm ăn. Cuộc vượt biên thành công, nhưng rồi các cuộc điện thoại cứ thưa dần. Cả hai đều bận bịu với công việc nên rất ít khi gọi về cho bố và em gái ở quê nhà. Điều đó khiến người cha luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn. Để rồi, khi nhận được tin của hai con thì đó là tin dữ.  

Một người em ông Chung tâm sự: “Chị dâu tôi đi nước ngoài từ lâu, 3 đứa con đều do một tay anh tôi lo liệu. Cách đây không lâu, anh mới cho hai đứa đi nước ngoài để chúng nó được gần mẹ, kiếm việc, ngờ đâu... Mấy ngày nay cả dòng họ như ngồi bên đống lửa. Anh em chỉ biết túc trực cùng anh Chung để động viên, an ủi”.

10 ngày sau khi xảy sự việc, ông Chung vẫn chưa biết chính xác thi thể hai con đang nằm ở đâu, làm sao để đưa trở về, cần bao nhiêu tiền… Gia đình đang vay mượn và gom góp từ người thân, bạn bè gửi tiền sang đưa thi thể các con trở về quê nhà.

Ông Dũng nói: “Dù tốn kém thế nào tôi cũng nhất quyết tìm cách đưa cả 2 đứa về quê để các con được yên nghỉ tại nơi sinh ra. Cứ nghĩ đến cảnh chúng nó nằm lạnh lẽo ở xứ người, tôi lại càng thấy mình có lỗi với các con”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Phúc Khiêm, phó Chủ tịch UBND xã Viên Thành xác nhận gia đình ông Chung đã lập bàn thờ hai con tử  vong vì tai nạn ở nước ngoài:

“Tuy nhiên chính quyền địa phương  mới nghe thông tin vậy chứ gia đình cũng chưa chính thức báo cáo hay có một văn bản nào từ các cơ quan chức năng gửi đến. Địa phương sẽ hỗ trợ tất cả những gì có thể cho gia đình sớm thực hiện được ý nguyện đưa thi hài, hoặc tro cốt các nạn nhân về quê cha đất tổ”.

Đọc thêm