Thất bại không nản chí
Năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùa - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - Bộ Công an được vinh danh là một trong năm nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam. Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà là một trong 15 gương mặt các nhà khoa học nữ được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chọn để tôn vinh.
Nói về nghiên cứu vải chịu nhiệt dùng trong công tác phòng cháy chữa cháy, bà cho biết: “Khi giảng dạy tại Đại học Phòng cháy chữa cháy, tôi nghiên cứu rất sâu về cơ chế bức xạ của ngọn lửa. Nhiều lần tận mắt chứng kiến các chiến sĩ tác nghiệp bị cháy cả quần áo, bỏng rất nặng, càng thôi thúc tôi nghiên cứu mẫu vật liệu có khả năng chịu nhiệt cao để tiến tới sản xuất thành những bộ quần áo chống cháy.
Năm 2005, khi nghiên cứu mẫu vật liệu chống cháy tại Đan Mạch, tôi đem mẫu đi ủ nhiệt trong 72 tiếng. Nghĩ rằng sẽ thành công, nhưng khi lấy mẫu ra đo thì kết quả sai lệch hoàn toàn. Tôi bật khóc ngay tại phòng thí nghiệm lúc 2 giờ sáng. Đến năm 2012, tôi bắt đầu nghiên cứu chế tạo vải chịu nhiệt có chứa Neoprene dùng trong phòng cháy, chữa cháy. Nhưng nhiều lần thử mẫu vẫn thất bại, tháng 1/2013 mới có kết quả, cảm xúc thật thăng hoa. Đó là động lực để tôi tiếp tục nghiên cứu”.
Sản phẩm nghiên cứu từ đề tài cấp Bộ do TS Mùa làm chủ nhiệm năm 2013, có các thông số đạt tiêu chuẩn nước ngoài như độ bền nhiệt đến 554 độ C, độ bền cơ học & gt 20kN/m và thời gian chịu nhiệt 15 phút. Khi đưa vào ứng dụng để may thành trang phục chống cháy sẽ giúp giảm giá thành, các chiến sĩ cứu hỏa sẽ được trang bị đồng bộ hơn.
Một nhà khoa học nữ khác là GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng với mong muốn giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ vùng cao đã có những ngày tháng trăn trở với mô hình cô đỡ thôn bản. “Những năm tháng làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ đã cho tôi cơ hội đi và tiếp xúc với nhiều mảnh đời, số phận phụ nữ khác nhau. Điều tôi trăn trở nhất là tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh các tỉnh miền núi còn cao. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này và phải xây dựng được một mạng lưới phụ nữ dân tộc thiểu số trở thành những cô đỡ tại địa phương”, bà Phượng chia sẻ.
“Ý tưởng về mô hình “Cô đỡ thôn bản” từ đó cứ lớn dần, tôi quyết tâm theo đuổi chương trình cùng với các cộng sự. Năm 1992, mô hình được thí điểm đầu tiên tại huyện miền núi Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sau 25 năm thực hiện, chương trình đã giúp giảm tỷ lệ tử vong người mẹ tới 4 lần.
Hiện có hơn 2.600 cô đỡ thôn bản hoạt động trên 8.165 thôn bản khó khăn và được đồng bào tin tưởng. Chị H’Déo - Hội Phụ nữ Gia Lai đã nói với tôi rằng: “Giờ thì tiếng nói của cô đỡ thôn bản có uy tín hơn của già làng rồi” - GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng vui mừng tiếp lời.
Cháy mãi những đam mê
Làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, ngoài việc là một người nghiên cứu khoa học, họ còn mang trọng trách của một người mẹ, người vợ. Tại buổi gặp gỡ của các nhà khoa học nữ với các nữ sinh viên trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2018, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn chông gai trên con đường trở thành người nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ.
Bà Hà cho biết, tại các trường đại học trên cả nước, tỷ lệ các thủ khoa nữ thường cao hơn nam giới. Tuy nhiên, trong số các nhà nghiên cứu khoa học, tỷ lệ nữ lại trở thành thiểu số. Nguyên nhân thường gặp là sau khi phụ nữ lập gia đình, sinh con và phải gánh vác trọng trách gia đình đã xao nhãng rất nhiều trên con đường phát triển sự nghiệp, nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân, PGS.TS Hà cho biết: “Thời điểm sinh con thứ hai cũng là lúc cao điểm phải làm công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều lúc tôi phải dỗ con ngủ, rồi mới có thể làm việc. Không những thế, trẻ sơ sinh còn cần người mẹ ở bên cạnh trong suốt giấc ngủ của mình, vì vậy tôi phải vừa ở bên con, vừa làm việc trên máy tính xách tay, trong điều kiện không thể bật đèn, để giữ cho con ngủ yên giấc”.
GS.TS Nguyễn Thị Lang – nhà khoa học nữ được biết đến thành tích khoa học lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, khi nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện bản đồ gen cho cây lúa” cũng là lúc bà sinh đứa con thứ hai. Không thể để đề tài nghiên cứu bị đứt đoạn, mặc dù chồng can ngăn nhưng bà vẫn quyết định mang con sang Philipines vừa chăm con, vừa nghiên cứu.
“Tôi tìm nhà ở gần nơi làm việc và thuê người trông con. Hàng ngày tôi phải chạy đi chạy lại từ 4 đến 5 lần để cho con bú sữa. Đêm đêm, khi con ngủ say, tôi lại thức đến 2-3 giờ sáng làm việc. Cứ thế trong ba năm ròng tôi đã hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu và con tôi đã lớn”, GS.TS Lang bùi ngùi nhớ lại.
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Tuy rằng không phải tất cả mọi người, tất cả mọi phụ nữ đều sinh ra để làm khoa học, nhưng “Nếu bạn mơ ước về một con đường nào đó thì hãy cứ thử đi, đặt bước chân thứ nhất thấy đường không lún thì đặt tiếp bước chân thứ hai” như lời của GS.TS Nguyễn Thị Lang.