Nhà chung cư sẽ “bùng nổ” trong thập kỷ tới

(PLVN) - Tại hội thảo về phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở vừa qua, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP HCM), cho biết, từ nay đến năm 2030, TP ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng tại các quận nội thành phát triển. Trong đó, Thủ Đức cùng các quận 7, 12, Bình Tân nằm trong nhóm địa phương hướng đến phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong một thập kỷ qua, nhà chung cư đã chiếm ưu thế lớn trên thị trường nhà ở. Giai đoạn 2011-2015, thị trường có 57.518 căn nhà thì 90,6% là chung cư. Giai đoạn 2016-2020, khi thị trường có hơn 152.000 căn, tỷ lệ chung cư lên tới 94%. Nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng cũng giảm dần tỷ trọng trong giai đoạn 2011-2020. Theo ông Phạm Đăng Hồ, nhà chung cư sẽ còn tăng trưởng đến năm 2030 khi là loại nhà ở chủ lực trong chiến lược phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, các khu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp sẽ bị thành phố hạn chế phát triển các dự án mới xây nhà ở cao tầng. Phạm vi hạn chế với khu trung tâm hiện hữu là quận 1 và quận 3, với khu nội thành hiện hữu là nhóm các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận.

Nhóm các quận nội thành còn lại gồm quận 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú sẽ được thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng tương ứng.

Riêng khu vực 5 huyện ngoại thành gồm: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ sẽ ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh. Các huyện ngoại thành này là nơi tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp; đồng thời, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị.

Dù được xếp vào nhóm các huyện ngoại thành, được xem như quỹ đất phục vụ nhà giá rẻ, các địa phương này vẫn sẽ không phát triển các dự án mới ở các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Đại diện Sở Xây dựng TP HCM xác nhận TP cũng đặt ra nhiều tiêu chí và giải pháp phát triển nhà ở trong 10 năm tới. Thứ nhất, phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược nhà ở quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung của thành phố. Thứ hai, cần phải tính đến việc đáp ứng nhu cầu cơ bản gia tăng dân số với mức tăng trung bình 200.000 dân mỗi năm. Ngoài ra, TP khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở và sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê giá thấp.

Từ nay đến năm 2030, TP tăng tỷ trọng phát triển nhà ở theo dự án, các mô hình nhà ở phải đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng thời phát triển nhà ở cao tầng gắn với giao thông công cộng và hệ thống đường sắt đô thị.

Theo một số liệu, số hộ gia đình đang gia tăng mạnh  mẽ, trong đó quy mô gia đình nhỏ (2-4 người) phổ biến nhất, chiếm 65%. Số hộ độc thân chiếm tỷ trọng 8% nhưng đang có xu hướng tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây. Diễn biến dân số và đô thị hóa cho thấy nhu cầu nhà ở tại đô thị sôi động nhất nước như TP HCM sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và chung cư sẽ tiếp tục là nguồn cung chủ lực cho thị trường này.

Tại hội thảo, vấn đề về phát triển hạ tầng vùng TP HCM và các tỉnh thành phía Nam một lần nữa được đề cập và nhấn mạnh tầm quan trọng trong bài toán hạ tầng đối với sự phát triển đô thị. Ông Phạm Hoài Chung, Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho rằng để phát huy hết lợi thế của TP HCM, đảm bảo kết nối các khu vực đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông cần được tập trung ưu tiên đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn kết nối, giảm áp lực hạ tầng, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị.

Hiện, các công trình giao thông trọng điểm như Dầu Giây - Long Thành với tổng chiều dài 43 km, quy mô 6-8 làn đã xây dựng giai đoạn một (4 làn), được đề xuất mở rộng lên thành 10-12 làn để đảm bảo lưu lượng giao thông. Tuyến Bến Lức - Trung Lương quy mô 8 làn với 40km, hiện xây dựng giai đoạn một với 4 làn xe. Năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành tiếp tục được triển khai để giảm áp lực giao thông cho QL1A, QL51 và rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với 58km, quy mô 10 làn dự kiến sẽ đi vào khai thác vào năm 2021.

Yếu tố hạ tầng kết nối không chỉ mang đến giá trị về giao thương cho các tỉnh phía Nam mà còn thúc đẩy giá trị bất động sản, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị.

Đọc thêm