Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chân dung “người giữ lửa!”

(PLVN) - 76 tuổi, bác Võ Đại Hàm vẫn luôn vui tươi, niềm nở với từng vị khách đến thăm, dâng hương trong căn nhà lưu niệm theo đúng lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời.
Bác Võ Đại Hàm bên bàn trà tiếp khách trước hiên nhà
Bác Võ Đại Hàm bên bàn trà tiếp khách trước hiên nhà

Những ngày trong và sau Tết Kỷ Hợi năm 2019 là lúc dòng người, khách du lịch đổ về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình để bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ đối với vị tướng tài ba của dân tộc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam đông hơn bao giờ hết. Đây cũng là khoảng thời gian khá bận rộn của bác Võ Đại Hàm - người canh giữ căn nhà lưu niệm của Đại tướng suốt bao nhiêu năm qua.

42 năm giữ lửa!

Sáng 9/2 (tức mồng 5 Tết), dọc theo con đường mang tên “Ông Giáp” chạy dài nằm giữa một bên là cánh đồng lúa xanh ngát, một bên là nhà cửa san sát nối liền nhau. Đến thôn An Xá, thuộc địa phận xã Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình bảng hướng dẫn vào nhà lưu niệm Đại tướng chỉ dẫn khách du lịch, cũng như tôi vào thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người đông đúc nhưng cũng rất văn minh lần lượt vào dâng hương, hoa trong căn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước sự đón tiếp niềm nở, vui tươi trên nét mặt của bác Võ Đại Hàm.

Ông Võ Đại Hàm là con cháu đời thứ 3, (tức bố của ông nội bác Võ Đại Hàm là anh ruột của bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp). “Theo lời kể, căn nhà lúc Đại tướng sinh ra sau khi bị thực dân Pháp đốt năm 1947 đã được phục dựng trên nền đất cũ theo nguyên dạng ban đầu vào năm 1977, rồi từ đó trở thành nhà lưu niệm Đại tướng cho đến hiện nay ” – bác Võ Đại Hàm nhớ lại.

Một góc trưng bày nhỏ trong nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một góc trưng bày nhỏ trong nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngược dòng lịch sử, thân mật với lời xưng hô bác – cháu (PV), bác Võ Đại Hàm chia sẽ, từ năm 1954, sau khi được đi học trường Con em liệt sĩ chống Pháp đến năm 1962 tốt nghiệp lớp 10 thì bác được học bổng thời kì bấy giờ cho đi học tại trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Nhưng đến năm 1966 khi Trung Quốc xảy ra cuộc cách mạng Văn hoá thì các du học sinh Việt Nam, trong đó có bác Võ Đại Hàm phải về nước theo quy định.

Không dang dở con đường học vấn ở đó, bác tiếp tục theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và tốt nghiệp là kỹ sư chế tạo máy năm 1971. Sau khi sống và làm việc được gần 6 năm tại “Cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội”, một trong hai con chim đầu đàn của ngành chế tạo máy lúc bấy giờ thì bác được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngõ ý “hỏi” có muốn về quê nhà sinh sống trên mãnh đất quê hương lúc sinh thành, vậy là ông Võ Đại Hàm đã quyết định về quê hương, mãnh đất Lệ Thuỷ anh hùng.

Mùa đông cũng như hạ, cứ khoảng gần 6h sáng, bác lại dậy quét dọn sân vườn, tưới cây cối, sắp xếp lại gọn một cách gọn gàng cuốn sổ lưu bút trong nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt là không quên dặn vợ là bác Trần Thị Vân (SN 1952) chuẩn bị những ấm trà để mời khách du lịch cũng như người dân đến thăm, dâng hương. Cứ lặp đi lặp lại công việc của bác trong căn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã trải qua hơn 42 năm.

Thấm nhuần lời căn dặn của Đại tướng!

Vẫn nhớ như in ba điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn lúc bác Võ Đại Hàm khi nhận lời về quê trông coi nhà, vườn rằng: Không hưởng lương Nhà nước; Không có ruộng thì xin cấp ruộng cày cấy; Không được để đất vườn trống mà phải trồng trọt. Luôn làm theo lời căn dặn đó, dù vất vả, mỗi ngày đón rất nhiều lượt khách đến thăm, ngày lễ, Tết có khi đến cả nghìn người đến thăm, dâng hoa, bác vẫn luôn giữ nụ cười trên gương mặt đã có phần nhăn nheo của tuổi già mà không thấy chút nào của sự mệt mỏi.

Bác Trần Thị Vân (vợ bác Hàm) giúp chồng tiếp đón đoàn khách du lịch đến từ Thuỵ Sĩ và chụp ảnh lưu niệm

Bác Trần Thị Vân (vợ bác Hàm) giúp chồng tiếp đón đoàn khách du lịch đến từ Thuỵ Sĩ và chụp ảnh lưu niệm


“Những năm đầu mới về, còn nhiều vất vả vì trước đó bác vốn đi học, không biết tí gì về cày cấy ruộng vườn, có năm phải nhờ bà con xung quanh giúp đỡ thóc để ăn. Nhưng rồi cũng quen dần, bác trồng các loại cây như đậu lạc, đậu xanh, bí trong vườn rồi cũng có xin một ít ruộng cày cấy. Giờ thì tuổi bác đã cao nên ruộng cũng cho thuê rồi lấy một ít sản phẩm thôi. Đại tướng cũng đã từng nói với bác là ‘mình là con nhà truyền thống, ông bà, bố mẹ mình có công với nước thì phải phấn đấu cố gắng như thế nào để đừng nghèo, sống phải có ích’ ” – bác Hàm chia sẽ tỉ mỉ khi đã thấm nhuần lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trời đổ về trưa, những đoàn khách du lịch từ Thuỵ Sĩ, con em xa quê cũng như người dân địa phương đến dân hương, đặt hoa ngày càng tấp nập hơn. Bác cùng vợ lại tất bật với công việc chào hỏi, đón tiếp cũng như trở thành hướng dẫn viên cho tất cả các vị khách với bộ trang phục quần thể thao, áo phông đã cũ. Nhưng tin chắc rằng nụ cười trên môi bác Võ Đại Hàm trong căn nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ trở thành một hình ảnh hết sức đáng nhớ đối với ai đã từng đặt chân đến đây.

Đọc thêm