(PLO) - Phòng Hóa học xanh (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng, máy lọc nước GFLife. Sản phẩm có nhiều tính năng vượt trội, tuy nhiên, các nhà khoa học lại đang phải chật vật tự tìm lối đi vào thị trường.
Nỗi lo nước sạch
NCS.ThS. Trần Quang Vinh (Cán bộ phòng Hóa Học xanh) – một trong những “cha đẻ” của máy lọc nước GFLife tâm sự: “Nước sạch đang là vấn đề bức xúc của người dân ở nông thôn và thành thị. Hệ thống lọc nước của các nhà máy hiện nay rất hiện đại, tuy nhiên, nước đầu ra chỉ đảm bảo điều kiện sạch để sử dụng trong sinh hoạt. Để có nguồn nước thực sự sạch có thể dùng trong ăn uống thì nguồn nước hiện nay của chúng ta chưa bảo đảm.”
Trước thực trạng này, máy lọc nước trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình. Nhưng giữa "ma trận" máy lọc nước, không đơn giản để tìm được một sản phẩm hoàn hảo.
|
NCS.ThS. Trần Quang Vinh |
"Hiện nay, có hai loại máy lọc nước phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn là loại RO (của Mỹ ) và Nano (của Nga). Máy lọc nước RO lọc được nước tương đối tinh khiết, loại bỏ gần như hoàn toàn các chất khoáng và các chất vi lượng có trong nước. Tuy được coi là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm của máy lọc nước RO. Nếu lạm dụng sử dụng bằng nước lọc RO, từ nước uống đến nấu ăn thì sau một trong thời gian cơ thể sẽ bị thiếu vi chất, thiếu khoáng chất, mất cân bằng điện giải.
Hơn thế nữa, một nhược điểm của máy lọc nước theo công nghệ RO là nước thải. Để thu được 1 lít nước tinh khiết thì phải mất khoảng 2 đến 3 lít nước thải. Lượng nước thải sẽ tăng lên khi sử dụng máy càng lâu. Ngoài ra, theo các tài liệu về khả năng loại bỏ Asen bằng công nghệ RO, các thử nghiệm thực tế cho thấy ở môi trường nước trung tính, màng RO có thể loại bỏ rất tốt Asen hóa trị 5 nhưng lại loại bỏ rất kém Asen hóa trị 3.
Một số loại máy RO không có lõi lọc chuyên dụng để xử lý Asen, dẫn đến hiệu quả xử lý nguồn nước nhiễm Asen không được đảm bảo.
Máy lọc nước công nghệ Nano có ưu điểm không mất khoáng, công suất lọc lớn, không cần sử dụng điện. Tuy nhiên, với tốc độ lọc quá nhanh có thể lên tới 150 lít trong 1 giờ, máy sẽ thích hợp hơn với nguồn nước cấp là nước máy đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Với những nguồn nước khác bị ô nhiễm, phản ánh của người tiêu dùng về khả năng lọc sạch của máy lọc nước công nghệ Nano là khá đa chiều." - ông Vinh phân tích.
Trước thực tế này, Phòng hoá học Xanh đã nghiên cứu thành công máy lọc nước GFLife. Đây là hệ máy khắc phục được những nhược điểm của cả RO và Nano. Có nghĩa là trong quá trình hoạt động của GFLife, nước sẽ được thẩm thấu hoàn toàn, không có nước thải. Đặc biệt lại không bị mất khoáng của nước.
Với tốc độ lọc duy trì ở mức 10 lít/giờ, nước sau khi lọc qua máy lọc nước GFLife được đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn dành cho nước dùng cho ăn uống. Ngoài ra, mỗi lõi lọc trong máy lọc nước GFLife đảm nhiệm một chức năng chuyên biệt (loại bỏ tạp chất hữu cơ, màu, mùi, làm mềm nước, xử lý kim loại nặng và diệt khuẩn), giúp hoạt động của hệ thống nhịp nhàng, kéo dài tuổi thọ của các lõi lọc. Đây là điểm khác biệt so với các loại máy RO và Nano trên thị trường. Các tính năng chủ yếu tập trung vào màng RO (với máy lọc nước RO) và lõi Aragon (với máy lọc nước Nano).
Nhà khoa học và bài toán thị trường
Hệ lọc nước GFLife của Phòng hóa học xanh là sản phẩm kế thừa và phát triển từ đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vật liệu và công nghệ xử lý nước cấp an toàn sinh học có sử dụng nano bạc”, năm 2010 của phòng Hóa Học Xanh, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, do ông Vinh là chủ nhiệm đề tài.
|
Không chỉ nghiên cứu ra sản phẩm có chất lượng, các nhà khoa học còn phải biến mình thành "thợ mộc, thợ cơ khí" để "may" những chiếc áo đẹp mắt cho sản phẩm của mình |
“Máy lọc nước GFLife áp dụng công nghệ lọc nước hoàn toàn mới trên cơ sở công nghệ Nanofiltration (NF) và được chúng tôi cải tiến thêm chức năng diệt khuẩn, được chúng tôi đặt tên là NFD (Nanofiltration & Destroy). Đây là công nghệ (lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam) có khả năng xử lý hoàn toàn màu, mùi, các chất hữu cơ, các chất cặn bẩn, độc tố, nước cứng. Đặc biệt xử lý hoàn toàn kim loại nặng và các loại vi khuẩn E.coli, Coliforms, trực khuẩn mủ xanh,… Nước sau khi lọc đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT.” – ông Vinh cho biết.
Với những tính năng quá tuyệt vời như vậy, tại sao không triển khai đại trà để người dân được sử dụng sản phẩm “made in Việt Nam” ? Trả lời câu hỏi của PV, ông Vinh nói:
“Chúng tôi là những nhà khoa học, chúng tôi chỉ biết nhiệm vụ chính là nghiên cứu. Còn việc sản xuất ở quy mô lớn và đưa sản phẩm ra thị trường không phải là thế mạnh của chúng tôi. Chính vì vậy, chúng tôi phải nhờ vào doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đang sản xuất ở quy mô nhỏ, và đã nhận được phản hồi rất tốt. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong chờ nhất là có doanh nghiệp nào đó nhìn ra sản phẩm tiềm năng này để đưa vào sản xuất với khối lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.”
Không chỉ nghiên cứu ra sản phẩm có chất lượng, các nhà khoa học còn phải biến mình thành "thợ mộc, thợ cơ khí" để "may" những chiếc áo đẹp mắt cho sản phẩm của mình.
Muốn "đứa con tinh thần" của mình đến được với người tiêu dùng, ông Vinh và những cộng sự của mình rất chật vật tìm thị trường cho sản phẩm. Hữu xạ tự nhiên hương, đây là phương thức duy để 1000 chiếc máy lọc nước của Phòng Hoá học xanh đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh nhiều chiêu trò như hiện nay thì, các nhà khoa học như ông Vinh vẫn còn đau đáu nỗi lo.